Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Ngày 23/10, HĐQT Bamboo Airways bất ngờ công bố quyết định bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam làm tổng giám đốc. Hãng bay này cho biết đây là bước tiến mới nhất trong tiến trình tái cấu trúc toàn diện đang được hãng đẩy mạnh, trong đó có tái cấu trúc bộ máy quản trị điều hành nhằm ổn định hoạt động, tạo cơ hội cho sự phát triển trung hạn.
Sinh năm 1963, ông Lương Hoài Nam là nhân vật nổi tiếng trong làng hàng không Việt với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông từng làm trưởng ban kế hoạch thị trường của Vietnam Airlines trong 11 năm. Từ tháng 7/2004 đến cuối năm 2009, ông giữ chức Tổng giám đốc Pacific Airlines - thành viên của Vietnam Airlines Group.
Biến cố đến với cuộc đời ông Nam khi vào tháng 1/2010, ông bị tạm giữ để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến những vấn đề tại Jetstar Pacific Airlines. Vụ rắc rối này đã thu hút chú ý của dư luận dù sau đó, ông Nam được tại ngoại và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tháng 7/2012, ông Nam trở lại với ngành hàng không khi đảm nhận cương vị giám đốc điều hành hãng hàng không tư nhân Air Mekong. Nhưng chỉ sau 4 tháng, ông xin từ nhiệm vì lý do “muốn được sum họp sống cùng gia đình”.
Thời gian sau, ông làm lãnh đạo tại Nam Long, Công ty Hàng không Hải Âu, hãng hàng không lưỡng dụng Vietstar Airlines. Vài năm gần đây, ông Nam thường xuất hiện với tư cách là chuyên gia hàng không, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB).
Một ngày sau khi Bamboo Airways công bố bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam, Vietravel Airlines cũng công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hải giữ vị trí CEO của hãng bay này. Điều thú vị là cách đó 2 tháng, ông Hải từng là tổng giám đốc của Bamboo Airways.
Không kém cạnh ông Lương Hoài Nam, ông Nguyễn Minh Hải sinh năm 1972 cũng có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Ông bắt đầu công tác trong lĩnh vực hàng không từ năm 1993 với vị trí chuyên viên ban tiếp thị hành khách của Vietnam Airlines.
Sau đó, ông Hải kinh qua các vị trí khác nhau tại hãng hàng không quốc gia như chuyên viên, đội trưởng, trưởng phòng tại phòng thương mại khu vực miền Bắc, trưởng chi nhánh Vietnam Airlines tại Australia, Nhật Bản, trưởng ban kế hoạch và phát triển...
Đến tháng 4/2015, ông Nguyễn Minh Hải được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines. Ông cũng từng có thời gian làm Tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia Campuchia (Cambodia Angkor Air). Cuối tháng 5/2023, ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Bamboo Airways. Thời điểm này, ông Hải khẳng định với trách nhiệm của mình, ông và ban điều hành sẽ đưa Bamboo Airways về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024. Tuy nhiên sau gần 2 tháng, ông Hải bất ngờ xin từ nhiệm.
Cả ông Lương Hoài Nam và ông Nguyễn Minh Hải tiếp quản “ghế nóng” của 2 hãng hàng không đang gặp nhiều rất vấn đề và thiếu sự ổn định. Với Bamboo Airways, những biến động thượng tầng về cơ cấu cổ đông và nhân sự cấp cao trong vòng hơn một năm qua chưa dứt trong bối cảnh sức khoẻ suy yếu hậu Covid-19 đã khiến hãng từng vướng vào tin đồn phá sản.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu mạng bay, trong đó tập trung vào việc cắt giảm một số đường bay và giảm tần suất bay ở các tuyến không hiệu quả cũng gây ra những rắc rối đối với hãng.
