Cá nhân cho thuê nhà trọ không bắt buộc lập doanh nghiệp
(VNF) - Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định việc xây dựng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ là một hoạt động kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp.
Ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM thông tin tại họp báo chiều 8/8 cho biết theo khoản 3, 4 Điều 9 của Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp.
Tổ chức, cá nhân cho thuê nhà trọ dưới mức quy mô nhỏ thì không phải tuân thủ các quy định của luật này nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định.
Lý do, việc kê khai đóng thuế khi có phát sinh thu nhập, là quy định bắt buộc đối với tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Long cho biết thêm, mức quy mô nhỏ được quy định tại Điều 7 Nghị định số 96/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Theo đó, mức quy mô nhỏ không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư; không thuộc trường hợp có giá trị quá 300 tỷ đồng trên một hợp đồng và có số lần giao dịch quá 10 lần trong một năm (trường hợp giao dịch 1 lần trong một năm thì không tính giá trị).
"Theo các quy định pháp luật nêu trên, liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ mà cụ thể là cho thuê trọ không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp. Còn việc kê khai đóng thuế khi có phát sinh thu nhập là quy định bắt buộc đối với tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Long nhấn mạnh.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có Tờ trình 6510 ngày 19/7, báo cáo UBND TPHCM dự thảo đề cương Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trên địa bàn.
Đặc biệt, một sản phẩm kỳ vọng của Đề án là dữ liệu nhà trọ an toàn, cung cấp đầy đủ thông tin trên app mobile, hỗ trợ cả người thuê và người cho thuê, đáp ứng cung - cầu cho thuê trọ, góp phần hạn chế việc tăng giá cho thuê do thiếu thông tin hoặc thông tin bất cân xứng.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng vừa có đề xuất nhà trọ ở TP.HCM muốn hoạt động phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5m2/người, hẻm rộng 4m, cách đường chính không quá 100m và có lối thoát nạn. Các công trình không bảo đảm về diện tích tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ bị buộc dừng hoạt động.
Theo kết quả kiểm tra, khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM, có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn TP.HCM với tổng số 560.220 phòng trọ, khoảng hơn 1,4 triệu người đang thuê.
Trong đó, có tình trạng sai phép (đối với dãy phòng cho thuê độc lập) hoặc tự ý chuyển đổi loại hình từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê trọ như: tự ngăn chia từng phòng, tăng quy mô số lượng người sinh hoạt nhiều lần nhưng chưa được cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn phòng cháy chữa cháy xét duyệt.
Kết quả khảo sát ban đầu, có khả năng khoảng 12.800 công trình (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động cần phải thực hiện chuyển đổi, cải tạo để đạt tiêu chí của quy định tối thiểu.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, có nhiều nhà trọ trên địa bàn thành phố không đảm bảo an toàn cháy nổ.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhận thấy có khoảng trống pháp lý trong thực tiễn quản lý Nhà nước.
Cụ thể, hiện trong quy định về quản lý trật tự xây dựng chưa có chế tài xử phạt đối với các trường hợp tự thay đổi nội thất bên trong như cải tạo, ngăn chia không gian thành phòng cho thuê của công trình nhà ở riêng lẻ.
Về quản lý kinh doanh, Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định việc kinh doanh nhà trọ, phòng trọ là ngành nghề phải có đăng ký kinh doanh; cho dù cá nhân kinh doanh nhà trọ quy mô nhỏ, doanh thu thấp cũng phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể.
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại với số lượng lớn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh riêng lẻ, tự phát, cho sinh viên, người lao động thuê trọ để tăng thu nhập nhưng không đăng ký kinh doanh và ảnh hưởng nhất định đến số thu thuế tại mỗi địa phương.
Vì vậy, Sở Xây dựng đã đề xuất giải pháp hỗ trợ, bảo vệ sự an toàn của người dân; không làm gián đoạn nguồn cung do tăng giá cho thuê, giải quyết hài hòa mục tiêu an sinh xã hội của nhà nước, lợi ích của chủ nhà trọ và người thuê.
“Thiết nghĩ, khi một chính sách mới được ban hành ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chủ nhà trọ nhưng quản lý và hỗ trợ cho người thuê trọ được an toàn, ngăn ngừa thảm họa cháy nổ, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần chỉnh trang đô thị,...”, đại diện Sở Xây dựng nói.
Sau vụ cháy chung cư mini: Hà Nội yêu cầu rà soát nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ
- Căn hộ cho thuê ‘trở lại đường đua’ 10/06/2022 09:09
- Chống trốn thuế trong kinh doanh BĐS, Đà Nẵng 'lệnh' tăng cường thanh kiểm tra hoạt động công chứng 01/04/2022 03:19
- Bất động sản Nam Sài Gòn: Căn hộ mặt tiền sẽ 'truất ngôi' nhà trong hẻm 17/10/2017 08:33
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.