Cho vay tiêu dùng: Đi qua vùng trũng, còn vương nhiều vết 'bùn'

Khánh Tú - 14/09/2024 15:30 (GMT+7)

(VNF) - Sau giai đoạn chững lại, thị trường cho vay tiêu dùng đã bắt đầu phục hồi trở lại với nhiều tín hiệu tích cực. Song, trong triển vọng lạc quan đấy, các tổ chức tín dụng vẫn đang phải đối mặt với rủi ro mang tên nợ xấu.

Bức tranh cho vay tiêu dùng

Theo báo cáo mới nhất của ResearchAndMarkets, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đạt 11,5 tỷ USD vào năm 2023 và sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng, dự kiến đạt 16,8 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 4,3% trong giai đoạn 2023 - 2032.

Không chỉ riêng các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… mà ngay cả các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Malaysia và cả Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Tại Việt Nam, trong những năm qua, tín dụng tiêu dùng đã có những bước phát triển lớn về cả quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia lẫn mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.

Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 – 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong giai đoạn 2010 đến nay, bình quân tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Tham gia thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam gồm 2 nhóm chính, ngân hàng thương mại và 16 công ty tài chính được cấp phép. Những năm gần đây, thị trường này còn đón nhận thêm một số công ty fintech.

Xét về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khá khiêm tốn, đạt khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tính đến cuối năm 2023. Các ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng nước ngoài chiếm thị phần lớn hơn, đưa cho vay tiêu dùng thành một trong hai lĩnh vực trọng yếu.

Về nhóm khách hàng, theo một thống kê của FiinGroup, các công ty tài chính được NHNN cấp phép tập trung cho vay với những khách hàng có thu nhập thấp với các sản phẩm cho vay tín chấp có giá trị nhỏ và thời gian ngắn. Trái lại, các ngân hàng thương mại lại hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập trung bình từ 20 triệu đồng/tháng trở lên.

Thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam có 2 nhóm chính tham gia, ngân hàng và các công ty tài chính.

Cả công ty tài chính lẫn ngân hàng cùng khai thác nhóm khách hàng có thu nhập từ 7 – 20 triệu đồng/tháng. Còn nhóm khách hàng dưới chuẩn ngân hàng (underbank) có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng thì không tiếp cận được các tổ chức tín dụng, mà thường tìm đến các kênh phi chính thức, như cầm đồ, P2P, các apps cho vay…

Do có sự khác biệt trong nhóm đối tượng cho vay nên lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính luôn cao hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng. Qua khảo sát nhanh của VietnamFinance, mức lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính dao động trong khoảng từ 20 – 50%/năm, thậm chí còn cao hơn khi áp thêm một số loại phí hoặc phụ thuộc vào lịch sử tín dụng của khách hàng.

Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, thị trường tài chính tiêu dùng bất ngờ rơi vào vùng trũng kể từ nửa cuối năm 2022. Dưới tác động của đại dịch Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng của người dân chạm đáy đã kéo theo sự sụt giảm trong dư nợ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính.

Dư nợ cho vay của các ngân hàng và công ty tài chính chỉ tăng 11,3% so với 2022, bằng một nửa so với một năm trước đó. Trong đó, dư nợ tăng của phân khúc này chủ yếu đến từ các ngân hàng còn quy mô dư nợ của các công ty tài chính giảm hơn 9% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, nhiều công ty tài chính “bốc hơi” cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận, có công ty giảm tới 70% lợi nhuận so với năm trước đó trong bối cảnh thị trường khó khăn chung. Đơn cử như FE Credit ghi nhận mức lỗ trước thuế hơn 3.500 tỷ đồng theo ước tính của MBS. Một số công ty như Home Credit hay MB Shinsei dù không thua lỗ nhưng cũng chứng kiến lợi nhuận “bốc hơi” hơn 70% so với năm trước đó.

Dần vượt qua vùng trũng

Song, bước sang nửa đầu năm 2024, thị trường cho vay tiêu dùng đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều công ty tài chính như HD Saison, Home Credit Việt Nam, FE Credit,… đã đua nhau báo lãi trở lại.

Trong báo cáo tài chính bán niên 2024, Home Credit ghi nhận khoản lợi nhuận 6 tháng đầu 2024 đạt 474 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2023. HD Saison cũng khởi sắc với lợi nhuận trước thuế đạt 601 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, cao gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 (660 tỷ đồng). Ở phía các ngân hàng, sau quý đầu năm “khởi động” chậm chạp, cho vay tiêu dùng cũng đã bắt đầu phục hồi trở lại kể từ quý II/2024 trong bối cảnh sức mua dần tăng trở lại.

Theo báo cáo của FiinGroup, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới và sự phục hồi của thị trường sẽ rõ rệt hơn từ nửa sau của năm 2024.

“Trong ngắn hạn, con đường phục hồi sẽ được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô bao gồm sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ cải thiện chất lượng tín dụng và nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động động phổ thông, những người có thu nhập từ thấp đến trung bình là tập khách hàng chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, và từ việc số hóa hành trình khách hàng, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng”, đại diện FiinGroup cho hay.

Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều thông tư, quyết định liên quan đến thúc đẩy tín dụng tiêu dùng cũng được cho là sẽ khơi thông dòng chảy tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới.

Làn sóng bùng nợ, trốn nợ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Thế nhưng trong triển vọng lạc quan đấy, các công ty tài chính và ngân hàng vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với “quả bom” nợ xấu. Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% tính đến cuối năm 2023 và đến nay đã nhích lên hơn 4%.

Đáng chú ý, dù nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% cuối năm 2023 xuống chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động. Điều này buộc nhiều công ty tài chính phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lớn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Còn ở phía các ngân hàng, báo cáo thị trường ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024 của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) chỉ ra, các ngân hàng tập trung nhiều vào phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) mới cao hơn so với các ngân hàng khác.

Khó khăn trong thu hồi nợ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nợ xấu của các công ty tài chính. Nhiều người đi vay chây ì, cố tình không trả nợ, thậm chí còn thành lập các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, làm ảnh hưởng tâm lý cán bộ thu hồi nợ và hình ảnh, uy tín của các tổ chức tín dụng.

Cùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ cho vay toàn ngành, bên cạnh cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng là lĩnh vực trọng yếu mà các tổ chức tín dụng đang hướng đến. Tuy nhiên, trước bối cảnh trên, cần sớm tìm ra những giải pháp căn cơ và tổng thể để tháo gỡ những bất cập trong khâu thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, từ đó, để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển theo đúng tiềm năng vốn có.

Tín dụng đen vẫn 'vươn vòi bạch tuộc' siết cổ người vay

Tín dụng đen vẫn 'vươn vòi bạch tuộc' siết cổ người vay

Ngân hàng
(VNF) - Mặc dù hàng loạt đường dây cho vay nặng lãi đã bị triệt phá nhưng tín dụng đen vẫn còn nhiều "đất sống" và trở thành vấn đề nhức nhối.
Cùng chuyên mục
Tin khác