Cảnh báo gia tăng vận chuyển tiền, ngoại tệ trái phép qua biên giới

Văn Đức - 03/11/2018 06:55 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 3 vụ vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ qua biên giới.

VNF
Từ đầu năm đến nay, Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 3 vụ vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ qua biên giới

Một lượng lớn tiền, ngoại tệ được các đối tượng giấu trong hành lý, trong người hòng qua mặt các lực lượng chức năng để vận chuyển trái phép, không khai báo hải quan khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. 

Đối tượng tham gia vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ qua biên giới có cả người Việt Nam và người Trung Quốc. Trong số đó, có 2 vụ đối tượng mang hàng trăm nghìn Nhân dân tệ cất giấu, không khai báo khi xuất cảnh từ Việt Nam sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và 1 vụ với số tiền hơn nửa tỷ đồng do đối tượng mang theo khi nhập cảnh vào Việt Nam. 

Điển hình ngày 4/7, tại khu vực kiểm tra giám sát hải quan thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, một phụ nữ người Trung Quốc tên là Lâm Tích Đoan (trú ở Quảng Đông – Trung Quốc) làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc mang theo túi xách nhưng không đưa hành lý qua máy soi. Khi bị phát hiện, đối tượng đã cầm túi xách bỏ chạy về phía Việt Nam.

Lực lượng hải quan đã kịp thời khống chế. Qua kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện quanh người Đoan có quấn 170.000 Nhân dân tệ bằng băng dính. 

Hay vụ Hoàng Ngọc Nga (sinh năm 1978, trú tại Bình Lộc, Lạng Sơn) khi nhập cảnh từ Đông Hưng (Trung Quốc) vào Việt Nam hồi giữa tháng 5 đã giấu 3 cọc tiền, mệnh giá 500.000 đồng; 17 cọc tiền, mệnh giá 200.000 đồng vào xung quanh cạp quần và mặc áo chống nắng bên ngoài; 8 cọc tiền, mệnh giá 100.000 đồng trong túi ni lông; 3 cọc tiền mệnh giá 50.000 đồng để trong túi xách tay. Tổng số tiền trên là 594 triệu đồng. 

Một số đối tượng làm giả hồ sơ hải quan, giả chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan để làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, không ngoại lệ có hiện tượng làm giả hồ sơ hải quan để chuyển tiền ra nước ngoài trái phép. 

Gần đây ở thành phố Hạ Long, Móng Cái xuất hiện hiện tượng du khách Trung Quốc khi mua hàng đã sử dụng thanh toán, giao dịch "chui" thông qua các tiện ích ngân hàng cung cấp như sử dụng máy thanh toán điện tử (POS), điện thoại di động thông minh, máy tính bảng...

Bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng có thể thực hiện giao dịch tại Việt Nam nhưng tiền lại đưa về Trung Quốc, không thông qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức thanh toán nào của Việt Nam. 

Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, hoạt động của các đối tượng tham gia vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ có xu hướng gia tăng do chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt tài khoản của các doanh nghiệp có hoạt động buôn bán giữa Việt Nam-Trung Quốc trên tuyến biên giới đường bộ.

Hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng gặp khó dẫn đến hiện tượng vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ qua biên giới ngay tại cửa khẩu và khu vực đường biên. 

Hải quan Quảng Ninh đã đề nghị Tổng cục Hải quan đưa ra cảnh báo đối với toàn ngành hải quan về vấn nạn chuyển tiền trái phép này để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả; trong đó, hướng dẫn dấu hiệu nhận biết các nghi vấn để cán bộ, công chức kiểm tra hồ sơ, đặc biệt là đối với tờ khai luồng Vàng, luồng Đỏ.

Qua đó, cơ quan hải quan có thể sớm phát hiện các vi phạm trong khâu thông quan, giảm thiểu rủi ro. 

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh; trong đó, bổ sung lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh làm ủy viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nhằm quản lý và hạn chế tối đa vi phạm trong hoạt động giao dịch thanh toán ngân hàng, đặc biệt là cơ quan chuyên môn quản lý và có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và các giao dịch ngân hàng.

Xem thêm >> TS Lương Hoài Nam: ‘Grab, Uber không phải là loại hình vận tải’

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác