Chi phí 1 tỷ đồng/năm: Học trường quốc tế và bài toán tài chính

Thảo Lê - 26/08/2023 20:53 (GMT+7)

(VNF) - Năm học 2023- 2024 chuẩn bị khai giảng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh bị nghẽn dòng tiền chi trả học phí đắt đỏ của các trường quốc tế. Hiện nhiều nhà đầu tư lo lắng, kinh phí hoạt động của các trường quốc tế sẽ gặp khó trước thực trạng phụ huynh tìm cách rút hồ sơ chuyển con vào trường công lập hoặc tư thục.

VNF

Không kham nổi học phí đắt đỏ

Bà Nguyệt Ánh có 2 con đang học cấp 1 tại trường quốc tế ở quận 7, TP. HCM với mức học phí năm ngoái là 125 triệu đồng/năm/học sinh (chưa bao gồm các khoản khác như tiền ăn trưa, đồng phục, xe đưa đón…). Dự kiến, năm học sắp tới, học phí tăng hơn lên 130 triệu đồng/học sinh, chi phí bữa ăn và các khoản khác cũng nhích thêm. Trong lúc đó, công ty may mặc do gia đình bà làm chủ đang trong tình cảnh không có đơn hàng đều đặn, khách chậm trả tiền, phải cắt giảm nhân công, loay hoay đủ cách để duy trì hoạt động. Khoản chi hàng trăm triệu đồng cho 2 con đang trở thành áp lực. Mà xa hơn, là chưa thể tính được việc kinh doanh năm 2024 và các năm sắp tới sẽ có biến động mới.

Do vậy bà đã tìm cách chuyển con về trường tư thục ở gần nhà. Bà Nguyệt Ánh chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng đã tính nhiều cách, nhưng với chi phí gần 300 triệu đồng cho con tiếp tục học trường quốc tế lúc này là khá lớn, chuyển con về học trường tư có thể vấp phải nhiều trắc trở về thay đổi môi trường học tập, thay đổi bạn bè, thay đổi cách học… nhưng học phí không kham nổi thì đành chịu”.

Ông Hoàng Phương, một phụ huynh có con vừa hoàn tất lớp 6, chuẩn bị vào lớp 7 tại trường quốc tế, ngụ ở quận 10 TP. HCM, cũng cho biết: “Lớp con tôi có 19 học sinh, vào năm học mới có đến 4 phụ huynh cùng nhu cầu chuyển trường cho con sang công lập nên lập nhóm trao đổi. Điểm chung của cả 4 người là lo từ nay đến lớp 12, không theo nổi mức học phí tăng dần theo cấp lớp, tăng dần theo năm, nên ở thời điểm lớp 7 này là thuận tiện nhất để chuyển trường cho con.” Theo nhóm của ông Phương, nếu để tận lớp 9 sẽ vướng thi chuyển cấp, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Hoa, với vị trí là cán bộ quản lý một bộ phận trong công ty cổ phần giáo dục có hệ thống liên kết với nhiều nơi, bà được suất ưu đãi giảm đến 30% học phí cho con trong các trường quốc tế thuộc hệ sinh thái của công ty. Nhưng từ đầu 2023, trong bối cảnh doanh thu bị ảnh hưởng, công ty đang áp dụng chế độ cắt giảm nhân sự và xiết chặt các khoản làm thêm giờ, lương phụ trội, thưởng thành tích… nên thu nhập của bà Hoa cũng bị giảm theo. Bà luyến tiếc: “Giảm đến 30% mà tôi cũng không đủ tiền đóng học cho con, vì phải tính toán cho tiền ăn, tiền xăng xe, tiền thuê nhà… đang tăng lên”.

Theo ghi nhận của Tạp chí Đầu tư Tài chính, hiện chỉ có phụ huynh đang cho con học trường quốc tế dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể chuyển chỗ học sang trường công. Còn lại những phụ huynh đang cho con học tại hơn 20 trường dạy chương trình phổ thông của Anh, Mỹ, Canada, Australia… thì chỉ tìm cách chuyển lòng vòng sang trường có mức học phí rẻ hơn.

Tính kiểu gì cho học phí gần 1 tỷ đồng một năm?

Ảnh minh họa

Thống kê riêng tại TP. HCM, (các trường lý giải là do áp lực của việc cải tiến hệ thống, tăng cường cơ sở vật nghi tiện nghi, đầu tư cho nhiều hoạt động mới), học phí nhiều trường quốc tế tăng gần 10 - 55 triệu đồng so với năm học trước. Với các trường đã công bố tuyển sinh, học phí bậc mầm non ở mức trung bình 125 - 455 triệu đồng/năm; tiểu học 150- 680 triệu đồng/năm; trung học từ 210- 924 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, mức học phí cao nhất cho bậc học phổ thông đã lên đến hơn 900 triệu đồng/năm (lớp 11- 12).