Hàng loạt chuyến bay từ nội địa đến quốc tế bị hủy bất ngờ, hãng không nêu lý do thay đổi lịch bay, không thông tin phương án xử lý cho khách hàng mà chỉ hướng dẫn liên hệ nơi mua vé hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng qua hotline và email trước ít nhất 3 giờ so với giờ bay ban đầu để được hỗ trợ. Những rắc rối này gây ra nhiều khó chịu và khiến cả những khách hàng vốn rất có cảm tình với hãng cũng phải đặt ra câu hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra với Bamboo Airways?”.
Không chỉ những vấn đề về mạng bay, tình hình tài chính của Bamboo Airways cũng là một bài toán mà “cơ trưởng” Lương Hoài Nam cùng ban điều hành hãng bay phải tìm lời giải. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2022, Bamboo Airways lỗ sau thuế kỷ lục 17.619 tỷ đồng do tăng mạnh khoản dự phòng khoản phải thu khó đòi.
Trong đó, chỉ có khoảng 4.800 tỷ đồng là lỗ thực từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Còn lại phần lớn xuất phát từ hoạt động kinh doanh ngoài ngành hàng không nhưng không hiệu quả trong giai đoạn trước khi có nhà đầu tư mới tham gia.
Tính đến cuối 2022, công ty chỉ còn 82 tỷ đồng tiền mặt. Bên cạnh đó, công ty đầu tư vào chứng khoán gần 6.308 tỷ đồng. Khoản phải thu đang chiếm dụng lớn lượng vốn của công ty khi ghi nhận tại ngày 31/12/2022 là 13.318 tỷ đồng, trong đó phải trích lập dự phòng khoản khó đòi 9.692 tỷ. Cuối năm ngoái, hãng bay này vay tổng cộng 10.623 tỷ đồng.
Kinh doanh bết bát, vốn lưu động âm 6.900 tỷ, nguồn tiền ứ đọng ở các khoản phải thu trong khi vay nợ lớn là hồi chuông báo động về tình hình tài chính của Bamboo Airways.
Ở phía bên kia, ông Nguyễn Minh Hải và Vietravel Airlines cũng không khá khẩm hơn khi kế hoạch tăng vốn “khủng” lên 8.250 tỷ đồng của hãng đang bị các cơ quan chức năng đánh giá là chưa có tính khả thi và bị đề nghị giải trình làm rõ trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trước đó, vào năm 2022, Vietravel Airlines đã có đề xuất xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đề xuất, hãng đề nghị được nâng tổng vốn đầu tư từ 700 tỷ đồng lên 8.250 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu về tổng vốn đầu tư điều chỉnh dự án của Vietravel Airlines đang có sự sai khác giữa các văn bản. Cơ quan này đề nghị nhà đầu tư rà soát, xác định lại số liệu tại các tài liệu trong hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Về phương án huy động vốn, số liệu về tổng vốn đầu tư điều chỉnh và tổng các nguồn vốn tại các tài liệu của nhà đầu tư cũng đang có sự sai khác khá lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết theo báo cáo tài chính năm 2021, tại bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2021, vốn góp của chủ sở hữu của Vietravel Airlines là 861,6 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 438,3 tỷ đồng).
Còn theo báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ tài chính 6 tháng kết thúc vào ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu là 594,3 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 705,6 tỷ đồng); nguồn vốn dài hạn nhà đầu tư có thể sử dụng là âm 192,015 tỷ đồng.
Căn cứ các báo cáo tài chính nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc nhà đầu tư dự kiến huy động thêm vốn góp để thực hiện dự án điều chỉnh là không khả thi và cũng chưa có cơ sở đánh giá tính khả thi của phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng.
Những bài toán nêu trên có thể chưa bao quát tất cả những vấn đề mà Bamboo Airways và Vietnam Airlines đang phải đối mặt, nhưng hành trình làm “cơ trưởng” của ông Lương Hoài Nam và ông Nguyễn Minh Hải sẽ cần phải ưu tiên tìm lời giải cho những vấn đề này.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.