CEO LOTTE Finance: ‘Mua trước trả sau’ và thẻ tín dụng cùng phát triển song hành

Lê Anh - 27/03/2024 09:52 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Kong Sung Sik - Tổng Giám đốc LOTTE Finance, thẻ tín dụng hướng đến những khách hàng là các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu chi tiêu lớn, mục đích sử dụng đa dạng còn “Mua trước trả sau” (Buy now pay later – BNPL) có tệp khách hàng riêng với hạn mức chi tiêu nhỏ, thanh toán linh hoạt. Vì thế, không thể cho rằng hình thức nào sẽ thay thế lẫn nhau mà là cùng song hành và phát triển.

BNPL là mô hình thanh toán đang rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó Việt Nam được đánh giá là sở hữu tiềm năng lớn để đẩy mạnh loại hình thanh toán này. Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có buổi phỏng vấn Tổng Giám đốc LOTTE Finance Kong Sung Sik để trao đổi sâu hơn về những diễn biến xoay quanh thị trường này.

Ông Kong Sung Sik - Tổng Giám đốc LOTTE Finance.

- Ông có đánh giá như thế nào về cuộc đua phát hành thẻ tín dụng tại Việt Nam? Theo ông, thị trường này còn nhiều tiềm năng hay không?

Ông Kong Sung Sik - Tổng Giám đốc LOTTE Finance: Sau Covid-19, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến, điều này mở ra cánh cửa mới cho các tổ chức tín dụng trong việc phát hành thẻ.

Việt Nam cũng cho thấy là một thị trường đầy tiềm năng với lợi thế đông dân (khoảng 100 triệu dân). Trong đó, tỷ lệ dân số trẻ cao cùng mức sống đang được nâng cấp và phát triển ngày một lớn. Đây chính là cơ hội cho các tổ chức tín dụng khẳng định năng lực trên thị trường dựa trên việc tiếp cận và thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thẻ tín dụng có thể được sử dụng như một phương tiện cho vay tiền mặt và cũng là nguyên nhân dẫn đến quá độ chi tiêu, chính vì thế cần phải có cách tiếp cận thận trọng thông qua sự thấu hiểu và quá trình thẩm định.

- Công nghệ đóng vai trò như thế nào trong hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng hiện nay, thưa ông? Sự phát triển vượt bậc của AI và BigData sẽ tiếp tục làm thay đổi hoạt động kinh doanh này như thế nào?

Tôi cho rằng, AI và Big Data đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khả năng thu thập, xử lí và phân tích luồng dữ liệu lớn giúp doanh nghiệp tạo ra các thông tin chiến lược và quyết định thông minh, tối ưu hoá quy trình kinh doanh của mình. Thêm vào đó, những công cụ này có thể cung cấp những ưu đãi linh hoạt dựa trên sự hiểu biết về hành vi của khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Có nhiều công ty tài chính, bao gồm cả LOTTE Finance, đã áp dụng công nghệ eKYC (Electric Know Your Customer) trong quy trình xác minh khách hàng, giúp việc nhận diện trở nên nhanh chóng, rút ngắn quy trình xử lý trên các ứng dụng di động hoặc trực tuyến mà không cần phải đến trực tiếp quầy giao dịch.

Ngoài phương thức bán hàng truyền thống, việc marketing dựa trên Big Data để hướng đến những khách hàng có nhu cầu về thẻ tín dụng cũng giúp cho họ có thể tiếp cận được các ữu đãi từ thẻ tín dụng dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, công nghệ này cũng giúp nghiên cứu nhanh chóng và cho ra mắt các dòng sẩn phẩm kinh doanh được chuyên biệt hoá theo từng đối tượng khách hàng. 

Việc phát triển AI và Big Data sẽ tạo ra những ưu đãi khác biệt theo từng phong cách sống, vị trí, độ tuổi và mô hình sử dụng thẻ của khách hàng khi họ có những dấu mốc lớn như kết hôn, sinh con…

Hơn  nữa, việc áp dụng kỹ thuật Face ID, nhận dạng giọng nói dựa trên AI sẽ giúp cho những ưu đãi tài chính nhanh chóng được cung cấp và đồng thời phát hiện gian lận, nếu nó được áp dụng cho tất cả lĩnh vực tài chính sẽ giúp kiểm soát các rủi ro và bảo vệ thông tin cá nhân người dùng bằng công nghệ blockchain, từ đó khách hàng có thể tận hưởng lợi ích tài chính nhanh hơn và an toàn hơn.

- Hiện nay, thẻ tín dụng không chỉ dành cho cá nhân mà còn dành cho cả doanh nghiệp. Ông có thể cho biết sự khác biệt trong ứng dụng công nghệ vào 2 loại thẻ này tại LOTTE Finance?

