Chuyển đổi số: Công nghệ không phải là vấn đề trung tâm

Trần Thuỷ - 06/05/2023 08:16 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp hào hứng chuyển đổi số nhưng ngay lập tức “nếm trái đắng” khiến họ hoang mang và chùn bước. Đã có những thất bại ngay từ những bước đi đầu tiên mà doanh nghiệp không nhận ra nguyên nhân từ đâu.

VNF

Lời khuyên của các chuyên gia khiến cho không ít người bất ngờ: Công nghệ không phải là trung tâm của chuyển đổi số, cốt lõi là bài toán quản trị cần giải quyết là gì. Nói cách khác, phải biết ra đề bài đúng thì mới chọn được công nghệ đúng.

Nỗi sợ thất bại

Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và thương mại tại TP. HCM cho biết, doanh nghiệp đã chi cả chục tỷ đồng, ký hợp đồng với đối tác công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong vòng 1 năm. Sau 6 tháng, mới qua các khâu khảo sát và viết quy trình thì lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra là đối tác không phù hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn khi giải bài toán chuyển đổi số cho cả một hệ sinh thái. Không đi đúng hướng, chi phí phát sinh quá nhiều nên doanh nghiệp phải tạm dừng để tính toán lại.

“Tôi nhận ra một điều là ngay từ đầu doanh nghiệp đã không nhận thức đủ về quá trình chuyển đổi để đặt đề bài cho đối tác công nghệ”, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Với kinh nghiệm ở một doanh nghiệp đã trải qua quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cho biết các mô hình chuyển đổi số cũng rất đa dạng, buộc doanh nghiệp phải lặn lội tìm ra được thứ phù hợp. Nếu chọn sai, hậu quả sẽ khôn lường. Tài liệu về chuyển đổi số thời điểm doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi cho thấy 80-90% thất bại. Vì thế, điều đầu tiên cần vượt qua là nỗi sợ thất bại, đi kèm một quyết tâm lớn.

Báo cáo của Vietnam Report cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt vẫn chưa biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ đâu. Tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro là rào cản lớn nhất. Những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hiện rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số. Phần lớn chưa tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số... Cùng với đó, chi phí bỏ ra để chuyển đổi số không hề nhỏ nếu muốn có nền tảng số riêng cho mình. Nguồn lực hạn chế và khó khăn trong tiếp cận vốn đang là điểm yếu đối vối các doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 71% dân số Việt Nam sử dụng internet, mỗi người dân khi dùng Internet thường sử dụng 9 dịch vụ số như thương mại điện tử, mua bán trực tuyến, gọi xe, đồ ăn… Thực tế đòi hỏi doanh nghiệp không thể không bán hàng online, không thể không quảng cáo trực tuyến, không thể không dùng dịch vụ số để tiếp cận khách hàng, tóm lại là không thể đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào chuyển đổi số cũng thành công. Thực sự chuyển đổi số không phải con đường trải hoa hồng.

Nhìn ra thế giới, cũng có nhiều những công ty lớn như Hewlett Packard (HP) hay Nike đã phải “nếm trái đắng” chuyển đổi số thất bại với chi phí lên đến hàng trăm triệu USD.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc của FPT IS, cho biết có tới 76% dự án chuyển đổi số thất bại, kể cả công ty nước ngoài, đầu tư rất nhiều tiền để phát triển nền tảng số nhưng đều thất bại.

Còn ông Alexander Evchenko, Tổng giám đốc Công ty 1C Việt Nam, dẫn số liệu của các tổ chức tư vấn lớn trên thế giới cho biết, hầu hết những nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp dường như đều gặp thất bại. Chẳng hạn, Forbes đánh giá rủi ro thất bại trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp là 84%, trong khi các tổ chức nghiên cứu khác như McKinsey, BCG, KPMG và Bain & Company đánh giá, nguy cơ thất bại trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp từ 70-95%. Có thể khẳng định chuyển đổi số không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số không phải là phong trào và ai làm cũng thành công. Nó phải xuất phát trực tiếp từ nội tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải hiểu kỹ các vấn đề của chính mình và thực sự biết mình muốn gì. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp không hiểu kỹ các vấn đề của chính mình, hoàn toàn trông cậy vào nhà tư vấn là những công ty công nghệ. Trong khi đó, phía tư vấn không thể hiểu rõ về doanh nghiệp bằng chính các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đó, nên lạc lối.

Ra đề bài đúng

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng với chuyển đổi số, công nghệ không quan trọng mà quan trọng là đưa ra được bài toán đúng, thì lập tức công nghệ sẽ giải được. Hãy nhớ rằng công nghệ không phải là trung tâm của chuyển đổi số, mà chính là bài toán do kinh doanh đặt ra.

Chia sẻ tại một diễn đàn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, bà Lâm Thị Kiều Oanh, Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Twitter Beans Coffee, tư vấn rằng đầu tiên, doanh nghiệp phải làm rõ bài toán quản trị muốn giải là gì. Tiếp đến là yếu tố con người. Người lãnh đạo cần hiểu rõ mục tiêu, giá trị của chuyển đổi số để từ đó quyết tâm, bền bỉ và kiên trì triển khai. Hiện nay có rất nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp chỉ cần làm rõ bài toán của mình thì sẽ có công nghệ phù hợp để lựa chọn.

Từ thực tế tư vấn cho doanh nghiệp, bà Bùi Thu Thủy, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kể câu chuyện về chuyển đổi số ở Công ty TNHH Thắng Lợi (Nam Định). Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đúc thép cơ khí, dù ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng không biết sẽ phải làm như thế nào. Sau khi được tư vấn, giá trị đầu tiên mà công ty nhận được đó là tầm nhìn. Việc có được tầm nhìn với ban giám đốc là vô cùng quan trọng, vì từ tầm nhìn sẽ đi đến nhận thức ra các vấn đề và có quyết định triển khai đúng đắn với lộ trình phù hợp. Hiện công ty này đã đầu tư và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất IoT đầu tiên, từng bước số hóa các hoạt động, để kiểm soát nâng cao chất lượng quản trị và sản xuất kinh doanh.

Từ thực tế của doanh nghiệp Việt trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số, các chuyên gia cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải có tầm nhìn, phải xác định được quá trình kinh doanh và vận hành diễn ra như thế nào, rồi sau đó mới tìm ra công nghệ thích hợp. Không nên làm ngược lại, đó là để công nghệ quyết định cách thức vận hành kinh doanh, bởi như vậy là con đường dẫn đến thất bại.

Vì thế, theo ông Trần Minh Tuấn, muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải có quyết tâm từ người lãnh đạo cao nhất doanh nghiệp. Tiếp đến, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và trong nước, xem có doanh nghiệp nào giống mình đã chuyển đổi số thành công hay không để học hỏi. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ những bước chuyển đổi số và đánh giá thử độ chín của chuyển đổi số với doanh nghiệp mình. Hiểu kỹ rồi mới gặp các nhà tư vấn và quyết định chọn nền tảng nào, công cụ nào để chuyển đổi số.

Ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Wincom, cho biết chi phí về công nghệ chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí chuyển đổi số. Mua phần mềm về ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó. Muốn vậy, doanh nghiệp phải hiểu rõ những vấn đề của mình, cần giải quyết như thế nào. Tức là phải có đầu bài rõ ràng, quy trình rõ ràng, sau đó cùng làm việc với đối tác về chuyển đổi số, để họ cũng nắm và hiểu rõ các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương án phù hợp.

Còn ông Nguyễn Trọng Đường thì lưu ý, doanh nghiệp cần phân biệt được kinh tế truyền thống và kinh tế số. Kinh tế truyền thống thì tập trung vào sản phẩm, còn kinh tế số tập trung vào khách hàng; kinh tế truyền thống bán sản phẩm, trong khi kinh tế số bán bán dịch vụ và trải nghiệm; kinh tế truyền thống phát triển sản phẩm, còn kinh tế số xây dựng hệ sinh thái, thúc đẩy các loại hình chia sẻ... Từ đó sẽ ý thức được mình phải làm gì.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số mới bắt đầu và đang gặp nhiều thách thức. Theo Vietnam Report, các doanh nghiệp đã nhận thức được phải quyết tâm chuyển đổi số, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau nhưng đa số ở vị trí mới nhập cuộc và đối diện nhiều rủi ro trước một cuộc chuyển đổi lớn.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Tỷ phú Trần Bá Dương đánh cược vào HNG, rời HSBC ông Phạm Hồng Hải làm CEO OCB

Tỷ phú Trần Bá Dương đánh cược vào HNG, rời HSBC ông Phạm Hồng Hải làm CEO OCB

(VNF) - Tỷ phú Trần Bá Dương tiếp tục đặt cược vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Hồng Hải làm CEO Ngân hàng Phương Đông, Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ thứ 2 của Việt Nam, cựu Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng qua đời… là những tin tức doanh nhân nổi bật tuần qua.

'Nền kinh tế phụ nữ' ngày càng phát triển ở Trung Quốc

'Nền kinh tế phụ nữ' ngày càng phát triển ở Trung Quốc

(VNF) - Việc “nền kinh tế phụ nữ” ngày càng phát triển ở Trung Quốc đang dẫn đến việc phụ nữ trong độ tuổi lao động đóng vai trò dẫn đầu trong chi tiêu cá nhân và mua sắm của gia đình, có khả năng tạo thành một động lực mới trong cơ cấu nền kinh tế thứ 2 thế giới.

BIDGROUP bị cưỡng chế thuế hơn 560 tỷ, đến hạn thanh toán 530 tỷ đồng trái phiếu

BIDGROUP bị cưỡng chế thuế hơn 560 tỷ, đến hạn thanh toán 530 tỷ đồng trái phiếu

(VNF) - BIDGROUP bị cưỡng chế thuế với số tiền khổng lồ lên đến 561,5 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 2.600 tỷ đồng. Trong năm 2024, đến hạn thanh toán gốc 2 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành 530 tỷ đồng.

Ba lần hủy đấu thầu vàng: Đến lúc cần 'thuốc mới' cho bệnh cũ

Ba lần hủy đấu thầu vàng: Đến lúc cần 'thuốc mới' cho bệnh cũ

(VNF) - Trong 4 lần ra thông báo đấu thầu vàng miếng SJC thì có tới 3 lần, NHNN phải hủy do không đủ số lượng doanh nghiệp dự thầu. Nhiều chuyên gia nhận định đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế và thị trường vàng cần nhiều hơn một giải pháp.

CADIVI: Doanh thu gần 2.500 tỷ, vay nợ hơn 2.900 tỷ đồng

CADIVI: Doanh thu gần 2.500 tỷ, vay nợ hơn 2.900 tỷ đồng

(VNF) - Trong quý I/2024, CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) gây ấn tượng khi doanh thu đạt 2.485,7 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, điều gây bất ngờ đó là tiền mặt tại công ty chỉ còn hơn 240 triệu đồng.

Vì sao các tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam nhưng rồi đầu tư ở nước khác?

Vì sao các tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam nhưng rồi đầu tư ở nước khác?

(VNF) - Vừa qua, một số tập đoàn công nghệ nước ngoài có quy mô lớn đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó có thông tin cho rằng những "ông lớn" này đã đầu tư ở nơi khác.

Kế hoạch tái khởi động siêu dự án Cocobay Đà Nẵng của Thành Đô

Kế hoạch tái khởi động siêu dự án Cocobay Đà Nẵng của Thành Đô

(VNF) - Dự án Cocobay Đà Nẵng được chủ đầu tư lên kế hoạch triển lại vào đầu tháng 5/2024, trong đó có một số công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Nỗi lo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: ‘Mua điện mặt trời mái nhà, cổ suy cho trục lợi chính sách’

Nỗi lo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: ‘Mua điện mặt trời mái nhà, cổ suy cho trục lợi chính sách’

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục khẳng định, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà, thì vô hình trung “chúng ta” cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách.

Hai thái cực đối lập trên thị trường ô tô: Đa số giảm giá, hãng duy nhất tăng

Hai thái cực đối lập trên thị trường ô tô: Đa số giảm giá, hãng duy nhất tăng

(VNF) - Trong khi đa số các hãng xe tiếp tục đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá bán để kích cầu. Ở chiều ngược lại, Thaco Trường Hải lại ngược dòng tăng giá bán Mazda, Kia hàng chục triệu đồng.

Lộ diện nhà đầu tư duy nhất muốn làm khu nhà ở 700 tỷ ở Nghệ An

Lộ diện nhà đầu tư duy nhất muốn làm khu nhà ở 700 tỷ ở Nghệ An

(VNF) - Quá trình đóng/mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu nhà ở tại khối Sỹ Tân, Yên Trung, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An xác định có duy nhất 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunlogo – Sunland.

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

(VNF) - Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 11.808 tỷ đồng sau hơn 1 năm thi công đã đạt 50% giá trị hợp đồng. Hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trước 6 tháng.