Kinh tế Việt Nam 2025: Mục tiêu tăng trưởng có khả thi?
(VNF) - TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều yếu tố khó đoán định, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7% là vừa phải, nếu có điều kiện sẽ phấn đấu cao hơn.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5% - 7%, phấn đấu 7% - 7,5% và GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD. Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh về mục tiêu này.
-Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội vừa thông qua?
TS Võ Trí Thành: Sau hơn ba quý, kể cả chịu những tác động rất tiêu cực của cơn bão số 3 (Yagi), kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn cho thấy sự phục hồi rõ nét và có thể vượt được mục tiêu GDP ở cận trên Quốc hội đề ra là 6,5%, thậm chí nhiều khả năng đạt được 7%.
Sang 2025, về mặt tinh thần, cả Quốc hội và Chính phủ đều xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích và phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu GDP bình quân 6,5% cho cả giai đoạn, năm 2025 con số tăng trưởng GDP phải ở mức 9%. Đây là mục tiêu rất khó khăn và không thể thực hiện được.
Do đó, tại thời điểm này, Quốc hội và Chính phủ cũng xác định sẽ không bằng mọi giá để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm, mà quan trọng hơn là cùng với giữ được đà phục hồi kinh tế thì phải tạo ra được những nền tảng tốt nhất để có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Những thay đổi quan điểm mang tính chất nền tảng này sẽ tạo ra những khuôn khổ mới phù hợp với xu thế và cơ hội mới như liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dịch chuyển của lao động có kỹ năng, thậm chí là cải tổ bộ máy quản lý nhà nước... đều đang là yêu cầu bức thiết.
Vì vậy, tôi cho rằng việc đặt ra mục tiêu 6,5% - 7% là vừa phải, nếu có điều kiện sẽ phấn đấu cao hơn.
-Trong thế giới bất ổn như hiện tại, ông cho rằng nền kinh tế sẽ đối diện với những rủi ro nào?
TS Võ Trí Thành: Nền kinh tế vẫn phải đối diện với rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài – những yếu tố không thể kiểm soát được.
Trong khi đó, đầu tư công dù có nỗ lực nhưng không dễ vượt qua con số của năm ngoái; đầu tư tư nhân đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp và mức tăng tiêu dùng đang chững lại.
Bối cảnh đó đặt ra bài toán cần có chính sách phù hợp để nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp vừa vượt khó, vừa tận dụng được cơ hội và vừa bắt kịp được xu thế. Cùng với đó nền kinh tế dù phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn.
-Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải?
TS Võ Trí Thành: Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung 10 tháng năm 2024, có 173,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,3 nghìn doanh nghiệp rút lui.
Thực tế, số lượng doanh nghiệp rời thị trường đã có thay đổi đáng kể nhưng ở đây vẫn là con số lớn. Điều này cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chưa thực sự phục hồi.
Về các khó khăn cụ thể, từ quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp phản ánh họ gặp khó khăn liên quan đến đơn đặt hàng giảm, điều kiện bán hàng khó khăn, chi phí nguyên vật liệu cao, giá điện tăng gần đây và khả năng tiếp cận vốn hạn chế. Những vấn đề này đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong lĩnh vực sản xuất.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã nhấn mạnh những thách thức này, lưu ý rằng môi trường kinh doanh vẫn khó khăn bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Thị trường bất động sản chưa hồi phục như kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Các vấn đề mà SMEs phải đối mặt còn phức tạp hơn bởi môi trường pháp lý phức tạp và những bất ổn kinh tế dai dẳng.
-Vậy đâu sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, thưa ông?
TS Võ Trí Thành: Động lực cho quá trình tăng trưởng trong thời gian tới vẫn xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.
Đầu tiên là xuất khẩu. Thực tế cho thấy ngoại thương của Việt Nam đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/11, trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Con số này cho thấy xuất khẩu đã thực sự là bệ đỡ cho nền kinh tế cho nền kinh tế. Trong thời gian tới, tôi tin rằng xuất khẩu vẫn là cứu cánh của nền kinh tế.
Động lực thứ hai là đầu tư, chủ yếu là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 10 tháng năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh đầu tư công đang chậm, đầu tư trực tiếp nước ngoài được xem là con số cứu cánh cho nên kinh tế ở giai đoạn hiện tại.
Trụ cột thứ ba là tiêu dùng. Năm 2023, tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng gần 10%. Tăng trưởng bán lẻ trong 10 tháng năm 2024 vẫn ở mức trên 8.
Mặc dù, điều này thể hiện sự sụt giảm so với mức tăng trưởng 11,3% được quan sát thấy trong năm trước nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì đây vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng.
Bước sang năm sau, khi các tín hiệu phục hồi nền kinh tế trở nên rõ nét hơn, tin rằng tình hình bán lẻ tiêu dùng cũng sẽ tiếp tục khởi sắc phục hồi và trở thành một trong những bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế.
-Vậy, theo quan điểm của ông, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta làm thế nào để hỗ trợ kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh?
TS Võ Trí Thành: Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và kích thích hoạt động kinh tế, Chính phủ đang thực hiện một loạt chính sách, bao gồm việc tiếp tục điều chỉnh các chính sách tài chính và tiền tệ, tăng cường giải ngân đầu tư công và giảm nhiều loại thuế.
Đây sẽ tiếp tục là những lĩnh vực cần được đẩy mạnh trong năm sau để tạo được tăng trưởng tốt.
Trong khi hiệu quả kinh tế của Việt Nam năm 2024 được đánh dấu bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng thì các doanh nghiệp trong nước lại phải đối mặt với những rào cản đáng kể.
Do đó, tôi cho rằng trong thời gian tới những nỗ lực của Chính phủ cần tiếp tục tập trung vào kích thích hoạt động kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này.
Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng: Thiếu chính sách ưu đãi đột phá cho tăng trưởng xanh
- Phó Thống đốc NHNN: 'Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 15%' 07/12/2024 05:00
- Hải Phòng: 10 năm liền tăng trưởng kinh tế 2 con số 04/12/2024 04:30
- ‘Chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng ngay cả khi không có vốn nước ngoài' 04/12/2024 11:45
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.