Chống đứt gãy chuỗi cung ứng: Đề xuất bỏ quy định hàng hóa thiết yếu, thay thế cơ chế 'luồng xanh'
Bảo Minh -
02/09/2021 08:30 (GMT+7)
(VNF) - Theo báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, hiện nay hai điểm nghẽn mấu chốt cần được giải quyết ngay đó là việc đứt gãy chuỗi cung ứng và an sinh xã hội. Nếu không giải quyết được hai điểm nghẽn này, "mục tiêu kép" mà Chính phủ đặt ra khó có khả năng thực hiện được.
Báo cáo cho biết làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 hiện nay đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế.
Hiện nay hai điểm nghẽn mấu chốt cần được giải quyết ngay đó là việc đứt gãy chuỗi cung ứng và an sinh xã hội.
Trong đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến sản xuất các ngành chủ chốt của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, FDI có thể suy giảm do môi trường kinh doanh xấu đi. Còn an sinh xã hội chưa đảm bảo ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh kế của người dân và người lao động. Nếu không giải quyết được hai điểm nghẽn này, "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới của Chính phủ đặt ra khó có khả năng thực hiện được.
Có tình trạng áp dụng cứng nhắc mô hình “3 tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến”
Báo cáo của nhóm chuyên gia trên chi ra rằng việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình “3 tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến” một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” không được thiết kế từ đầu.
Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… nơi bị phong tỏa bị chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động. Biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa.
Cụ thể, chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy cung lao động và nguyên vật liệu; chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển; chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị dãn cách, chi phí đáp ứng điều kiện sản xuất quá cao.
Trong khi đó, thực trạng của an sinh xã hội hiện nay đó là việc thực thi các chính sách an sinh xã hội cho người lao động còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và niềm tin của nhân dân.
Cụ thể, nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc… nhưng không được hưởng chế độ kịp thời do các quy định hành chính không thể thực hiện khi bị phong tỏa, cách ly.
Nhiều lao động chưa tham gia BHXH đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng BHXH nên không được coi là đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; nhiều lao động phi chính thức đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh/thành phố thực hiện Chỉ thị 16/16+ nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay; nhiều người lao động phải điều trị và nghỉ cách ly do dương tính với Covid-19 nhưng chưa được giải quyết chế độ ốm đau trong BHXH do không hoàn thiện được các thủ tục.
Trong khi đó, việc kéo dài thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến” tại các doanh nghiệp ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người lao động; điều kiện sinh hoạt, môi trường lao động của người lao động không đảm bảo, mất an toàn vệ sinh lao động khiến các nhà máy có nguy cơ bị khách hàng yêu cầu đánh giá lại về tính tuân thủ và điều kiện làm việc; nguy cơ phải tăng giờ làm và vi phạm số giờ tăng ca theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Lối thoát nào để tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng?
Trước thực trạng này, nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn.
Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các Bộ Ban ngành Trung ương và địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Thứ hai, cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Đồng thời, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với (1) nhân lực logistics, (2) nhân lực sản xuất, (3) dân cư toàn xã hội.
Thứ ba, nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.
Thứ tư, thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.
Mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; đảm bảo không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về.
Thứ năm, xây dựng ứng dụng điện tử (App) “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.
Thứ sáu, Chính phủ, chính quyền địa phương tăng cường đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch Covid-19.
Số lượng lao động qua các quý giai đoạn 2019-2021
Về giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc Dân kiến nghị cần phải có tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định, thực thi chiến lược phòng chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các yếu tố vật chất và con người cho phòng chống dịch Covid-19. Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần logistics một cách thống nhất.
Tiếp đến là Chính phủ và các bộ cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường trong mọi tình huống; bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp logistics thông qua xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp này với tất cả các loại hình vận tải; đổi mới toàn diện hệ thống dự trữ quốc gia để nâng cao hơn nữa vai trò, sứ mệnh, công cụ dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics trước những biến động khó lường.
Cuối cùng là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics (bao gồm các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics, cụm logistics…) đồng bộ, hiện đại, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone