Câu chuyện ùn tắc ở cửa khẩu và bài toán xuất khẩu ổn định sang Trung Quốc
Thu Trang -
21/02/2022 07:06 (GMT+7)
Tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc là vấn đề nhức nhối từ cuối năm 2021 đến nay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam, do đó, cần định vị lại đúng thị trường này, xác định rõ những phân khúc hàng hóa có thể cung ứng và nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Nhiều dư địa xuất khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều trong thời gian tới.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48,0 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt - Trung.
Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 12/9/2016 đã có hiệu lực ngay ngày ký và thay thế cho Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa hai nước ký ngày 19/10/1998 cũng khẳng định cam kết của hai bên về tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp, tích cực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định.
Trong bối cảnh mới, chính quyền cấp cao 2 nước đã và đang tích cực trao đổi, phối hợp, đưa ra những cam kết về bảo đảm thuận lợi hóa thương mại ở mọi tình huống.
Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, điểm cộng trong quan hệ giao thương Việt Nam-Trung Quốc còn là 2 thị trường có tính chất bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam hiện xuất khẩu sang Trung Quốc 4 nhóm hàng chính gồm: nhóm nguyên nhiên liệu; nhóm nông sản; nhóm thủy sản và nhóm hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Định vị thị trường để hoạch định chính sách
Suốt thời gian qua, theo đuổi chính sách “Zero-COVID-19”, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp, liên tiếp dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam cũng như hoạt động thông quan tại nhiều cửa khẩu, lối mở; đồng thời ban hành nhiều thay đổi về quy định, chính sách để siết chặt hoạt động nhập khẩu. Việc siết chặt các quy định không chỉ áp dụng với doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam mà với tất cả các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc.
Vấn đề ùn tắc nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bên cạnh nguyên nhân trực tiếp đến từ lý do biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ của Trung Quốc, thì theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tình trạng này còn có những nguyên nhân đến từ nội tại của sản xuất, xuất khẩu nông sản.
Ví dụ điển hình có thể kể tới như, trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2021 phía Trung Quốc đã trả về qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 105,17 tấn hàng/4 xe cá cơm khô của Việt Nam vì lý do dư lượng Axit Photphoric, phốt phát vượt quá yêu cầu tiêu chuẩn cho phép (ngày 10/11/2021 trả 1 xe và ngày 18/12/2021 trả 3 xe).
Ngoài ra, điểm yếu cố hữu tồn tại lâu nay cũng được bà Trang nêu ra chính là việc sản xuất chưa đúng với quy trình, tiêu chuẩn; chất lượng hoặc bao gói ở đâu đó vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm. Dẫn đến trong số các sản phẩm nông sản xuất khẩu, vẫn có nhiều sản phẩm chưa thể đi chính ngạch mà vẫn phải sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới để xuất khẩu.
Bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết thêm, Việt Nam đã có đàm phán về thuế, song đàm phán quản lý chất lượng còn hạn chế khi chỉ có 9 sản phẩm đáp ứng yêu cầu, việc kiểm dịch chặt chẽ khi 100% sản phẩm trái cây xuất sang Trung Quốc phải kiểm dịch.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, người dân và doanh nghiệp cần tập trung nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập vào các thị trường đã ký kết các FTA để tận dụng ưu đãi thuế quan từ thị trường này.
Đối với địa phương sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị địa phương cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường quan trọng đối với Việt Nam, và trong bối cảnh các quy định nhập khẩu của nước bạn siết chặt hơn, cần định vị lại đúng thị trường này, xác định rõ những phân khúc hàng hóa có thể cung ứng và nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Sự chủ động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hay nói cách khác là cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở, là giải pháp căn cơ để đảm bảo hoạt động xuất nhập hàng hóa qua cửa khẩu được duy trì thông suốt ổn định và đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone