'Chính phủ thực hiện các chương trình lớn, đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình'

Kỳ Thư - 21/12/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Theo Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Chính phủ đang thực hiện các chương trình, chính sách lớn từ Sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút đại bàng công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc Nam. Các chương trình này đều lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nếu thành công Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình.

Đất nước đang đứng trước nhiều vấn đề lớn

Đưa ra nhận định về bối cảnh đất nước ở thời điểm hiện tại, TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều vấn đề lớn.

Đất nước đang đứng trước nhiều vấn đề lớn.

Theo ông Phạm Thế Anh, nếu như những năm trước đây, Việt Nam chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế, bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì hiện nay, Việt Nam làm rộng hơn đi về thể chế, môi trường kinh doanh, thể hiện qua việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước. Chính phủ Việt Nam đang đi từ cải cách thể chế, sau đó đi vào chính sách kinh tế lớn.

Chính phủ đang quyết tâm thực hiện các chương trình, chính sách lớn từ sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc Nam. Các chương trình này đều lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nếu thành công Việt Nam thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình.

Trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách lớn đó, ông Phạm Thế Anh cho rằng đây là thời khắc quyết định.

Với vấn đề tăng trưởng kinh tế, theo ông Phạm Thế Anh trong ngắn hạn trong năm 2025 vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với khởi động loạt dự án mới. Động lực tiếp theo là xuất khẩu, song, xuất khẩu có thể tăng chậm lại trên nền cao của năm nay, cộng với bất ổn chính sách thuế của ông Trump.

Tiếp nữa là tăng trưởng kinh tế thế giới theo dự báo của các tổ chức trên thế giới sẽ chậm lại kéo theo nhu cầu yếu. Xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục, không chỉ do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn từ lợi thế vị trí địa lý, giá lao động ở Việt Nam vẫn rẻ.

Hiện nay, ở thị trường Mỹ, lạm phát chủ yếu xuất phát từ thị trường lao động do giá nhân công cao. Các nước châu Âu hay các nước phát triển đều gặp vấn đề này.

Việt Nam vẫn có lợi thế về giá nhân công rẻ, hấp dẫn đầu tư nước ngoài và hướng sang xuất khẩu ra bên ngoài để đáp ứng về nhu cầu lao động. Việt Nam cũng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, động lực vẫn đến từ sản xuất hàng hóa tiêu dùng hướng ra xuất khẩu.

Tăng trưởng GDP khả quan là 6,5%, kịch bản 8% rất lạc quan

Nêu quan điểm về tỷ giá các tác động tới nền kinh tế trong tương quan với chính sách thuế quan dưới thời "Trump 2.0", theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research, nhìn lại ở giai đoạn "Trump 1.0", đồng USD tăng hơn 4,4%, còn NDT giảm 5,33%; VND giảm 2,13%. Tỷ giá bị ảnh hưởng đầu tiên bởi thuế quan. Năm 2024, đồng USD cũng tăng mạnh, tăng gần 5% kể từ đầu năm.

Tăng trưởng GDP khả quan là 6,5%, kịch bản 8% rất lạc quan.

Trong giai đoạn tăng đó thì VND giảm 4,46%, NDT giảm 1,82%. VPBankS dự báo 2025, khi ông Trump dùng chính sách thuế thì Trung Quốc sẽ đối lại bằng câu chuyện tỷ giá, nếu USD tiếp tục tăng thì Trung Quốc sẽ nới rộng biên tỷ giá để đối phó thuế quan.

“Nhìn lại giai đoạn Trump 1.0, Trump đưa ra chính sách thuế vào 3/2018, giai đoạn 2018-2019, đồng USD tăng cao nhất 10%, NDT mất giá đến khoảng 12%. Rõ ràng, chính sách thuế quan cao thì Trung Quốc nới rộng tỷ giá, đồng NDT mất giá tương ứng.

Trong bối cảnh đó, tỷ giá VND cũng giảm 2,9%. Trong năm 2025, nếu thuế quan tiếp tục nóng, ông Trump có thể đánh thuế thì tỷ giá sẽ tác động nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Dự báo tỷ giá VND năm 2025 biến động trong biên độ 3%, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.

Về phần mình, TS Phạm Thế Anh nói năm sau, tăng trưởng GDP khả quan là 6,5%, kịch bản 8% rất lạc quan. Mặt bằng lãi suất hiện nay khó hạ, thậm chí còn phải tăng nhẹ.

Theo ông, lãi suất phụ thuộc nhiều thứ như lạm phát trong nước. Việt Nam tận dụng nhiều từ hàng hóa giá rẻ, nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc. Khi mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì giá hàng hóa giảm nhanh, duy trì mức thấp. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại cũng khiến giá hàng hoáthấp.

Sắp tới, chính sách thuế của ông Trump có thể duy trì mặt bằng giá nguyên liệu ở mức thấp từ việc khuyến khích khai thác trở lại dầu đá phiến, năng lượng điện thay thế dần năng lượng hóa thạch. Chuyên gia cho rằng mặt bằng giá nguyên, nhiên liệu duy trì giá thấp giúp chi phí sản xuất của Việt Nam dễ chịu.

Tỷ giá cũng giúp giá nhập khẩu nguyên vật liệu duy trì mức thấp vì đồng VND có mất giá song so với các đồng tiền khác, đặc biệt Nhân dân tệ thì còn lên giá. Do vậy, giá nhập khẩu nguyên, nhiêu liệu sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp mà phải duy trì quanh mức 3- 4% là mức bình thường. Lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp như các nước phát triển. Sức ép tăng lương, giá bất động sản, giá nhà tăng sẽ chuyển dần vào giá tiêu dùng.

Việt Nam cũng đang vướng ở 2 mục tiêu. Nếu muốn hạ lãi suất thì phải từ bỏ bớt mục tiêu về tỷ giá. Song, Việt Nam đang muốn cân bằng cả 2, lãi suất đang quanh 6% và lạm phát 4%, để duy trì mức lãi suất thực dương lãi suất khó giảm thêm. Với mức lãi suất hiện nay, ông Thế Anh cho rằng duy trì được là tốt, không kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới.

Trong những ngày gần đây, sau khi tỷ giá dưới động thái bơm ròng thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống ngân hàng, tỷ giá lại vừa có dấu hiệu căng trở lại. Trên thị trường quốc tế, hôm 13/12, chỉ số USSD-Index (DXY) vượt lên trên 107, mức chỉ thấp hơn đỉnh đột biến gần nhất hôm 22/11/2024.

Áp lực DXY và lãi suất USD trên toàn cầu khiến rủi ro tỷ giá quay trở lại là một trong những vấn đề được nhìn nhận sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải luôn theo dõi trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, cũng như cho cả năm 2025, trong mục tiêu tiếp tục ổn định lạm phát, tỷ giá, giữ lãi suất ở mặt bằng phù hợp hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Cho vay tăng tốc, tăng trưởng tín dụng chạm mốc 15%

Cho vay tăng tốc, tăng trưởng tín dụng chạm mốc 15%

Ngân hàng
(VNF) - Cuối năm, tín dụng tăng mạnh khi cầu vốn tăng. Do đó, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của ngành ngân hàng trong năm nay sẽ đạt được.
Cùng chuyên mục
Tin khác