Mua trước trả sau: 'Chiếc áo mới' của cho vay tiêu dùng
(VNF) - Một nhà cung cấp cho biết, Mua trước trả sau bản chất là dịch vụ cho vay tiêu dùng khái niệm mới, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch chi tiêu. Người dùng có thể mua sắm trước, trả tiền sau mà không cần thẻ tín dụng vật lý.
Bùng nổ mua trước trả sau
Hoạt động mua trước trả sau (Buy now Pay later – BNPL) được cho là đã xuất hiện từ thế kỷ 19 trên thế giới, khi các công ty và cửa hàng bách hoá cung cấp cho người mua hàng dịch vụ trả góp để mua các mặt hàng đắt tiền như đồ nội thất, thiết bị nông trại hay các mặt hàng đắt đỏ nằm ngoài ngân sách.
Trong kỷ nguyên số, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đã phát triển BNPL trở thành một hình thức thanh toán khá phổ biến trên thế giới nhiều năm gần đây. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 và sự phát triển của thương mại điện tử đã hỗ trợ cho sự bùng nổ của BNPL trong giai đoạn 2019-2021.
Sau đại dịch, việc lạm phát và lãi suất tăng cao trên thế giới cũng thúc đẩy một bộ phận người tiêu dùng lựa chọn sử dụng BNPL cho các giao dịch mua sắm hàng ngày nhằm chia nhỏ các khoản thanh toán và tránh phí lãi suất.
Theo số liệu từ Statista, trong giai đoạn 2019-2021, các giao dịch BNPL đã tăng 400%, đạt thị phần toàn cầu khoảng 3% trong năm 2021. Nhiều nhà dự báo kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai, với giá trị giao dịch dự kiến sẽ đạt 450 tỷ USD vào năm 2026.
Các nhà phân tích cho biết, việc sử dụng hình thức thanh toán BNPL đang tăng lên ở mọi nước trên thế giới, trong đó các quốc gia tại châu Âu như Thuỵ Điển, Đức, Na Uy, Phần Lan là những thị trường hàng đầu mà hình thức thanh toán BNPL đang thống lĩnh. Một thống kê cho thấy BNPL đang chiếm 23% thị phần trong lĩnh vực thanh toán thương mại điện tử ở Thuỵ Điển, theo sau là Đức với 19%, Na Uy với 15%, Phần Lan với 12%.
Công ty Fintech Klarna (Thuỵ Điển) cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ BNPL lớn nhất trên thế giới, với khoảng 147 triệu người dùng hoạt động. Ngoài ra, một số nhà cung cấp lớn khác cho dịch vụ BNPL trên thế giới có thể kể đến như Affirm (Mỹ), Afterpay (Úc). Các công ty thanh toán lớn như Mastercard, Visa, Paypal và thậm chí cả Apple cũng đã giới thiệu các dịch vụ BNPL của riêng mình. Điều này cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường BNPL toàn cầu là không hề nhỏ.
Tại Việt Nam, dù đi sau thế giới một bước, nhưng sau khoảng 5 năm xuất hiện và phát triển, dịch vụ BNPL đang dần trở nên phổ biến khi hiện diện khá dầy đặc với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp.
Số liệu từ một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Đại học Quốc gia TP. HCM cho thấy tính đến năm 2022, có 12 Fintech đang hoạt động trong lĩnh vực BNPL. Trên thực tế, số lượng có thể nhiều hơn vì Fintech không phải là những “người chơi” duy nhất trong thị trường này.
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử lớn đều hỗ trợ hình thức thanh toán BNPL. Trong khi Shopee và Lazada có các dịch vụ BNPL riêng là Spaylater và LazPaylater, Tiki chọn cách kết hợp với 2 sản phẩm BNPL của Home Credit và Lotte Finance để gia tăng lựa chọn cho người tiêu dùng.
Các ví điện tử cũng không bỏ qua miếng bánh ngon này khi 2 ví lớn là MoMo và ZaloPay đều ra mắt dịch vụ BNPL với tên gọi ví trả sau.
Mới đây, 2 “ông lớn” BE Group và Cake by VPBank đã ra mắt bePayLater, phục vụ cho người dùng ứng dụng BE để thanh toán các dịch vụ như mua vé máy bay, vé tàu hoả, vé xe khách, dịch vụ giao đồ ăn, dịch vụ gọi xe công nghệ. Ngoài ra, còn nhiều nhà cung cấp khác như Fundiin, HENO, Kredivo,… đang hoạt động sôi nổi trên thị trường BNPL.
