Giá khí đốt châu Âu tụt xuống đáy 4 tháng bất chấp Nga siết nguồn cung

Minh Đăng - 19/10/2022 12:14 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù suy giảm nguồn cung từ Nga, giá khí đốt tự nhiên giao sau tại thị trường châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 4 tháng trở lại đây trong phiên giao dịch ngày 18/10, khi các hành động chính sách của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu định hình.

VNF
Giá khí đốt châu Âu tụt xuống đáy 4 tháng.

Theo Bloomberg, giá khí đốt giao tháng 11 trên trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) của Hà Lan ngày 18/10 đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống còn 118 euro/MWh, ghi nhận mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6.

Giá khí đốt hợp đồng tương lai giảm được cho là do thời tiết tại châu Âu đang ấm lên, lượng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tăng cao giúp các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 92%, cao hơn mức trung bình 5 năm vào thời điểm này trong năm.

Theo các nhà phân tích tại Alfa Energy, giá khí đốt có thể sẽ tiếp tục giảm nếu châu Âu tiếp tục có nguồn cung LNG dồi dào để lấp đầy các kho dự trữ.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh bảo rằng nếu không cắt giảm tiêu thụ và mùa đông lạnh hơn bình thường có thể làm cạn kiệt dự trữ nhanh chóng và khiến việc bổ sung dự trữ vào năm tới khó hơn nhiều, đặc biệt là khi Nga ngắt hoàn toàn nguồn cung.

Ở động thái liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/10 đã đưa ra đề xuất gồm các biện pháp mới liên quan tới tình hình năng lượng của khối, nhằm xoa dịu thị trường năng lượng đầy biến động và giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này.

Gói biện pháp “khẩn cấp” của EU thể hiện tình đoàn kết giữa các quốc gia và quyết tâm vượt qua quãng thời gian khó khăn, cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow.

Theo đó, gói giải pháp sẽ dành gần 40 tỷ euro từ quỹ ngân sách EU chưa sử dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đối phó với tình trạng chi phí năng lượng tăng cao.

EC cũng đề xuất các quốc gia thành viên EU cùng tham gia một hệ thống mua chung cho phép điều phối dự trự khí đốt giữa mỗi nước. Các quốc gia dự kiến sẽ cùng nhau mua lượng khí đốt để lấp đầy ít nhất 15% kho dự trữ của họ, và các công ty năng lượng sẽ được phép thành lập một tập đoàn châu Âu để đàm phán các hợp đồng dài hạn.

Về việc áp trần giá khí đốt, cơ quan điều hành châu Âu cho biết chưa thể áp dụng biện pháp này do còn nhiều bất đồng giữa các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, EU sẽ áp đặt “giới hạn giá linh hoạt” đối với giao dịch trên sàn TTF của Hà Lan, nhưng đây là “phương sách cuối cùng”, cần được chính phủ các quốc gia cho phép và chỉ kéo dài tối đa 3 tháng.

EU đã đồng ý với mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nguyện 15% của các quốc gia. Ủy ban sẽ giám sát chặt chẽ các biện pháp cắt giảm nhu cầu và sẵn sàng kích hoạt chuyển sang cắt giảm bắt buộc hoặc thậm chí sửa đổi các mục tiêu nếu các cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.

Trong một tuyên bố, EC nêu rõ, gói đề xuất nêu trên nhằm "ngăn chặn tình trạng giá tăng vọt và thao túng giá cả, tạo sự minh bạch và ổn định hơn cho thị trường đồng thời đảm bảo giá cả hợp lý và lưu thông khí đốt trong bối cảnh khủng hoảng".

Các đề xuất này cần được tất cả 27 quốc gia EU ủng hộ tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 20-21/10. Kế hoạch cuối cùng dự kiến sẽ được thống nhất vào tháng tới.

Xem thêm >> Châu Âu không kịp xử lý, hàng chục tàu chở khí LNG lênh đênh ngoài khơi

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.