Khách hàng của LOTTE Finance có thể chia thành 2 nhóm đối tượng: cá nhân và doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, đây được xem như là giải pháp quản lý tài chính, chi tiêu hiệu quả, an toàn bảo mật mọi thông tin, giúp doanh nghiệp thống kê và quản lý tài chính một cách rõ ràng, minh bạch, nâng cao hiệu quả cho chủ doanh nghiệp. Đặc biệt với ưu thế chi trước trả sau, công ty sẽ kịp thời tăng vốn lưu động và giảm rủi ro so với tiêu dùng tiền mặt. 

Theo báo cáo từ Research and Markets giá trị hàng hoá thông qua thanh toán BNPL có thể tăng đến 21 lần, đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2028.

Khác với thẻ cá nhân, thẻ doanh nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực hơn vì việc đánh giá người đại diện và doanh nghiệp cần được thực hiện đồng thời. Ngoài ra, do khả năng trả nợ của một doanh nghiệp phải được đánh giá dựa trên báo cáo tài chính, nên nếu thông tin có thể xác nhận được thông qua các kênh chính thống minh bạch có thể đem lại nhiều chương trình ưu đãi hơn.

- Bên cạnh thanh toán qua thẻ tín dụng, hoạt động thanh toán tại Việt Nam đang nở rộ một xu hướng mới là Mua trước trả sau (Buy now pay later – BNPL). Ông nhận định thế nào về tiềm năng của thị trường này? Liệu trong tương lai, xu hướng này có thay thế thẻ tín dụng?

BNPL là một mô hình cấp tín dụng cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm hoặc dịch vụ trước và sau đó thanh toán hóa đơn thành nhiều lần và đảm bảo bảo mật thông tin giao dịch tuyệt đối, thời gian từ đăng ký đến phê duyệt nhanh chóng chỉ trong 1 phút.

Tôi cho rằng BNPL tuy là một hình thức mới tại thị trường Việt Nam nhưng đang có sự phát triển nhanh chóng do sự tăng trưởng của thương mại điện tử và thói quen mua sắm online của người tiêu dùng.

Theo báo cáo từ Research and Markets giá trị hàng hoá thông qua thanh toán BNPL có thể tăng đến 21 lần, đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2028. Ngoài ra, do vẫn còn nhiều người Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng và giao dịch tài chính nên BNPL là cách duy nhất để cung cấp dịch vụ tài chính cho họ.

Do cách thức thao tác đơn giản, an toàn, BNPL đã giúp người tiêu dùng giảm áp lực tài chính và trở nên chủ động hơn trong việc chi tiêu cá nhân.

Qua đó có thể thấy, mỗi hình thức đều sẽ có không gian phát triển riêng, với đối tượng và lợi ích riêng. Thẻ tín dụng sẽ hướng đến những khách hàng là các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu chi tiêu lớn, mục đích sử dụng đa dạng, thì BNPL cũng có những tệp khách hàng riêng với hạn mức chi tiêu nhỏ, thanh toán linh hoạt. Vì thế, không thể cho rằng hình thức nào sẽ thay thế lẫn nhau mà là cùng song hành và phát triển.

Hiện tại, LOTTE Finance cũng đã triển khai BNPL trên sàn thương mại điện tử Tiki với gần 30.000 người dùng.  Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với các sàn thương mại điện tử và Ví điện tử có tệp khách hàng lớn.

- Để phát triển BNPL, theo ông, hiện đang có những rào cản gì đối với các công ty tài chính?

Trên thực tế, tôi cho rằng các công ty tài chính phát triển BNLP đang gặp một số rào cản như sau:

Điều đầu tiên phải kể đến là nhận thức của người dùng, với đặc điểm linh hoạt tài chính chủ động chi tiêu thì người dùng cũng cần nâng cao kiến thức tài chính, khả năng cân đối ngân sách để hiểu rõ các ưu điểm, chính sách, quy trình từ nhà cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, người dùng cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ các thông tin cá nhân, tránh những rủi ro trong giao dịch điện tử khi các hành vi gian lận lừa đảo của các tội phạm công nghệ cũng ngày một tinh vi.

Thứ hai là các rào cản về công nghệ như nhu cầu quản lý và chia sẻ dữ liệu nhằm đánh giá hồ sơ khách hàng một cách chính xác giúp giảm thiểu rủi ro cho cả nhà cung cấp và khách hàng. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức phát hành dịch vụ BNPL khiến bản thân mỗi tổ chức phải liên tục cải tiến công nghệ, đầu tư phát triển, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao vị thế trên thị trường.

Cuối cùng, thực tế cho thấy chúng ta đang thiếu khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp cung cấp BNPL cùng rủi ro về an toàn thông tin. Các giao dịch điện tử có thể gặp các vấn đề về an toàn thông tin cũng như rủi ro về rò rỉ dữ liệu; các chính sách bảo mật,...  Điều này yêu cầu các công ty tài chính vừa phải đầu tư cho các giải pháp liên quan đến hệ thống, đồng thời phải nghiên cứu kỹ, tuân thủ khung pháp lý để lên phương án đề phòng, tránh những trường hợp xấu xảy ra. 

- Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.