Tùy trường, học phí trên có thể bao gồm hoặc không có: sách giáo khoa, văn phòng phẩm, đồng phục, sinh hoạt ngoại khóa. Nếu các khoản này chưa được tính trong học phí, phụ huynh phải chi thêm khoảng 10 - 20 triệu đồng một năm. Nếu cho con ăn bán trú, dịch vụ xe đưa đón, phụ huynh nộp thêm lần lượt 15 - 40 triệu đồng và 20 - 35 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, phụ huynh còn phải nộp phí đăng ký tuyển sinh, khoảng 1 - 5 triệu đồng, phí giữ chỗ 20 - 50 triệu đồng, phí kiểm tra đầu vào 1 - 5 triệu đồng. Các khoản phí này thường không được hoàn lại.

Tính bình quân theo học phí trung bình, trong 12 năm học phổ thông, một phụ huynh phải đầu tư khoảng 6 - 8 tỷ đồng cho con học trường quốc tế theo chương trình nước ngoài và khoảng 1,8 - 2,5 tỷ đồng cho con học trường quốc tế dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với khoản chi phí này, những lúc việc làm ăn khởi sắc thì các bậc phụ huynh có thể chi ra dễ dàng. Nhưng khi kinh tế đình trệ, buộc phải thắt chặt chi tiêu, thì khoản học phí hàng trăm triệu đồng cho mỗi đợt đóng (phụ huynh có thể chia làm 2-3 đợt đóng trong năm) tạo thành áp lức khá lớn trong dòng tiền của các gia đình. Vậy nên chuyển con sang học trường công hoặc tư thục là giải pháp được nhiều phụ huynh chọn.

Tính đến cuối năm 2022, TP. HCM có 2.355 trường học, trong đó gần 1.350 trường phổ thông công lập, thu học phí khoảng 900.000 - 2,7 triệu đồng một năm, tùy cấp học và khu vực cư trú (bậc tiểu học miễn học phí). Học phí các trường ngoài công lập dao động khoảng 20 - 270 triệu đồng mỗi năm.

Một nhà đầu tư là thành viên hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Giáo dục Đào tạo có trụ sở tại TP. HCM cho biết: “Với cơ sở vật chất bao gồm phòng học, sân chơi, hồ bơi, phòng thí nghiệm; đội ngũ nhân sự gồm các giáo viên giảng dạy và cán bộ quản lý người nước ngoài, giáo viên giỏi tuyển từ các nơi trong nước, nhân viên phục vụ… thì trường phải tuyển được khoảng 800 học sinh trở lên mới đủ chi phí hoạt động tốt và vừa đủ chi trả cho các khoản đầu tư, nhưng hiện nay đầu vào mới chỉ được hơn 500”. Theo vị này, các nhà đầu tư đang tính toán “gồng lỗ” cách nào để duy trì.

Để thu hút học sinh và giảm nỗi lo cho phụ huynh, nhiều trường quốc tế liên tục đưa ra các ưu đãi hoặc các chính sách chi trả học phí. Chẳng hạn như chia việc đóng học phí làm nhiều đợt; liên kết ngân hàng cho phụ huynh trả chậm tối đa 3 tháng không tính lãi suất; giảm 5% - 15% cho phụ huynh đóng trọn gói; tặng dịch vụ bữa ăn trưa, đồng phục, xe đưa đón…

Nhiều trường làm riêng các gói tài chính theo các bậc học để thu hút phụ huynh đầu tư, tùy theo gói 3 – 6 – 9 - 12 năm mà phụ huynh sẽ nhận được ưu đãi khác nhau. Ghi nhận trên các gói, phụ huynh đóng góp khoản tiền từ 2 tỷ đồng trở lên, không nhận lãi suất, các con sẽ được học miễn phí từ 2 năm trở lên, sau đó tùy theo thỏa thuận mà phụ huynh có thể nhận 1 phần lãi suất (tăng- giảm theo ngân hàng) hoặc đóng thêm học phí với mức ưu đãi 30 – 50 - 80%. Thậm chí có gói đóng 1 khoản tiền lớn, học miễn phí đến 12 năm, nếu phụ huynh dừng hợp đồng thì được rút nguyên khoản tiền về, hoặc có thể sang nhượng số năm học còn lại (trong tổng số 12) cho người khác theo giá thỏa thuận.

Bỏ 1 khoản đầu tư lớn hàng tỷ đồng ngay từ ban đầu để có ưu đãi học phí lớn hay dùng tiền làm vốn kinh doanh rồi đóng phí hàng năm, đó là bài toán tài chính làm đau đầu các phụ huynh.

Cùng chuyên mục
Tin khác