Xe

Chuyên gia: 'Công nghiệp ô tô Việt Nam 25 năm vẫn ‘giậm chân tại chỗ'

(VNF) - “Nhìn lại 25 năm của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, chúng ta vẫn nằm ở con số 0, thậm chí tăng trưởng dương không đáng kể. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã thất bại trong việc tạo ra một nền công nghiệp ô tô”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, giám đốc Whatcar cho biết.

Chuyên gia: 'Công nghiệp ô tô Việt Nam 25 năm vẫn ‘giậm chân tại chỗ'

Bài Tết: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam 25 năm qua vẫn ‘giậm chân tại chỗ’

- Năm 2020 được xem là một năm khó khăn đối với hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế không chỉ riêng ở Việt Nam và trên toàn thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhìn lại một năm vừa qua, ông có nhìn nhận hay đánh giá như thế nào về ngành ô tô trong nước?

- Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ riêng ngành ô tô mà còn “phủ sóng” tới hầu hết các ngành kinh tế khác trên toàn cầu, đặc biệt là những ngành liên quan tới sản xuất, dịch vụ và ô tô là một trong những ngành đó.

Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nó đã bộc lộ khá nhiều điểm yếu “chí tử” trong ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể là rất nhiều nhà cung cấp trong chuỗi cung cấp phụ trợ toàn cầu đang nằm ở Trung Quốc (tâm điểm bùng phát dịch bệnh) và khi dịch bệnh bùng phát đã khiến cho gần như toàn bộ nền công nghiệp ô tô của thế giới bị tê liệt trong một khoảng thời gian, thậm chí đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được phục hồi một cách mạnh mẽ hoàn toàn.

Sau “gáo nước lạnh” này, chúng ta thấy rõ được những sự dịch chuyển của các hãng xe khi “cởi bỏ” Trung Quốc để tìm tới các thị trường khác an toàn hơn, ổn định hơn để xây dựng mạng lưới sản xuất, cung cấp phụ trợ linh phụ kiện.

Đó là bài toán của quốc tế, còn tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho một số nhà kinh doanh, sản xuất lắp ráp ô tô trong nướ bị ảnh hưởng rất nhiều và nặng nề. Các nhà sản xuất ô tô trong nước như: VinFast, Thaco, TC Motor và các hãng xe khác phải kéo dài thời gian giao hàng.

Về thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng làm cho sức mua bị chậm lại (giảm sút), ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các nhà kinh doanh.

- Một trong những ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp ô tô trong nước đó là triển lãm ô tô Việt Nam thường niên đã bị huỷ. Ông có nhận xét gì về vấn đề này khi triển lãm là bước đệm cho các hãng xe chạy đua doanh số cuối năm?

Thực ra bản chất của triển lãm ô tô tại Việt Nam không giống như một số triển lãm ô tô khác trên thế giới mà nó giống như một cái “hội chợ” hơn.

Các triển lãm ô tô lớn trên thế giới như: Tokyo Motor Show, LA Motor Show, Geneva Motor Show,… thì gần như các triển lãm này là “sàn diễn” để các nhà sản xuất ô tô trên thế giới phô diễn về các công nghệ và xu hướng phát triển của xe hơi trong tương lai. Trong khi đó, triển lãm ở Việt Nam lại không xảy ra điều này mà chỉ mang tính chất hội chợ trưng bày và bán xe nhiều hơn.

Triển lãm ô tô tại Việt Nam chỉ là ăn theo các thị trường khác trên thê giới, chứ không tạo nên danh tiếng hay xu hướng cho nền công nghiệp ô tô toàn cầu.

Thông thường các nhà sản xuất ô tô bắt tay nhau để tổ chức một triển lãm thì họ luôn kỳ vọng sẽ bán được bao nhiêu chiếc xe để thu lại những chi phí bỏ ra, đồng thời cũng kết hợp để giới thiệu một số thương hiệu sản phẩm khác. Tuy nhiên, trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, sức mua trên thị trường rất thấp, cộng thêm vào đó là những quyết định của chính phủ về việc giãn cách xã hội (khi dịch bùng phát trên diện rộng) khiến ban tổ chức kỳ vọng về số lượt người tới xem triển lãm không như như kỳ vọng nên họ đã quyết định hoãn triển lãm này.

- Một sự chuyển dịch khá rõ nét của ngành ô tô Việt Nam trong năm vừa qua đó là các nhà sản xuất ô tô đã bắt đầu quay trở lại lắp ráp các mẫu xe bán chạy thay vì nhập khẩu, hay các hãng xe khác cũng đang rục rịch xây dựng nhà máy ngay tại Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành ô tô Việt Nam trong thời gian tới?

