Nhân vật

Chân dung GS-TS Nguyễn Đức Khương, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

GS-TS Nguyễn Đức Khương – Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh (IPAG Business School - Pháp) - là người Việt đầu tiên lọt vào top 10 chuyên gia kinh tế trẻ hàng đầu của thế giới do dự án RePEc bầu chọn.

Chân dung GS-TS Nguyễn Đức Khương, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

GS-TS Nguyễn Đức Khương.

GS-TS Nguyễn Đức Khương sinh năm 1978 tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ông sang Pháp học cao học và hoàn thành luận án tiến sỹ ngành quản trị tài chính tại Đại học Grenoble ở tuổi 27. Ông cũng từng tham gia khóa học về lãnh đạo phát triển tại Havard Kennedy School (Mỹ).

Khi còn nhỏ, ông Khương học tại Trường THPT Đa Phúc ở quê nhà. Năm 2000, ông tốt nghiệp thủ khoa Đại học Thương mại Hà Nội, chuyên ngành quản trị doanh nghiệp.

Lập nghiệp và thành danh ở nước ngoài

GS-TS Nguyễn Đức Khương từng giảng dạy tại Trường Quản trị kinh doanh Lyon, Viện Quản trị doanh nghiệp Grenoble, giảng viên chính thức tại Học viện Thương mại Paris. Ông cũng tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne và nhiều trường đại học ở Việt Nam.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là thị trường tài chính mới nổi, tài chính năng lượng, mô hình biến động và quản lý rủi ro ở các thị trường vốn quốc tế.

GS Khương có hơn 100 công trình nghiên cứu và bài báo được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tínnhư: European Journal of Operational Research, Journal of Banking and Finance, Journal of International Money and Finance, Journal of Macroeconomics, Macroeconomic Dynamics, Emerging Markets Review, Energy Economics, Energy Policy…) và nhiều cuốn sách chuyên khảo tại Anh, Pháp, Đức, Mỹ.

GS-TS Nguyễn Đức Khương tham gia ban biên tập của hơn 10 tạp chí chuyên ngành về kinh tế - tài chính quốc tế. Ông cũng là trưởng ban tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn quốc tế hàng năm; là thành viên của nhóm Tư vấn Điều phối Tài chính châu Á (Asian Shadow Financial Regulatory Committee), tư vấn cho nhiều chính phủ châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Philippines.

Năm 2016, GS-TS Nguyễn Đức Khương được Dự án Nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) xếp hạng thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới.

RePEc là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 93 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan. RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng ký vào cơ sở dữ liệu của RePEc. Việc xếp hạng căn cứ vào rất nhiều chỉ tiêu, đối với các nhà nghiên cứu là số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng…

Tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam

GS-TS Khương hiện là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) với nòng cốt tại Pháp và mạng lưới trên toàn cầu, từng là Chủ tịch và Tổng thư ký Hội Tài chính người Việt trên thế giới (VFAI).

Ông tâm huyết với việc tập hợp mạng lưới trí thức, chuyên gia rộng lớn người nước ngoài và người Việt trên toàn thế giới về nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông là người khởi xướng thành lập mạng lưới các nhà khoa học và chuyên gia (RSE), tiền thân của AVSE.

Cùng với các thành viên và cộng tác viên của AVSE, GS-TS Nguyễn Đức Khương bắt đầu bằng việc kết nối thông qua các hội thảo, seminar chuyên đề về các chủ đề khoa học chuyên ngành có tính thời sự quốc tế và được các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam quan tâm như: Kinh tế đường sắt cao tốc, kinh tế trí thức, phát triển bền vững, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, chính sách năng lượng, đầu tư nước ngoài, tự chủ đại học, và thu hút nhân tài.

Tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới được tổ chức tại TPHCM vào tháng 11/2016, GS Khương đã có bài tham luận “Tầm nhìn để dẫn đầu - xây dựng tầm nhìn chiến lược để phát triển TPHCM” thu hút sự chú ý của các đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, trong đó đề cập tới khái niệm xây dựng TPHCM trở thành thành phố mở, cửa ngõ mở của Đông Nam Á - kết nối toàn cầu.

GS Khương cũng là người đề xuất với lãnh đạo TPHCM áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực với các nguyên vật liệu tuần hoàn (sound meterial - cycle society) mà Nhật Bản là quốc gia đầu tiên xây dựng. Mô hình phát triển kinh tế này dựa trên nguyên tắc 3R (Reduce - Resued - Recycle), tức là bảo toàn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện ông cũng giữ vai trò Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình Thu hút học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình này được đặt tại khoa Quốc tế, ra đời với mục đích phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Là thành viên trẻ nhất trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, GS Khương cùng các đồng nghiệp ở nước ngoài đang ấp ủ nhiều dự án, công trình nghiên cứu đóng góp xây dựng phát triển đất nước.

Tin mới lên