Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Với những người theo dõi lâu năm, đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) năm nay thật đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, trước đại hội, HBC đã trải qua một năm kinh doanh thất bát chưa từng có, một cuộc “nội loạn” cũng chưa hề có tiền lệ, công ty chậm công bố báo cáo kiểm toán 2022, phải lùi thời gian tổ chức đại hội, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch (hiện tại đang vào diện cảnh báo) và suýt chút nữa thì đại hội đã bất thành.
Nhưng có một điều còn đặc biệt hơn cả những điều nêu trên đó là sự xuất hiện của những doanh nhân đang đứng đầu các doanh nghiệp được xem là đối thủ của HBC, như: ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT và ông Võ Hoàng Lâm – Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Central (Central Cons), ông Trần Nhật Thành – Chủ tịch tập đoàn xây dựng Delta, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng An Phong…
Hình ảnh các lãnh đạo doanh nghiệp này bắt tay với nhau, cười nói cùng nhau đã gây bất ngờ lớn cho công chúng. Nhưng thực ra, cuộc hội ngộ ở HBC chỉ là sự công khai của một liên minh đã được hình thành từ khá lâu trước đó. Liên minh có tên “Hoa Lư”.
Ý tưởng về liên minh “Hoa Lư” đã xuất hiện cách đây hơn 1 năm, khi Chủ tịch CTD Bolat Duisenov muốn đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp này sang mảng đầu tư công – một hành động tất yếu trong bối cảnh mảng dân dụng thương mại đang khan hiếm đơn hàng. Nhưng đi kèm với đó, Chủ tịch CTD cũng muốn tìm kiếm sự gắn kết giữa các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, vốn đang bị chia rẽ bởi sự nghi kị và đang đẩy nhau xuống đáy trong cuộc cạnh tranh “điên rồ” về giá. Và sau rất nhiều thảo luận, cho tới tháng 5/2023, Coteccons, Unicons, Central Cons, Hòa Bình, Delta, An Phong, Thành An và một đối tác ngoại – Power Line Engineering Public Company Limited (PLE), đã chính thức kết minh nhằm mục tiêu chinh phục gói thầu 5.10.
5.10 – gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành, có giá trị lên tới 35.000 tỷ đồng, là “miếng bánh” hấp dẫn nhất hiện nay của thị trường xây dựng Việt Nam. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi những nhà thầu lớn nhất Việt Nam đều lao vào tranh đoạt. Cùng với “Hoa Lư”, có 2 liên danh khác cũng đang hướng tới gói thầu này.
Một là liên danh “VIETUR” do Tập đoàn công nghiệp và thương mại xây dựng Ic Istas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu, có sự tham gia của các nhà thầu thuộc hệ sinh thái do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như: Newtecons, Ricons, SOL E&C và các tên tuổi khác gồm: Tổng công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1), Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG), Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, UPCoM: HAN), Công ty Cổ phần Kết cấu ATAD và Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện.
Hai là liên danh “CHEC-BCEG-Vietnam Contractors” do doanh nghiệp Trung Quốc có tên China Habour Engineering Company Limited đứng đầu, có sự góp mặt của một doanh nghiệp Trung Quốc khác là Bejing Construction Engineering Group Co,Ltd và các doanh nghiệp nội gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (UPCoM: XMC), Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt, Công ty Cổ phần Xây dựng CDC, Tổng công ty 789, Công ty TNHH Nhà thép PEB, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 52, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Samcons Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy gói thầu 5.10 này đang quy tụ những doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam, hình thành cục diện “quần long tranh châu” với mức độ cạnh tranh rất gay gắt. Cơ hội đương nhiên chia đều cho tất cả, nhưng mạnh yếu của từng liên danh lại có sự khác biệt đáng kể, khiến “cửa thắng” của mỗi bên cũng khác nhau. Dựa trên các dữ liệu khách quan, Đầu tư Tài chính tiến hành “gieo quẻ” để phần nào lượng hóa được tỷ lệ thắng của các liên danh này.
“Hoa Lư” có lẽ là liên danh gây được sự chú ý nhất trong những cái tên kể trên, bởi đây là lần đầu tiên, những “gã khổng lồ” của ngành xây dựng Việt Nam, vốn là đối thủ suốt mười mấy năm qua, đứng chung một chiến hào. Cũng vì là tập hợp của những “gã khổng lồ”, năng lực của “Hoa Lư” là một điều không cần phải bàn cãi.
