Châu Âu vẫn ‘bị động’ giữa chặng đường dự trữ năng lượng
Minh Ý -
20/10/2022 18:40 (GMT+7)
(VNF) - Dù rất tích cực tìm kiếm nguồn cung khí đốt để lấp đầy các kho chứa để ứng phó với mùa đông nhưng châu Âu dường như vẫn đang ở thế “bị động” trên chặng đường độc lập nguồn cung năng lượng.
Theo Bloomberg, các cơ sở dự trữ khí đốt tại EU hiện đã đạt khoảng 92% tiến độ lấp đầy, sẵn sàng để vượt qua một mùa đông giá lạnh với nhiều nguồn cung cấp thay thế Nga.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ từ Italy đến Hà Lan nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của các quan chức nhà nước thông qua các kho dự trữ chiến lược quốc gia
Phần còn lại nằm trong tay các công ty thương mại quốc tế, các công ty tiện ích năng lượng và các tập đoàn công nghiệp.
Về lý thuyết, các công ty cung cấp khí đốt hoàn toàn có thể lựa chọn bán năng lượng cho những khách hàng trả giá cao nhất, và điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cho các quốc gia châu Âu cũng trở nên bất định.
Không những vậy, nếu các quốc gia phải cạnh tranh nguồn cung năng lượng, thì sự đoàn kết giữa các quốc gia trong khối cũng trở nên mỏng manh.
Mạng lưới khí đốt của khu vực được cho là sẽ hoạt động bằng cách cho phép nguồn cung cấp luân chuyển giữa các thị trường. Miễn là có đủ nhiên liệu trong hệ thống, nó sẽ cân bằng. Tuy nhiên, không ai biết sự cân bằng này sẽ được duy trì như thế nào trong tình trạng nguồn cung xuống thấp hoặc không ổn định.
Graham Freedman, nhà phân tích tại công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: “Tính thực tế của hệ thống chưa bao giờ được thử nghiệm trước đây. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ khắc nghiệt của mùa đông sắp tới".
Theo ông Freedman, nếu thời tiết quá lạnh, lượng khí lưu trữ có thể giảm xuống dưới 10% vào cuối tháng 3. Điều đó có thể gây ra một cuộc tranh giành nguồn cung mới trước mùa đông năm sau.
Trong những tháng tới đây, giá cả tại thị trường khí đốt châu Âu nhiều khả năng sẽ dao động mạnh do nguồn cung từ Nga bị cắt giảm.
Nguồn cung này vốn chiếm tới 40% tổng nhu cầu EU vào năm ngoái. Việc này có thể dẫn tới khả năng khí đốt phân chia không đồng đều giữa các thị trường, do môi trường lạnh giá ở Đức và Ba Lan sẽ cần nhiều khí đốt hơn, còn nguồn cung cho Italy, Áo hoặc Hà Lan sẽ bị thu hẹp.
Mặc dù có công suất lưu trữ lớn nhất châu Âu, Đức trong lịch sử đã từng khai thác nguồn dự trữ từ Áo để giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu vận hành các nhà máy và sưởi ấm cho các ngôi nhà.
Người phát ngôn của Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cho biết: “Nếu không có thị trường khí đốt châu Âu và sự hỗ trợ của các nước láng giềng, chúng tôi sẽ không thể tránh được tình trạng thiếu khí đốt ở Đức”.
Các chính phủ cũng đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn sự gián đoạn trong mùa đông này bằng cách điều chỉnh việc tích lũy và rút kho dự trữ. Đức đã thông qua luật bắt buộc các mục tiêu về kho khí đốt, bao gồm điều kiện các chủ cơ sở lưu trữ phải lấp đầy 95% kho chứa vào ngày 1/11 và duy trì mức 40% vào ngày 1/2/2023.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cũng đã mở rộng 15 tỷ EUR (14,7 tỷ USD) cho Trading Hub Europe, công ty quản lý thị trường khí đốt của Đức, để mua nhiên liệu dự trữ. Tập đoàn này đã mua khoảng 60 terawatt giờ khí đốt, tương đương với khoảng 25% công suất lưu trữ của Đức, có thể được coi là do nhà nước quản lý.
Sebastian Bleschke, giám đốc điều hành hiệp hội lưu trữ khí đốt Ines của nước này cho biết: “Chính phủ Đức hiện đang cân nhắc một lượng lớn khí đốt để sử dụng khi cần thiết trong mùa đông. “Nhưng hầu hết các nguồn cung trong nước đều không được nắm chắc”.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy một cái nhìn sâu sắc hơn về việc lưu trữ khí đốt, và một số quốc gia đã lên tiếng đề nghị châu lục phát triển năng lực để đối phó với những đợt suy thoái trong tương lai. Ông Claudio Descalzi, giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni SpA của Italy, cho biết: “Mùa đông năm 2023-2024 có thể tồi tệ hơn mùa đông năm nay”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone