Chỉ ra những bất cập: Hô hào chuyển đổi xanh và chăm chăm vào tăng trưởng
Hoàng Sơn -
26/11/2023 12:48 (GMT+7)
(VNF) - Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp xuất phát từ khả năng tiêu thụ sản phẩm, khi chưa thấy tương lai nền kinh tế khởi sắc thì nhu cầu tín dụng sẽ còn thấp. Đây là một trong những phát ngôn của chuyên gia đáng chú ý trong tuần qua.
'Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp xuất phát từ khả năng tiêu thụ sản phẩm'
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với đầu năm. Con số này còn cách rất xa định hướng tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra hồi đầu năm.
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm nay, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại đã nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức giảm từ 0,5% - 3%/năm tuỳ đối tượng khách hàng.
Mức lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm từ 0,5% - 1,5%/năm trong nửa cuối 2023 đến đầu năm 2024. Tuy nhiên, để kỳ vọng tín dụng tăng mạnh cuối năm nay không dễ và theo giới phân tích, cả năm chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 13-14% so với mục tiêu ngành đưa ra 14-15%.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, muốn kích thích nguồn tín dụng, trước tiên lãi suất cho vay cần phải hạ thêm, đồng thời phải rà soát các điều kiện ràng buộc về tiêu chuẩn tín dụng chưa phù hợp với thị trường và tháo gỡ vướng mắc.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh rằng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp xuất phát từ khả năng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào tâm lý, đánh giá triển vọng của nền kinh tế trong tương lai bởi khi chưa thấy tương lai nền kinh tế khởi sắc thì nhu cầu tín dụng sẽ còn thấp.
Rút bảo hiểm xã hội một lần: 'Chỉ được 50% là không hợp lý'
Tranh luận về vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, đối với 2 phương án đưa ra trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cho rằng nếu chọn phương án một thì sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi luật có hiệu lực.
"Chúng ta đều biết một trong những lý do chính khiến người lao động giúp bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt", đại biểu nói.
Theo đại biểu Cầm, quy định như phương án một dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp.
"Việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Như vậy, vô hình trung sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của bảo hiểm xã hội", đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đối với phương án 2, người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay, tuy nhiên đại biểu Cầm cho rằng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động.
Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.
"Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của những người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước và sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng ra tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội", đại biểu Cầm nêu.
'Hô hào' chuyển đổi xanh nhưng thiếu tiêu chí phân biệt xanh và không xanh
Trao đổi tại một diễn đàn về tài chính cho kinh tế xanh mới đây, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) dẫn số liệu cuộc khảo sát về mức độ nhận thức của DN giảm phát thải và chuyển đổi xanh thực hiện vào tháng 8/2022 cho thấy: Nội dung được biết đến nhiều nhất thời điểm đó là việc Thủ tướng cam kết tại COP 26 chỉ đạt 20%. Các nội dung khác như chính sách thuế cacbon hay các nghị định doanh nghiệp cần thực hiện… đạt tỷ lệ quanh 10%.
“Con số này cho thấy ở thời điểm đó, mức độ nhận thức và mức độ sẵn sàng của các DN Việt là tương đối thấp. Cho tới nay, con số này đã được cải thiện nhưng chưa quá nhiều”, bà Thuỷ nói.
Thách thức thứ hai là rất thiếu và không nắm được những cải biện pháp kỹ thuật để có thể thực hiện chuyển đổi, cũng như thiếu thông tin dẫn đến không biết đưa ra lựa chọn như thế nào.
Và thách thức thứ ba được đề cập nhiều nhất là bài toán vốn.
“Trong thời điểm như hiện nay, câu chuyện tiền đâu rất khó khăn, nguồn vốn duy trì hoạt động đã khó, nguồn để chuyển đổi còn khó hơn”, đại diện Ban IV cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, nhận thức về chuyển đổi xanh đã có nhiều thay đổi, DN đã nhận thức đây sẽ trở thành vấn đề sống còn chứ không còn là lựa chọn, đặc biệt ở những ngành lĩnh vực mà người tiêu dùng đưa ra những yêu cầu khắt khe. Châu Âu đã có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cũng đã có dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.
'Nhà đầu tư chứng khoán đối mặt rủi ro trả giá cho kỳ vọng lợi nhuận quá đà'
Mặt bằng định giá hiện tại (tính theo hệ số P/E) của thị trường chứng khoán đang thấp hơn trung bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là mức định giá rẻ. Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính của FiinGroup, lại nêu góc nhìn khác trong hội thảo "Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024" do FiinGroup tổ chức mới đây.
Bà Vân cho biết mặt bằng định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi 2 nhóm ngành là ngân hàng và bất động sản. Nếu không tính hai nhóm ngành này, P/E của các ngành còn lại đang ở mức đỉnh lịch sử, khoảng 23,5 lần. Mức này thậm chí còn cao hơn giai đoạn dòng tiền rẻ năm 2021 khi Covid-19 xảy ra.
"Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng chúng ta đang nắm giữ cổ phiếu trên vùng đỉnh định giá. Khi mà định giá cổ phiếu ở vùng đỉnh, câu chuyện đầu tư giá trị không còn là trọng yếu. Để định giá quay về mặt bằng hấp dẫn hơn, có hai cách. Cách thứ nhất là thị trường phải chiết khấu sâu về điểm số. Cách thứ hai là phải có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận ở phía trước, giúp cho định giá được cải thiện", đại diện FiinGroup nêu quan điểm.
Theo bà Vân, bối cảnh vĩ mô hiện tại đã bớt tiêu cực hơn nhưng vẫn chưa thể tạo ra được động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong quý III vừa qua. Với mức giảm lợi nhuận toàn thị trường khoảng 1,7% so với cùng kỳ trong quý III, đây là mức giảm không phải quá tệ nhưng nó khiến cho nhiều nhà đầu tư thất vọng bởi những giả định trước đó đều cho rằng là lợi nhuận có thể tăng trưởng dương trở lại trong quý III nhờ mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, cầu tiêu dùng hồi phục và các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản dịu bớt đi.
PGS.TS Trần Đình Thiên: 'Đừng chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng'
Cập nhật về các kịch bản cho tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Ở kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chọn kịch bản thấp nhất bởi Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm chứ không chỉ riêng việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. N
"Ngay cả khi chọn kịch bản thấp nhất thì mọi thứ vẫn trong giả định quý sau tăng cao hơn quý trước. Nếu nền kinh tế có diễn biến nào đó bất ngờ ngoài khả năng dự liệu thì có thể tăng trưởng còn khó đạt được theo kịch bản này", ông Thiên nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh một số vấn đề. Đầu tiên, hiện tại bối cảnh thế giới và khu vực đang bộc lộ nhiều vấn đề khó ngoài tầm kiểm soát và không dự báo được. Kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục đà suy giảm và ảnh hưởng tới Việt Nam. Đáng nói, nền kinh tế thế giới cũng chưa cho thấy những dấu hiệu của sự phục hồi nên khó khăn sẽ càng lớn hơn khi chúng ta muốn đi ngược chiều thế giới trong tăng trưởng.
"Quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam, nhìn vào các động lực tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam rõ ràng là chưa bao giờ giảm sâu và kéo dài như bây giờ, dù một số ngành đã có khởi sắc nhưng đến giờ vẫn suy giảm 4,2% so với năm ngoái", ông Thiên nêu rõ.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.