Mua trước – trả sau: Cơ hội cho Fintech làm chủ 'vùng đất mới'

Thu An - 28/05/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi xu hướng mua trước – trả sau (BNPL) đã trở nên thịnh hành trên thế giới thì thị trường BNPL của Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang bước vào giai đoạn khởi động để phát triển.

Kích cầu từ những sản phẩm nhỏ nhất

Mua trước – trả sau (Buy now pay later – BNPL) là hình thức thanh toán cho phép người dùng mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ trước, phần thanh toán sẽ được chia thành nhiều đợt, trong đó thông thường người dùng sẽ trả trước một phần ở thời điểm tiến hành giao dịch. BNPL thường không tính lãi suất, chỉ tính chi phí trả trễ nếu người dùng không hoàn thành đúng thời điểm thanh toán của mỗi đợt.

Tại Việt Nam, hoạt động BNPL hình thành trong giai đoạn 2019-2021 khi nhiều đơn vị như Fintech, tổ chức tài chính, sàn thương mại điện tử,… đều ra mắt các sản phẩm BNPL dưới các tên gọi như Ví trả sau (MoMo), Spaylater (Shopee), Home Paylater (Home Credit),… Việc có đa dạng các đơn vị cung cấp dịch vụ BNPL mang đến nhiều lợi ích cho người dùng khi hoạt động thanh toán qua BNPL có thể được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực như mua sắm qua sàn thương mại điện tử, mua sắm tại các điểm giao dịch chấp thuận thanh toán điện tử, thanh toán hoá đơn trực tuyến,…

Ông Phạm Nam Anh, Giám đốc Vận hành HENO – ١ đơn vị cung cấp dịch vụ BNPL trong lĩnh vực làm đẹp, y tế cho biết cách thức hoạt động của BNPL gần giống với vay trả góp qua các công ty tài chính, tuy nhiên các quy trình có phần đơn giản hơn nhiều. Theo đó, nếu người dùng cần chuẩn bị nhiều giấy tờ phức tạp, chứng minh tài chính để thực hiện mua trả góp qua công ty tài chính thì BNPL chỉ yêu cầu người dùng cung cấp giấy tờ tuỳ thân cùng số điện thoại chính chủ.

Theo ông Phạm Nam Anh, điểm hấp dẫn của BNPL nằm ở phân khúc khách hàng mà dịch vụ thanh toán này hướng tới là những người chưa đủ tiêu chuẩn sử dụng thẻ tín dụng, vay ngân hàng, đơn cử như tệp khách hàng thuộc thế hệ gen Z, chưa có thu nhập ổn định, có thể tiếp cận được. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo cũng cho rằng một trong những ưu điểm lớn nhất của Ví trả sau mà MoMo đang hợp tác cùng Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) để phát triển là quy trình đăng ký nhanh gọn với thủ tục đơn giản.

“Trên thực tế, hơn 50% trong số 56 triệu người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam đang làm việc cho các tiểu thương, hộ kinh doanh, cá thể hoặc lao động tự do. Do đó, việc chứng minh được thu nhập ổn định tương đối khó khăn. Khách hàng có yêu cầu mở Ví trả sau của MoMo sẽ được xem xét duyệt trước hạn mức tín dụng thông qua hành vi sử dụng và lịch sử chi tiêu trên MoMo, trong đó thời gian xét duyệt được rút ngắn nhờ ứng dụng công nghệ AI và Machine Learning”, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết.

Như vậy, nếu như trước đây, cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính được đánh giá có khả năng tiếp cận người tiêu dùng nhỏ lẻ tốt hơn khi thủ tục đơn giản hơn vay tại ngân hàng, thì BNPL được đánh giá còn đơn giản hơn khi vay tại các công ty tài chính. Theo tìm hiểu của Đầu tư Tài chính, hạn mức của các dịch vụ BNPL cũng thường ở mức khá thấp, khoảng 2-10 triệu đồng. Do đó, hình thức thanh toán này thường phục vụ cho các hoạt động mua sắm các sản phẩm, dịch vụ có giá trị không quá cao (trong hạn mức), giảm bớt áp lực tài chính của người dùng đồng thời kích thích nhu cầu mua sắm từ những sản phẩm nhỏ nhất.

Anh Đ.T.H (Quận ٧, TP. HCM) cho biết thường sử dụng các ví trả sau của sàn thương mại điện tử để mua các sản phẩm có giá trị từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng, hầu hết là các sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày như quần áo, đồ gia dụng, thậm chí thực phẩm,… “Các sản phẩm sẽ hiển thị luôn mức giá phải trả mỗi tháng nếu tôi muốn sử dụng ví trả sau, hầu hết chỉ từ vài chục nghìn, hoặc vài trăm nghìn đồng mỗi tháng nếu muốn mua sản phẩm. Đây là dịch vụ rất thu hút người dùng vào việc mua sắm khi tạo cảm giác số tiền phải trả nhỏ hơn giá của sản phẩm”, anh Đ.T.H cho biết.