Cụ thể, về năng lực tài chính, CTD, doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam, đứng đầu liên danh, năm qua đã có màn trở lại ấn tượng với doanh thu tăng 60%, đạt hơn 14.500 tỷ đồng và xử lý tương đối sạch sẽ các khoản công nợ thông qua việc mạnh tay trích lập dự phòng trong khi vẫn duy trì năng lực tài chính hùng hậu với hàng nghìn tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Với backlog 17.000 tỷ đồng cho năm 2023 (chưa kể dự án Lego), CTD đang khá lạc quan với kế hoạch doanh thu 16.249 tỷ đồng, tăng trưởng 12% và lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng trưởng 11 lần so với năm trước.
Đi cùng CTD, Central Cons đến 2022 đã trở thành nhà thầu lớn thứ 5 Việt Nam, xét theo doanh thu (gần 9.000 tỷ đồng). Trong khi đó, Thành An, Delta và An Phong vẫn duy trì vị thế của những doanh nghiệp tốp đầu trên thị trường xây dựng Việt Nam với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi đơn vị.
Mắt xích yếu nhất của “Hoa Lư” là HBC. Tuy nhiên với việc đứng trong liên danh, vấn đề tài chính của HBC sẽ được cân đối bởi các đồng minh, đặc biệt là CTD. Đó là chưa nói, CTD đã tìm kiếm được sự hậu thuẫn về mặt tài chính từ 4 ngân hàng lớn (Vietinbank, MB, TPBank và BIDV) cho việc “tham chiến” tại Long Thành.
Về chuyên môn, các thành viên trong “Hoa Lư” vượt trội toàn ngành về năng lực thi công trong mảng dân dụng, thương mại, đặc biệt là CTD đã thành công lớn với những dự án có độ khó rất cao và quy mô “khủng” như Landmark 81 hay gần đây là Diamond Crown Hải Phòng. Trên thực tế, việc thi công kết cấu công trình nhà ga sân bay cũng không có quá nhiều khác biệt so với các công trình dân dụng, thương mại, thậm chí còn không phức tạp bằng một số dự án như CTD đã làm.
Mặt khác, những năm gần đây, CTD, HBC đã mở rộng hoạt động sang mảng xây dựng hạ tầng cơ bản và công nghiệp, gặt hái được những kết quả rất đáng kể mà dấu ấn của HBC thể hiện rõ nét ở thành tựu của Hòa Bình 479 còn CTD là đánh bại Newtecons để giành lấy dự án Lego 1 tỷ USD. Những điều này đã thiết lập một nền tảng cơ bản cho việc thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn như Long Thành.
Ngoài ra, phải thấy rằng Thành An (thuộc Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng) từ lâu đã là một “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đầu tư công (từng dự vào nhà ga T1 sân bay Nội Bài) trong khi Delta cũng là một tên tuổi lẫy lừng ở mảng miếng này.
PLE – doanh nghiệp ngoại duy nhất trong liên danh, cũng là một “gã khổng lồ” của ngành xây dựng Thái Lan với 35 năm lịch sử. Không chỉ xây dựng nên những công trình biểu tượng của “đất nước chùa vàng” như tòa nhà Quốc hội, Chamchuri Square…, PLE còn nổi tiếng là đơn vị đã thi công gói cơ khí – điện – nước (MEP) và ICT trị giá 228 triệu USD cho dự án mở rộng sân bay Suvarnabhumi (Băng Cốc, Thái Lan). MEP và ICT được xem là “trái tim” của các dự án sân bay. Như vậy, có thể nói, PLE chính là mảnh ghép hoàn hảo cho năng lực của “Hoa Lư” khi đấu thầu dự án sân bay Long Thành.
Trên thực tế, “Hoa Lư” đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng về phương án triển khai gói 5.10. Trong trường hợp trúng thầu, liên danh này ước tính sẽ hoàn thành xây dựng trong 36 tháng. Để tăng thêm khả năng về đích đúng hẹn, “Hoa Lư” đã có biên bản ghi nhớ với 2 đơn vị tư vấn dự án từ Pháp và Nhật Bản. Đây là 2 đơn vị có năng lực và kinh nghiệm sâu về xây dựng sân bay trên thế giới.
CTD đang chứng tỏ vị thế của thủ lĩnh khi đứng ra đóng 100% phí bảo lãnh tạm ứng cho các thành viên trong liên danh, một điều có lẽ không tìm thấy ở các liên danh còn lại. Đây là yếu tố cộng hưởng với sự tương đồng về giá trị, văn hóa, điểm mạnh, mục tiêu giữa các thành viên trong liên danh khiến “Hoa Lư” có sự gắn kết khá chặt chẽ - điều rất quan trọng làm nên sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai một gói thầu có quy mô rất lớn như 5.10.