'Chiếc áo mới' của cho vay tiêu dùng
Giới phân tích trên thế giới cho rằng, BNPL là giải pháp thanh toán thay thế cho thẻ tín dụng truyền thống. Với các tính chất tương đồng với việc tiêu dùng qua thẻ tín dụng, BNPL được ưa chuộng hơn bởi sự nhanh chóng và tiện lợi khi cho phép người dùng đăng ký và sử dụng hình thức thanh toán trả sau hay trả góp ngay trên điện thoại thông minh, tốc độ phê duyệt gần như ngay lập tức khi phát sinh khoản thanh toán.
Một nhà cung cấp cho biết, BNPL là dịch vụ cho vay tiêu dùng khái niệm mới, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch chi tiêu. Người dùng có thể mua sắm trước, trả tiền sau mà không cần thẻ tín dụng vật lý. Như vậy, bản chất BNPL là một trong những biến thể của hoạt động cho vay tiêu dùng, hay nói cách khác là một chiếc áo mới với nhiều tiện ích, mang đến diện mạo hiện đại, linh hoạt và phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.
Trước đây, cho vay tiêu dùng truyền thống gắn liền với hình ảnh những thủ tục phức tạp, thời gian phê duyệt kéo dài, và lãi suất cao, khiến nhiều người dùng e ngại khi tiếp cận dịch vụ này. Khi các công ty tài chính ra đời, thủ tục cho vay tiêu dùng được cải thiện, thời gian giải ngân cũng trở nên nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, so với các khoản vay tiêu dùng truyền thống tại ngân hàng và công ty tài chính, BNPL có lợi thế lớn về mặt lãi suất và phí. Trong khi lãi suất của các khoản vay tiêu dùng thường dao động từ 20 - 50%/năm, BNPL thường chỉ yêu cầu một khoản phí nhỏ hàng tháng và một khoản phí thanh toán chậm nếu người dùng không trả đúng hạn.
Dẫu vậy, BNPL cũng có một số hạn chế như hạn mức chi tiêu thường khá thấp, phổ biến khoảng 10 - 20 triệu đồng. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nhận định rằng, hạn mức này là phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu mà BNPL hướng tới. Đây thường là các đối tượng trẻ, mới bắt đầu đi làm, hoặc có thu nhập chưa ổn định. Do đó, việc đặt ra hạn mức chi tiêu là một bước đi chiến lược, giúp các công ty BNPL quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
Thêm vào đó, sự linh hoạt trong quy trình phê duyệt và tính dễ dàng trong việc tiếp cận dịch vụ đã khiến BNPL trở thành một lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang chịu nhiều áp lực từ lạm phát và suy thoái.
Theo Research and Markets.com, thị trường BNPL ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 41,8% và quy mô thị trường sẽ đạt mức 3,33 tỷ USD trong năm 2024. Dự báo tăng trưởng trung và dài hạn của thị trường BNPL cũng được dự báo sẽ phát triển bền vững và đạt mức độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 27,6% trong giai đoạn 2024-2029 với quy mô thị trường ước tính khoảng 11,3 tỷ USD vào năm 2029.
Ngân hàng không phải người cho vay cuối
Việc BNPL được gắn với hoạt động cho vay tiêu dùng làm nhiều người liên tưởng tới hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), với ngân hàng là người cho vay cuối cùng, còn các nền tảng chi đóng vai trò trung gian, kết nối người vay và người cho vay mà không trực tiếp cung cấp vốn.
Trên thực tế, các ngân hàng cũng đang xuất hiện trong vai trò nhà cung cấp dịch vụ BNPL. Nhiều ngân hàng đang có động thái mua lại các nền tảng BNPL thay vì tự phát triển, tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để cạnh tranh.
Một số ngân hàng đã tích hợp BNPL vào hệ thống dịch vụ, trong khi những ngân hàng khác có thể tận dụng BNPL như một kênh thu hút khách hàng mới hoặc cung cấp công cụ quản lý tài chính để hỗ trợ người tiêu dùng. Các giải pháp như Visa hợp tác với Sacombank, Kredivo kết nối với OnePay, và Home Credit đầu tư vào Home Pay Later đang được triển khai rộng rãi.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong mô hình BNPL, ngân hàng không nhất thiết phải là người cho vay cuối cùng như trong hoạt động P2P Lending.
“Do tính chất tín dụng của dịch vụ BNPL, việc đảm bảo nguồn vốn, quản lý rủi ro và tuân thủ các quy định pháp lý là rất quan trọng nên các nhà cung cấp BNPL thường tìm đến sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Một số ngân hàng cũng tự phát triển hoặc mua lại các nền tảng BNPL để cung cấp dịch vụ này, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều do ngân hàng đứng sau”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Mua trước – trả sau: Cơ hội cho Fintech làm chủ 'vùng đất mới'
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.