Ảnh minh hoạ

Tiềm năng tăng trưởng lớn

Trong khi xu hướng BNPL đã trở nên thịnh hành trên thế giới thì ở trong nước, ông Nguyễn Bá Diệp đánh giá thị trường BNPL của Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang bước vào giai đoạn khởi động để phát triển với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp. Theo ông Diệp, xu hướng BNPL có thể góp phần phục hồi và thúc đẩy doanh số cho các ngành dịch vụ, bán lẻ - một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế hồi phục giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.

“Tôi tin rằng BNPL là một trong các động lực quan trọng cho sự phát triển của tài chính tiêu dùng nhờ tính linh hoạt và tiện lợi, dễ tiếp cận với khách hàng. Đối với các hộ kinh doanh, xu hướng BNPL góp phần tạo ra sự cạnh tranh để tăng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm linh hoạt và thuận tiện hơn cho khách hàng, từ đó thu hút và giữ chân khách hàng hiệu quả hơn”, nhà sáng lập MoMo cho biết.

Qua số liệu thống kê, khoảng 70% khách hàng sử dụng Ví Trả Sau hiện nay là những người chưa từng được tiếp cận bất kỳ các dịch vụ tài chính nào trước đó. Nhờ việc tiêu dùng và thanh toán bằng Ví Trả Sau trên MoMo, khách hàng được thiết lập lịch sử tín dụng trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và mở ra khả năng tiếp cận vay vốn ngân hàng phục vụ cho đời sống, kinh doanh trong tương lai. Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Ví Trả Sau chính là nỗ lực thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, giúp người dân Việt Nam tiếp cận các dịch vụ tài chính mà không phân biệt trình độ, nghề nghiệp, vùng miền.

Theo dự báo của Giám đốc Vận hành HENO, tốc độ tăng trưởng của thị trường BNPL trong những năm tới có thể đạt 150% trong bối cảnh người dùng cần một giải pháp thanh toán linh hoạt, người bán hàng cần tăng tỷ lệ “chốt sale” thành công. Theo ông, hai tiền đề quan trọng cho sự phát triển của dịch vụ BNPL tại Việt Nam là tiềm năng tăng trưởng quy mô thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam và xu hướng thanh toán điện tử ngày càng phát triển.

Research & Market dự đoán dịch vụ BNPL trong nước sẽ ghi nhận tốc độ CAGR (tăng trưởng kép) 27,6% trong giai đoạn 2024-2029. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước dự kiến tăng 41,8% từ 2,34 tỷ USD vào năm 2023 để đạt 3,33 tỷ USD vào năm 2024 và lên 11,27 tỷ USD vào năm 2029. Ngoài ra, mức tiêu thụ ngày càng tăng, cùng với đó với tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp đang hỗ trợ sự phát triển của ngành này ở Việt Nam.

Cơ hội cho Fintech làm chủ “vùng đất mới”

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi để gia nhập thị trường, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng BNPL mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp Fintech mở rộng hoạt động kinh doanh và góp phần đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của người dùng một cách toàn diện hơn. Việc tham gia vào thị trường BNPL cũng là một cơ hội để Fintech tăng cường tương tác với khách hàng và xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác trong cộng đồng tài chính.

Trên thực tế, ngoài MoMo, trên thị trường cũng có nhiều doanh nghiệp Fintech cung cấp giải pháp thanh toán BNPL như Fundiin, Flik. Khối ngoại cũng không ngần ngại cho thấy sự quan tâm đến thị trường BNPL của Việt Nam. Nhiều đơn vị nước ngoài đã tham gia thị trường có thể kể đến như Kredivo, Reepay, Klay,… Theo Worldwide Research ước tính, các doanh nghiệp Fintech trong lĩnh vực BNPL đã lấy đi 8-10 tỷ USD doanh thu mỗi năm từ các ngân hàng.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong thị trường BNPL cũng không hề nhỏ khi không chỉ Fintech muốn chiếm thị phần mà các công ty tài chính cũng đang nhăm nhe muốn giành lại miếng bánh tiêu dùng. Một số công ty tài chính đã ra mắt sản phẩm mua trước trả sau như Home PayLater – sản phẩm tài chính của Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam. Hay như Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) đã kết hợp với một số doanh nghiệp Fintech để ra mắt dịch vụ BNPL với tên gọi SmartPay, PayNow.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ BNPL trong bối cảnh thị trường còn non trẻ có thể dẫn đến các trường hợp núp bóng BNPL, làm người dùng hiểu sai về dịch vụ này ở Việt Nam. Theo ông Phạm Nam Anh, Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể liên quan đến dịch vụ BNPL, do đó các doanh nghiệp không gặp nhiều rào cản về pháp lý khi muốn tham gia thị trường.

Mặc dù điều này tạo điều kiện tự do cho thị trường bùng nổ, nhưng nếu cơ quan quản lý đưa ra khung pháp lý, định nghĩa chính xác về mô hình BNPL sẽ giúp cải thiện dịch vụ này, gia tăng chất lượng và tránh dẫn đến các trường hợp núp bóng. “Nếu có một quy định riêng cho mô hình BNPL ở Việt Nam sẽ giúp tạo ra một luật chơi chung, một môi trường kinh doanh lành mạnh để cho các nhà cung cấp phát triển. Khi đó, quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được đảm bảo và những rủi ro cũng được giảm xuống thấp nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển và cung cấp dịch vụ đến nhiều khách hàng nhất”, Giám đốc Vận hành HENO cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.