Với điểm cộng lớn nêu trên, có thể nói “cửa thắng” của Hoa Lư là khá rộng mở.
Ông Nguyễn Bá Dương là một “kỳ nhân” của ngành xây dựng Việt Nam, người đã đưa CTD lên đến tột đỉnh. Vai trò của ông Dương với CTD lớn tới nỗi có thời kỳ giới đầu tư chứng khoán đã dịch tên mã cổ phiếu CTD là “Chủ Tịch Dương”. Tuy nhiên, những biến cố trong giai đoạn 2019 – 2020 đã khiến ông Dương rời CTD để sau đó kiến lập một hệ sinh thái riêng với những: Newtecons, Ricons, SOL E&C, BM Windows, Boho Décor… Chỉ trong vòng vài năm, những doanh nghiệp này đã phát triển nhanh chóng, trở thành “ông lớn” của ngành xây dựng Việt Nam, trong đó Ricons và Newtecons đã lọt vào top 3 – 4 những nhà thầu lớn nhất với doanh số năm 2022 đều trên 11.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau bộ đôi CTD – HBC.
Việc nhóm doanh nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương tham gia đấu thầu dự án sân bay Long Thành khiến không ít người có phần ngạc nhiên, bởi cho đến tận năm ngoái, ông Nguyễn Bá Dương vẫn “nói không” với các dự án đầu tư công (theo chia sẻ công khai vào tháng 6/2022 của ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cựu thành viên HĐQT độc lập của CTD thời ông Dương làm chủ tịch). Nhưng tình thế đã biến chuyển rất nhanh chỉ sau phát ngôn của ông Hiệp vài tháng (đơn cử tháng 8/2022, Newtecons trượt dự án Lego 1 tỷ USD cùng lúc vụ trái phiếu An Đông nổ ra) khiến ai rồi cũng phải khác. Việc tham gia đấu Long Thành của nhóm ông Dương, vì thế, cũng là việc chẳng đặng đừng.
Dù có phần cập rập, khi tới quý II/2023 ông Dương mới lập xong liên danh, nhưng nhóm của ông vẫn kịp tìm cho mình những đồng minh khá chất lượng. Ở trong nước, Vinaconex là một tên tuổi lớn, có kinh nghiệm lâu năm với các dự án đầu tư công, từng tham gia các dự án sân bay như: Phú Bài (nhà ga T2), Cam Ranh (nâng cấp sân đỗ). Trong khi đó, CC1 cũng nổi danh với việc tham gia các gói thầu cao tốc Bắc – Nam cũng như dự vào việc xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cùng với Hancorp.
Đối tác ngoại của nhóm ông Dương cũng là một cái tên không tầm thường. Ic Istas là nhà thầu hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ, có kinh nghiệm trong thi công sân bay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Còn ATAD là đơn vị chuyên cung cấp các công đoạn tư vấn, thiết kế, sản xuất, lắp dựng các sản phẩm nhà thép tiền chế và kết cấu thép chất lượng cao khá nổi tiếng, cũng từng dự vào một số dự án sân bay.
Nhìn qua như vậy để thấy rằng “VIETUR” không phải là đối thủ dễ chơi với bất kỳ ai. Tuy nhiên, liên danh này cũng tồn tại các vấn đề, mà vấn đề lớn nhất là nhà thầu đứng đầu liên danh, Ic Istas. Doanh nghiệp này dẫu có danh tiếng, nhưng nguồn lực không mạnh. Dữ liệu riêng của Đầu tư Tài chính cho thấy tới năm 2020, quy mô doanh thu của Ic Istas chỉ vào khoảng 9,5 tỷ TRY, tương đương 9.500 tỷ đồng, còn chưa thể so sánh với CTD – HBC tại cùng thời điểm. Đó là chưa nói, Ic Istas đã lỗ đậm liên tục trong các năm 2018 – 2020 do chi phí tài chính rất lớn. Điều này để lại những băn khoăn không nhỏ về năng lực của nhà thầu ngoại này, nhất là trong bối cảnh quan hệ kinh tế thế giới đang trong giai đoạn nhiều rủi ro cũng như bản thân Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua thảm họa động đất hồi tháng 3 vừa qua.
