Cho vay tiêu dùng: Khống chế lãi suất thả nổi để khách không bị 'siết cổ'

Minh Dũng - 19/07/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế “tín dụng đen”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nên khống chế lãi suất thả nổi biên độ phù hợp đối với cho vay tiêu dùng của các NH và siết trần lãi vay của các công ty tài chính, để người dân yên tâm về khả năng trả nợ theo lãi vay mới trong tương lai

Đối mặt với nhiều thách thức

Tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là một trong những hướng đi được ngành ngân hàng ưu tiên, bởi đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất.

Các chuyên gia nhận định, nếu muốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trước hết phải thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Hơn nữa, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được xem là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tiếp cận vốn từ các kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11.000 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 15.000 tỷ USD trong 5 năm tới.

Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.

Theo số liệu của NHNN, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng tại Việt Nam hiện đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Tuy vậy, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nêu rõ, tình trạng tội phạm lợi dụng mạng xã hội, tổ chức các nhóm truyền bá cách thức không trả nợ, cùng với sự xuất hiện của các công ty lừa đảo đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tín dụng tiêu dùng và sự phát triển ổn định của thị trường này.

Tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước. Đây mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này.

Đại diện Viện Chiến lược ngân hàng thông tin, tính đến hết tháng 3/2024, tốc độ tăng trưởng cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống giảm 1,32% so với cuối năm 2023. Trong khi tỷ lệ nợ xấu cho vay phục vụ đời sống nhích lên 4%, so với 3,8% cuối 2023. Nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay còn khoảng 14,63%. Một số công ty tài chính tiêu dùng thua lỗ do nợ xấu khó đòi và trích lập dự phòng rủi ro gia tăng.

Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho hay, nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Khách hàng của các công ty tài chính thường là người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có tài sản thế chấp và chưa có lịch sử tín dụng, dẫn đến rủi ro tín dụng cao và lãi suất cho vay cao hơn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và làm khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ.

Ngoài ra, một bộ phận người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, vẫn tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen thông qua hình thức biến tướng của các tổ chức tài chính tiêu dùng không được cấp phép. Điều này dẫn đến nhiều tranh chấp và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các công ty tiêu dùng và TCTD.

Thêm nữa, các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ do không liên lạc được với khách hàng, xác định nơi cư trú, nơi làm việc của khách hàng; xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.

Theo TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, một bộ phận người dân do còn yếu và thiếu về kiến thức tài chính, e ngại và cho rằng mình không đủ khả năng vay tại các tổ chức tài chính chính thức đã trở thành “con mồi” cho các dịch vụ tín dụng đen ẩn mình dưới các hình thức thức cho vay qua app.

Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng cho vay trên nền tảng trực tuyến cũng là xu hướng phát triển của ngành ngân hàng thì việc quản lý chặt chẽ, kiểm soát các hình thức cho vay trên app càng trở nên quan trọng để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Còn nhiều tiềm năng phát triển

Theo các chuyên gia, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Để khai thác tiềm năng này và giải quyết các thách thức hiện tại cần một số giải pháp.

Đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Bản thân các TCTD cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ…

Để thúc đẩy hơn nữa tín dụng tiêu dùng, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên khống chế lãi suất thả nổi ở một biên độ phù hợp đối với cho vay tiêu dùng của các ngân hàng và siết trần lãi vay của các công ty tài chính, để người dân yên tâm về khả năng trả nợ theo lãi vay mới trong tương lai. Đảm bảo một mức trần lãi vay tiêu dùng cũng là cách để chất lượng và khả năng thu hồi nợ tiêu dùng ở nhóm tài chính được nâng cao, thu hút nhu cầu vay bằng các khoảng cách lãi suất và quy định minh bạch thay vì đẩy người dân qua “tín dụng đen”.

Cho vay tiêu dùng đang khởi sắc trở lại và được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

NHNN cho biết, ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng ra thị trường hơn 600.000 tỷ đồng.

Đến giữa tháng 6, dư nợ tín dụng là 14,07 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,8% so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống ngân hàng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% dư nợ toàn nền kinh tế.

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi để kích cầu người dân mạnh dạn vay vốn. Nhiều ngân hàng đưa lãi cho vay mới xuống mức thấp nhất chỉ 5 - 7%/năm. Điều này đã kích thích cầu tín dụng tăng trở lại, nhất là với tín dụng tiêu dùng.

Theo báo cáo của 16 TCTD có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn, hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai. Một số chương trình tín dụng tiêu dùng với lãi suất và thời gian vay ưu đãi bao gồm gói 20.000 tỷ đồng của Agribank hay gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của HD Saison với mức ưu đãi lãi suất giảm 50% so với lãi suất dành cho khách hàng thông thường và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động...

Theo các chuyên gia, dư nợ cho vay tiêu dùng sẽ gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ những chính sách kích cầu của Chính phủ và NHNN như giảm thuế VAT, hạ lãi suất và đẩy mạnh đầu tư công. Cùng với đó, sự hồi phục ngày càng tích cực của bán lẻ, tiêu dùng nội địa, thị trường bất động sản cũng thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Một yếu tố nữa có thể kích thích cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong năm nay là từ ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực, với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin về người có liên quan.

Tín dụng tiêu dùng phục hồi khi bất động sản ấm dần

Tín dụng tiêu dùng phục hồi khi bất động sản ấm dần

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Cho vay tiêu dùng đang khởi sắc trở lại và được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.
Cùng chuyên mục
Tin khác