Thị trường

Chính phủ yêu cầu xem xét kiến nghị gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió

(VNF) - Liên quan đến việc nhiều địa phương đồng loạt kiến nghị Chính phủ xem xét, gia hạn cơ chế mua bán điện cố định (FIT) đối với các dự án điện gió đang triển khai, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương xem xét cụ thể các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trước 30/9/2021.

Chính phủ yêu cầu xem xét kiến nghị gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió

Ảnh minh họa

Trước đó, UBND các tỉnh UBND các tỉnh UBND các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu  đã có văn bản đề gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương đánh giá khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 UScent/kWh (theo quyết định 39/2018/QĐ-TTg).

Lý do các địa phương đưa ra là dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tuabin gió (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường... Rất nhiều dự án điện gió ddabf đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.

Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.

Trước đề xuất của các địa phương, ngày 15/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về đề nghị gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 30/9/2021.

Theo thông tin của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện nay, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch đến năm 2025 khoảng 25.500 MW (chưa bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà), bao gồm 13.900 MW điện mặt trời trang trại và 11.500 MW điện gió.

Như vậy còn lại khoảng 5.000 MW điện mặt trời và 6.144 MW điện gió đã phê duyệt quy hoạch, nhưng không kịp đưa vào vận hành trong năm 2021.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin cụ thể về các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn sau tháng 10/2021 nên tiến độ các nguồn này còn nhiều rủi ro.

Trong trường hợp các nguồn điện chậm tiến độ, nguồn năng lượng tái tạo ngừng triển khai sau mốc tháng 10/2021 vì hết ưu đãi giá FIT điện gió, Viện Năng lượng cảnh báo hệ thống sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh điện năm 2025.

Theo số liệu cập nhật của EVN, hiện có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).

Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW. Tuy nhiên, đó chỉ là hồ sơ đăng ký của các chủ đầu tư. Để số dự án này có thể vận hành thương mại, thực tế rất khó. Bởi lẽ, trong số 106 nhà máy gửi hồ sơ, có hàng chục dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, không ít dự án trang thiết bị còn chưa thể tập kết ở công trình.

Theo ý kiến một số chuyên gia, mức công suất điện gió có thể vận hành trước 31/10 là hơn 5.600 MW như các chủ đầu tư đăng ký với EVN là không thực tế. Dự kiến, chỉ khoảng một nửa trong số đó có thể vận hành thương mại như kế hoạch đã định.

Tin mới lên