Chống sở hữu chéo và thao túng ngân hàng: Luật mới chỉ đáp ứng được 50%

Huyền Trang - 07/03/2024 23:59 (GMT+7)

(VNF) - Theo Luật sư Trương Thanh Đức: Quy định hạn chế sở hữu chéo và thao túng ngân hàng của luật mới chỉ đáp ứng được 50%. Phần còn lại phụ thuộc vào các quy định cụ thể liên quan và đặc biệt là việc thực thi luật của các ngân hàng và các cơ quan chức năng.

VNF
Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Trao đổi với Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng sở hữu chéo ở Việt Nam đã được giảm bớt đáng kể trong những năm gần đây, nhất là sau vụ SCB. Tuy nhiên, tình trạng thao túng ngân hàng lâu nay dường như vẫn còn không ít, mà bằng chứng là nhiều vụ án lớn xảy ra trong ngành ngân hàng trong khoảng hơn chục năm qua. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã có nhiều thay đổi để hạn chế sở hữu chéo và thao túng ngân hàng.

- Theo ông, đâu là điểm nhấn của Luật Các tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi mới được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024?

Theo tôi điểm nhất quan trọng nhất của Luật Các TCTD là sự thắt chặt một cách toàn diện, đồng bộ hơn, từ giảm bớt tỷ lệ sở hữu vốn, thu hẹp giới hạn cho vay, cho đến các quy định chặt chẽ hơn về giám sát việc tuân thủ và xử lý việc vi phạm quy định. Tuy nhiên, các quy định của Luật mới đáp ứng được 50% yêu cầu và vấn đề còn lại nằm ở khâu thực thi.

- Luật Các TCTD quy định tỷ lệ sở hữu của một cổ đông giảm từ 15% xuống còn 10% vốn điều lệ tín dụng; tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ của các TCTD. Điều này sẽ tác động như thế nào, thưa ông?

Luật Các TCTD vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân là không quá 5%, tức là mức khởi điểm để trở thành một cổ đông lớn, nhưng đã giảm tỷ lệ sở hữu của mỗi pháp nhân từ 15% xuống còn 10%. Đồng thời, giảm tỷ lệ sở hữu của mỗi cổ đông cá nhân cũng như pháp nhân và người liên quan của cổ đông đó từ 20% xuống còn 15%.

Đây là các tỷ lệ giảm khá cao, lần lượt hơn 33% và 25%. Khác với việc giảm tỷ lệ dư nợ gắn liền với các thời hạn cho vay và thu nợ tương đối rõ ràng mà cả khách hàng và ngân hàng đều phải xác định rõ trách nhiệm trả nợ (thu hồi nợ) khi đến hạn và không được vay (cho vay) tiếp nếu như vượt quá giới hạn tín dụng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cần có lộ trình linh hoạt hơn, có thể phải kéo dài hơn vì không thể bắt cổ đông đang sở hữu hợp pháp phải chuyển nhượng bớt cổ phần, mà chỉ là không được tăng thêm, nếu như đã chạm hoặc vượt quá giới hạn.

Việc giảm tỷ lệ sở hữu vượt quá giới hạn chỉ có thể thực hiện bằng một cách duy nhất là cổ đông sẽ không được tiếp tục tăng thêm tỷ lệ cổ phần mỗi lần ngân hàng tăng vốn điều lệ. Điều đó có nghĩa là, nếu như 10 – 20 năm nữa, ngân hàng vẫn giữ nguyên vốn điều lệ, thì cổ đông vẫn có thể sở hữu tỷ lệ hiện hành vượt quá một cách hợp pháp. Chính vì vậy Luật Các TCTD không quy định một thời hạn cụ thể như đối với việc giảm tỷ lệ cấp tín dụng.

- Bên cạnh việc giảm tỉ lệ sở hữu, Luật Các TCTD cũng yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn phải công bố thông tin. Theo quan điểm của ông, thông tin này tác động như thế nào tới việc hạn chế sở hữu chéo?

Đối với các công ty thông thường thì luật không cần phải quan tâm lắm đến tỷ lệ sở hữu nhỏ, vì một cổ đông có thể được sở hữu đến gần 100%, nhưng đối với ngân hàng, thì tỷ lệ sở hữu 1% cũng đã có vấn đề, vì chỉ tính theo mệnh giá có khi đã đến hàng trăm tỷ đồng.

Vì vậy, việc yêu cầu công khai, minh bạch đối với cổ đông sở hữu từ 1% trở lên là cần thiết để bắt đầu soi xét giúp cho việc phòng ngừa chuyện đứng tên hộ, đầu tư núp bóng, tức góp phần hạn chế tình trạng sở hữu chéo và cao hơn nữa là nguy cơ thao túng ngân hàng.

- Luật Các TCTD giảm giới hạn cho vay đối với một khách hàng và 1 nhóm khách hàng liên quan từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của TCTD theo lộ trình tới năm 2029. Giảm tỉ lệ giới hạn tín dụng một khách hàng từ 25% về mức 15% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng theo lộ trình tới năm 2029. Theo ông, các ngân hàng sẽ chịu tác động ra sao với quy định này?

Lộ trình giảm dần mỗi năm 1% như vậy là hợp lý và khả thi, nhất là trong xu thế các ngân hàng rất tích cực tăng vốn điều lệ những năm gần đây để bảo đảm cho sự an toàn và cơ hội phát triển. Quy định này này cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc cấp tín dụng cho nhóm khách hàng có liên quan, vì quy mô vốn tự có của các ngân hàng đã lớn hơn rất nhiều so với 27 năm trước theo quy định của Luật Các TCTD năm 1997.

Ngoài ra, điều này không những giúp hạn chế rủi ro tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng, mà đồng thời còn tác động đến việc thúc đẩy các ngân hàng bắt tay, hợp tác với nhau để đồng tài trợ cho khách hàng tiềm năng và an toàn; cùng phối hợp quản lý và chia sẻ các khoản tín dụng rủi ro.

- Theo ông, những quy định như trên đã giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng chưa và liệu còn khe hở nào để các ‘đại gia’ lách luật?

Quy định khá chặt và rõ, đương nhiên sẽ giải quyết được cơ bản về mặt pháp lý vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng. Nhưng yếu tố quyết định thì lại nằm ở khâu thực thi. Nếu ngăn chặn, giám sát và xử lý để bảo đảm việc tuân thủ quy định, thì cũng đã không đáng lo ngại với các quy định của Luật hiện hành. Nhưng nếu vẫn cứ để diễn ra thực trạng pháp luật một đằng, thực tế một nẻo thì không những chẳng triệt để mà còn nguy cơ hơn, vì độ vênh càng lớn trong khi thực tế ngày càng phức tạp.

Những khe hở hữu hình đã được bịt bằng những quy định giảm mạnh tỷ lệ sở hữu, công khai tỷ lệ sở hữu từ 1% trở lên, mở rộng đối tượng là người có liên quan cùng với các yêu cầu nâng cao về quản trị, kiểm soát, điều hành và thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, những khe hở vô hình chủ yếu là phụ thuộc nhiều vào thái độ, quan điểm của các nhóm cổ đông lớn, nhất là những người chủ thực sự của ngân hàng.

Quy định hạn chế sở hữu chéo và thao túng ngân hàng của luật mới chỉ đáp ứng được 50%. Phần còn lại phụ thuộc vào các quy định cụ thể liên quan và đặc biệt là việc thực thi luật của các ngân hàng và các cơ quan chức năng.

- Vậy ông có đề xuất gì để quá trình thực thi, giám sát luật diễn ra hiệu quả nhất?

Ngân hàng là một lĩnh vực rất đặc biệt, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế xã hội, do đó nếu việc thực thi, giám sát pháp luật trong lĩnh vực này không tốt, thì nguy cơ xảy ra vi phạm và hậu quả sẽ rất lớn.

Vì vậy, để Luật phát huy được hiệu quả thì cần phải có sự đồng bộ, nhanh chóng sửa đổi các quy định liên quan, từ quy định về điều kiện, yêu cầu, trình tự, thủ tục, trách nhiệm, cho đến chế tài xử phạt. Khi xã hội đã đồng thuận, điều luật đã rõ ràng, đòi hỏi sự tuân thủ rất cao, thì cần phải thay đổi quy định xử lý thật mạnh tay, như xử phạt thật nặng cả về hành chính lẫn hình sự, không loại trừ việc tịch thu số cổ phần, cổ phiếu vượt quá giời hạn, vi phạm điều cấm của luật.

- Trân trọng cảm ơn ông!

"Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được kéo dài nhưng hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Như vậy khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu đã và đang gia tăng. Tôi rất mong các bộ ngành và địa phương sớm bắt tay thực hiện luật. Đồng thời, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp cho nhiều vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay được tháo gỡ; góp phần kiến tạo khung pháp lý để phát triển một số dịch vụ ngân hàng mới như ngân hàng điện tử, ngân hàng số, cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động Fintech (công nghệ tài chính)… Ngoài ra, luật cũng giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền. Đồng thời giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng", TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia.

>> Khi ngân hàng là 'sân sau' trong hệ sinh thái các tập đoàn

Cùng chuyên mục
Tin khác