Như vậy, có thể nói, cơ hội chiến thắng của “VIETUR” không phải là thấp, nhưng cũng không hề vượt trội hơn “Hoa Lư”. Thậm chí, ở một khía cạnh khác, công chúng đều thấy cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có “Hoa Lư” dám công khai cam kết thi công 36 tháng và sẵn sàng đối diện với câu chuyện có thể âm dòng tiền trong quá trình triển khai gói thầu 5.10 – một sự tự tin rất cao độ về năng lực của mình. Trong khi đó, “VIETUR” vẫn chưa thể hiện những thông tin mang tính cam kết cao đối với dự án mà chỉ trưng ra những thành tựu của các thành viên như một cách làm đẹp mình trong mắt dư luận.
Trong số 3 liên danh, “CHEC-BCEG-Vietnam Contractors” là “ẩn số” lớn nhất, bởi các thông tin về 2 nhà thầu Trung Quốc là China Habour Engineering Company Limited và Bejing Construction Engineering Group Co,Ltd không dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi, Đầu tư Tài chính đều ghi nhận sự “kiêng nể” của giới chuyên môn xây dựng trong nước về năng lực của các nhà thầu phương Bắc, đặc biệt là khả năng “làm với bất cứ giá nào”. Song cũng vì khả năng này, các nhà thầu Trung Quốc từng để lại cho phía Việt Nam không ít bài học “đắt giá”. Đây cũng sẽ là điều ít nhiều làm hạn chế “cửa thắng” của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Mặt khác, lợi thế về giá của các nhà thầu Trung Quốc chưa hẳn đã trở nên ưu việt ở dự án sân bay Long Thành, bởi nếu trúng thầu, nhiều khả năng, nhà thầu ngoại sẽ phải thuê thầu phụ Việt Nam, thiết bị tại Việt Nam để triển khai xây dựng.
Ngoài ra, cũng có thể thấy thêm rằng, trong liên danh “CHEC-BCEG-Vietnam Contractors” thì ngoài 2 nhà thầu Trung Quốc, các doanh nghiệp còn lại không mấy nổi bật, ngoại trừ Tổng công ty 789.
Sân bay Long Thành là “công trình thế kỷ” của Việt Nam, là biểu tượng mới của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới kỷ niệm 100 năm lập quốc (2045). Bởi vậy, việc lựa chọn nhà thầu thi công công trình trọng điểm (như gói 5.10) ngoài xét tới yếu tố năng lực, cũng nên cân nhắc tới việc ưu tiên cho các nhà thầu nội địa. Sẽ là rất ý nghĩa nếu như một công trình biểu tượng cho quốc gia được xây dựng bởi các nhà thầu trong nước.
Bản thân các nhà thầu trong nước, trải qua hàng chục năm phát triển, đã đạt đến trình độ rất cao cả về quản trị và chuyên môn, đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các nhà thầu quốc tế. Điều họ cần lúc này là sự tin tưởng của nhà nước, giao phó cho những công trình quan trọng, để từ đó bứt phá hơn nữa, trở thành các doanh nghiệp hàng đầu của đất nước và một ngày không xa có thể “mang chuông đi đánh xứ người”.
Hàn Quốc năm 1996 cũng xảy ra chuyện loay hoay trong việc quyết định ai sẽ thi công sân bay Incheon. Năm đó, các nhà thầu Hàn Quốc cũng không đủ tiêu chí trúng thầu, thậm chí không đủ tự tin để tham gia, nhưng chính phủ Hàn Quốc đã quyết định chọn Korea Airport Engineering Corp - liên doanh gồm các công ty xây dựng lớn trong nước như Samsung C&T, Daewoo E&C và Hyundai E&C… để xây dựng sân bay này, thay vì chọn các công ty ngoại. Câu chuyện của Hàn Quốc là một dẫn chứng sống động cho việc dựng xây năng lực cạnh tranh quốc gia ở những lĩnh vực như xây dựng hay hàng không, đủ để làm một gợi ý tiếp cận cho Việt Nam hiện nay với sân bay Long Thành.
Cũng cần nói thêm rằng, ngành xây dựng Việt Nam hiện nay đang đối diện muôn vàn khó khăn, đến nỗi Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam phải thống thiết nói rằng nếu tình hình cứ diễn biến như hiện tại, có lẽ 5 năm tới, Việt Nam không còn doanh nghiệp xây dựng nào. Trong tình cảnh như vậy, một dự án như Long Thành có ý nghĩa như một lối thoát cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, gói thầu 5.10 quy tụ hầu hết các “ông lớn” xây dựng trong nước, bởi đây là “canh bạc” không chỉ đối với từng doanh nghiệp mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn tới cả sự phát triển ngành xây dựng Việt Nam, chí ít là trong vòng 5 năm tới.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.