Luật Các tổ chức tín dụng: Minh bạch hơn và thị trường hơn

Khánh Tú - 18/01/2024 13:17 (GMT+7)

(VNF) - PGS - TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp các TCTD hoạt động một cách thị trường hơn, công khai minh bạch và chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng vốn, từ đó giúp thị trường hoạt động thông thoáng hơn”.

VNF
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 96,75% tán thành.

Sáng 18/1, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 96,75% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. So với dự thảo công bố trước đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới có nhiều chỉnh lý và bổ sung quan trọng liên quan đến vấn đề can thiệp sớm của Ngân hàng nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại yếu kém; ngân hàng tham gia bán bảo hiểm; xử lý nợ xấu; sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD,...

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nội dung được sửa đổi rất căn bản, toàn diện và đồng bộ. Luật sẽ góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo.

Bên lề cuộc họp Quốc hội, ông Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nam Định, nhận định: “Chúng ta thấy rằng hai dự luật này (Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi)) rất quan trọng và phải mất rất nhiều năm để chuẩn bị và được các đại biểu cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Đây là tín hiệu rất tích cực cho năm 2024. Như nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội đánh giá, qua dự luật này, các TCTD sẽ đảm bảo được sự an toàn của hệ thống và phòng ngừa được tình trạng lừa đảo người vay tiền trong thời gian tới.

Trong môi trường kinh doanh hiện nay, Việc đảm bảo cho môi trường tín dụng trong nước hoạt động an toàn và chế độ chính sách đất đai mới sẽ giúp tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, tạo được niềm tin đối với giới doanh nghiệp và các quỹ đầu tư nước ngoài, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn nữa”.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng. 

Trao đổi với VietnamFinance, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa thực sự giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng trong thị trường tài chính thời gian qua mà mới chỉ giải quyết được những vấn đề cơ bản.

Theo ông Thịnh, cần phải có nhiều hơn các Nghị định, các thông tư hướng dẫn cụ thể, các chính sách, chế tài khác để có thể đưa hoạt động của các TCTD vào khuôn khổ.

Tuy vậy, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp các TCTD hoạt động một cách thị trường hơn, công khai minh bạch và chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng vốn, từ đó giúp thị trường hoạt động thông thoáng hơn”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp hoạt động của các TCTD chặt chẽ hơn nhưng chỉ giải quyết được phần nào các điểm hạn chế tồn tại trong thời gian qua.

“Ví dụ như đối với bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng, vấn đề các nhân viên ngân hàng cố tình tư vấn sai lệch, ép khách hàng mua bảo hiểm vẫn chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Ở đây luật chỉ mang tính định hướng, cần phải quy định trách nhiệm cụ thể hơn thì mới có thể đi vào đời sống và thực tế”, ông Huân nói.

Ông Huân nhận định, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế rủi ro cho hệ thống tài chính nhưng để luật có thể thực sự tác động đến tăng trưởng kinh tế thì phải cần một thời gian dài khi luật đi vào thực thi.

PSG - TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng việc thông qua Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ bảo đảm sự an toàn, minh bạch, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển của hệ thống TCTD theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến. "Từ đó, nó sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn", ông nói.

Ngoài ra, theo ông Hùng, luật cũng sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước. “Đây là một vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh đầu tư tư nhân và tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, qua đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023. Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua cũng sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam hơn nữa, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược góp vốn vào các ngân hàng thương mại, qua đó nâng cao lực tài chính và quản trị của các ngân hàng Việt Nam", ông nhận định.

Xem thêm: Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng: Kiểm soát chặt sở hữu chéo, can thiệp sớm khi có vấn đề

Cùng chuyên mục
Tin khác