Cảng hàng không quốc tế tư nhân đầu tiên ở Việt Nam có gì ‘hot’?

Thu Hà - 14/07/2018 17:02 (GMT+7)

(VNF) - Vừa hoàn tất chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên ngày 11/7, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang mang theo nhiều kỳ vọng mới cho phát triển kinh tế xã hội Quảng Ninh và vùng kinh tế Đông Bắc Bộ.

Sân bay Vân Đồn được khởi công từ tháng 3/2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, trên tổng diện tích 325 ha, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng, do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.

Sân bay Vân Đồn được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.

Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là cảng hàng không quốc tế với đường cất hạ cánh dài 3,6 km, rộng 45 m, có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hoá và hành khách lớn, hiện đại nhất thế giới.

Đặc biệt, đường cất hạ cánh của sân bay Vân Đồn còn được trang bị hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II, bảo đảm chỉ dẫn cho tàu bay hạ cánh an toàn trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Trong giai đoạn I đến năm 2020, nhà ga đáp ứng công suất phục vụ 2,5 triệu khách/năm, giờ cao điểm đạt 1.250 hành khách/giờ, trong thời gian tiếp theo sẽ nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm. Riêng nhà ga hàng hóa có công suất là 10.000 tấn hàng hóa/năm.

Sân bay Vân Đồn được kỳ vọng sẽ là điểm trung chuyển, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, TP. HCM cũng như các trung tâm kinh tế - du lịch lớn trong khu vực tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

 

Tags: