Tín dụng tiêu dùng phục hồi khi bất động sản ấm dần

Minh Dũng - 07/07/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Cho vay tiêu dùng đang khởi sắc trở lại và được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Cho vay tiêu dùng phục hồi

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng ra thị trường hơn 600.000 tỷ đồng.

Đến giữa tháng 6, dư nợ tín dụng là 14,07 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,8% so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống ngân hàng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% dư nợ toàn nền kinh tế.

Còn theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% (cùng kỳ năm trước tăng 3,83%). Nhưng thực tế, dư nợ tín dụng chỉ thực sự bắt đầu tăng từ tháng 3, còn trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng âm.

Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng. Đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 3,79% so với cuối năm ngoái.

Để kích cầu vay vốn, các ngân hàng đưa lãi cho vay mới xuống mức thấp nhất chỉ 5 - 7%/năm. Điều này đã kích thích cầu tín dụng tăng trở lại, nhất là với tín dụng tiêu dùng.

Đáng chú ý, cầu vay tiêu dùng cá nhân tăng nhanh hơn doanh nghiệp. Các gói vay ưu đãi lãi suất, các chính sách ân hạn gốc, chỉ trả lãi hay kéo dài thời gian trả nợ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhiều gói vay tiêu dùng như mua đồ điện tử, cải tạo, sửa chữa…, lãi suất chỉ khoảng 6%/năm.

Đại diện Ngân hàng LPBank cho hay, thủ tục vay tiêu dùng hiện đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng. 2,5 triệu khách hàng vay tiêu dùng của ngân hàng này không cần thế chấp tài sản mà được vay hoàn toàn bằng tín chấp.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank - cho rằng ngân hàng có những hệ thống để đánh giá, chấm điểm khách hàng dựa trên lịch sử tín dụng, dựa trên lịch sử tiêu dùng, dựa trên thu nhập và một số yếu tố khác để ra quyết định cho vay rất nhanh. Trên cơ sở đó, ngân hàng kiểm soát được chất lượng tín dụng và dám mạnh dạn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Tại ACB, trong quý I/2024, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 3,8%, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng 3,5%.

Nhiều yếu tố kích thích cho vay tiêu dùng

Theo các chuyên gia, dư nợ cho vay tiêu dùng sẽ gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ những chính sách kích cầu của Chính phủ và NHNN như giảm thuế VAT, hạ lãi suất và đẩy mạnh đầu tư công.

Một yếu tố nữa có thể kích thích cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong năm nay là từ ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực, với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin về người có liên quan.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn, khoản vay có giá trị nhỏ là khoản vay không vượt quá 100 triệu đồng.

Tín dụng tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc trở lại nhờ đà phục hồi ngày càng tích cực của bán lẻ, tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, sự hồi phục của thị trường bất động sản ở một số phân khúc và vị trí cục bộ tại các trung tâm đô thị lớn như nhóm nhà ở chung cư đã hoàn thiện, giao dịch thứ cấp cũng thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, có thể thấy, tăng trưởng tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng tương quan với thanh khoản bất động sản. Khi cầu vay mua nhà sụt giảm sẽ kéo tín dụng bất động sản nói riêng cũng như tín dụng nói chung của ngân hàng sụt giảm và ngược lại, sẽ kích tín dụng tăng trưởng mạnh khi cầu vay mua nhà tăng nhanh.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với nhu cầu cao về nhà ở, khi mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản. Vì vậy, việc tập trung phân khúc tín dụng nhà ở, cho cá nhân vay mua nhà cần được ưu tiên cao để thúc đẩy tín dụng.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, “cửa” đẩy vốn khả quan nhất hiện nay là lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở giá rẻ. Nhưng muốn đẩy mạnh tín dụng bất động sản, cần thiết kế lại chính sách. Phải thay đổi quan điểm đẩy mạnh nhà ở xã hội vì vướng quá nhiều điều kiện, thủ tục. Thay vào đó, nên tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, nhiều ngân hàng hạch toán vay mua sửa chữa nhà ở hoặc thậm chí mua nhà vào mục vay tiêu dùng. Đây là lý do khiến bên cạnh nhóm vay tiêu dùng phục vụ các khoản vay nhỏ và các nhu cầu cá nhân ngoài bất động sản hay vay tiêu dùng tại công ty tài chính thì trọng tâm đẩy tín dụng tăng trưởng năm 2024 của nhiều ngân hàng đã, đang tập trung vào lĩnh vực cho vay địa ốc. Đây là cơ sở để dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm nay.

Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên khống chế lãi suất thả nổi ở một biên độ phù hợp đối với cho vay tiêu dùng của các ngân hàng và siết trần lãi vay của các công ty tài chính, để người dân yên tâm về khả năng trả nợ theo lãi vay mới trong tương lai. Đảm bảo một mức trần lãi vay tiêu dùng cũng là cách để chất lượng và khả năng thu hồi nợ tiêu dùng ở nhóm tài chính được nâng cao, thu hút nhu cầu vay bằng các khoảng cách lãi suất và quy định minh bạch thay vì đẩy người dân qua “tín dụng đen”.

Giảm lãi suất cho vay 1 - 2%, đẩy tăng trưởng tín dụng đạt 15%

Giảm lãi suất cho vay 1 - 2%, đẩy tăng trưởng tín dụng đạt 15%

Ngân hàng
(VNF) - Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.