‘Chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng ngay cả khi không có vốn nước ngoài'

Hải Đường - 04/12/2024 11:45 (GMT+7)

(VNF) - Đây là chia sẻ của bà Hồ Thuý Ái - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Phú Hưng tại Talkshow Phố Tài chính. Điều này được chứng minh bằng lợi nhuận tích cực trong 2 năm qua trong khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.

Nguyên nhân khối ngoại bán ròng

Năm 2024, việc khối nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng tiếp tục trở thành chủ đề được các nhà đầu tư trong nước quan tâm. Điều này diễn ra bất chấp những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Việt Nam, như tăng trưởng GDP ổn định ở mức cao và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 ngày càng rõ nét. Đồng thời, lãi suất tại Mỹ đã bắt đầu hạ nhiệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dần điều chỉnh giảm lãi suất, và các chính sách kinh tế trong nước cũng tập trung thúc đẩy tăng trưởng. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam vẫn đạt đến hàng tỷ USD.

Theo bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Phú Hưng: "Các nhà đầu tư luôn ưu tiên tìm kiếm lợi nhuận, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài năm qua chưa mang lại mức lợi nhuận vượt trội so với các khoản đầu tư quốc tế. Kể từ cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán toàn cầu ghi nhận sự bứt phá, nhưng phần lớn lợi nhuận lại tập trung vào các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khi đó, các mã cổ phiếu khác không cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng".

Bà Hồ Thuý Ái tại Talkshow Phố Tài chính

Theo bà, với nguồn vốn toàn cầu ưu tiên các cổ phiếu AI, thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên kém hấp dẫn bởi các công ty niêm yết chưa sở hữu những mã cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng AI.

Bên cạnh đó, các đợt IPO tại Việt Nam trong những năm gần đây còn hạn chế, khiến thị trường thiếu vắng nguồn cung cổ phiếu mới, làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bà Hồ Thuý Ái cho rằng, nếu có thêm nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn trong tương lai, dòng vốn ngoại chắc chắn sẽ quay trở lại.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các năm qua vượt trội hơn nhiều quốc gia khác, nhưng thị trường chứng khoán lại chưa đem lại lợi nhuận đáng kể.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Tuy nhiên, ba ngành chính là tài chính, bất động sản và tiêu dùng lại chiếm 3/4 tổng số mã cổ phiếu trên thị trường, trong khi nhóm ngành phần mềm – một lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển trong xu thế công nghệ – chỉ chiếm chưa đến 4%. Sự thiếu đa dạng này đã khiến thị trường Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia khác về cơ hội đầu tư.

Khó dự báo sự trở lại của khối ngoại

Bà Hồ Thuý Ái cho rằng sẽ khó để tiên liệu nguồn vốn nước ngoài có quay trở lại Việt Nam như kỳ vọng vào năm 2025 hay không. Dù vậy, bà khẳng định rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định ngay cả trong bối cảnh thiếu vắng dòng vốn ngoại. Điều này được chứng minh bằng lợi nhuận tích cực trong 2 năm qua trong khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.

"Một lợi thế của Việt Nam là thị trường không gặp hiện tượng bong bóng AI như ở một số quốc gia khác. Chúng tôi dự đoán sẽ có một cuộc siết chặt vốn toàn cầu khi bong bóng AI vỡ, khi đó Việt Nam với những lợi thế riêng sẽ vượt trội hơn các thi jtrwongf khác," bà Ái nhận định.

Trong bối cảnh triển vọng nâng hạng thị trường vào năm 2025 đang mở ra, bà Ái nhấn mạnh ba giải pháp chính để thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả.

Thứ nhất là cải thiện môi trường đầu tư. Các cơ quan quản lý, tổ chức kinh doanh chứng khoán và công ty quản lý quỹ cần đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.

Thứ hai là phát triển hạ tầng thị trường: Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống giao dịch là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao dịch và giám sát. Chẳng hạn, hệ thống KRX sắp được đưa vào vận hành cần được thúc đẩy nhanh chóng.

Thứ ba là gia tăng sự đa dạng trong thị trường. Cần giảm các hạn chế đối với vốn ngoại và tổ chức nhiều đợt IPO hơn nhằm thu hút thêm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, công nghệ. Điều này không chỉ giúp gia tăng tính đa dạng của thị trường mà còn tăng cường sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Bà Ái cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực cải thiện mô hình quản trị, nâng cao tính minh bạch và tuân thủ chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng là yếu tố quan trọng giúp tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế.

"Về dài hạn, yếu tố quan trọng nhất vẫn là cách mà nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận về thị trường Việt Nam. Tất cả các nỗ lực định lượng hiện nay đều nhằm đáp ứng các tiêu chí của tổ chức FTSE để nâng hạng thị trường lên nhóm các quốc gia mới nổi," bà Ái kết luận.

Cổ phiếu FPT: Khối ngoại xả hàng ngay trên đỉnh, 'ông lớn' nội muốn ôm vào

Cổ phiếu FPT: Khối ngoại xả hàng ngay trên đỉnh, 'ông lớn' nội muốn ôm vào

Tài chính
(VNF) - Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Tập đoàn FPT hiện đã giảm xuống dưới 46%, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Cùng chuyên mục
Tin khác