Tiềm năng của thị trường ô tô ở Việt Nam là rất lớn.

Theo tôi được biết thì Việt Nam luôn là nước có tốc độ thị trường ô tô tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu ô tô của người Việt chỉ ở mức 16 xe/1.000 dân, thấp hơn nhiều so với Malaysia (341 xe/1.000 dân), Thái Lan (196 xe/1.000 dân) hay Indonesia (55 xe/1.000 dân).

Còn theo dự báo của Bộ Công thương thì nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 theo phương án trung bình đạt khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 là vào khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe. Chính vì vậy mà các hãng không muốn bỏ thị trường tiềm năng ở Việt Nam, thậm chí khi Việt Nam có những thay đổi về chính sách thì các hãng cũng đã thay đổi quan điểm không lắp ráp tại Việt Nam mà chuyển sang nhập khẩu kinh doanh thuần tuý. Tuy nhiên, việc các hãng quay trở lại lắp ráp không giúp được nhiều cho nên công nghiệp ô tô trong nước phát triển. 

Năm 2020 là năm đánh dấu cột mốc 25 năm của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam nhưng nhìn lại một quãng đường dài nhưng chúng ta vẫn nằm ở con số 0, thậm chí tăng trưởng dương không đáng kể. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã thất bại trong việc tạo ra một nền công nghiệp ô tô.

- Sự góp mặt của hãng xe VinFast đã thay đổi cục diện của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Từ lúc có sự xuất hiện của hãng xe VinFast (thuộc tập đoàn VinGroup) thì lúc này các chính sách về ô tô (ưu tiên cho việc sản xuất, lắp ráp trong nước) mới được thay đổi. Và những công ty đầu tiên bắt nhịp với việc thúc đẩy sản xuất ô tô tại Việt Nam thời gian qua là các “ông lớn” TC Motor và Thaco. Bên canh đó, hai “ông lớn” này cũng đã tham gia vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Trong khi đó, các hãng xe khác đang có xu hướng dịch chuyển việc sản xuất ra nước ngoài để kinh doanh thuần tuý thì sợ bị thua thiệt khiến họ phải toan tính để quay trở lại lắp ráp. Bởi nếu không quay trở lại lắp ráp thì vô hình chung các hãng xe này đã mất đi các chính sách ưu đãi dành cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, đồng thời lợi nhuận cũng bị thua thiệt.

Mặc dù thị trường ô tô tại Việt Nam không nhiều nhưng con số lợi nhuận mang lại cho các liên doanh ô tô tại Việt Nam là một con số vô cùng lớn.

Ví dụ như Toyota Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2015 – 2019, liên doah ô tô Nhật Bản này đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ USD (gần 116.000 tỷ đồng) và có tổng doanh thu trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019 là 179.260 tỷ đồng.

- Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định EVFTA và RCEP, điều này ắt hẳn khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ đối diện không ít thách thức, bởi các thành viên tham gia đều là những đối tác thương mại "cạnh tranh" trực tiếp với Việt Nam. Ông có nhìn nhận hay đánh như thế nào về điều này?

Khi chúng ta tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, cuộc chơi của sự bình đẳng thì việc này sẽ thúc đẩy các yếu tố liên quan như năng suất lao động, chất lượng lao động và sản phẩm sẽ được cải thiện lên rất nhiều. Nếu Việt Nam không cải thiện được những điều này thì các sản phẩm “made in Vietnam” sẽ cao hơn mặt bằng chung và lúc đó sẽ không đủ sức để cạnh tranh với đối thủ. 

Chính vì vậy, để gia nhập được cuộc chơi toàn cầu thì chúng ta cần phải đưa ra được những chính sách cụ thể, mở rộng đầu tư nhiều hơn, cải thiện chất lượng công nhân, tái cơ cấu và đặc biệt là nâng giá trị sản phẩm chất lượng tốt hơn. Nếu không thay đổi, dòng chảy của các sản phẩm giá rẻ từ những nước khác sẽ tràn vào Việt Nam, lúc này các xe sản xuất trong nước sẽ bị “lấn át”.

- Có ý kiến cho rằng ngành ô tô Việt Nam nên tập trung sản xuất phụ tùng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì chế tạo xe mới, quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Điều này tôi cho rằng là hoàn toàn đúng. Nền công nghiệp ô tô không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới không thể đứng ngoài việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi khi không thể chủ động được chuỗi cung ứng linh phụ kiện thì các hãng xe sẽ bị các công ty sản xuất linh phụ kiện chi phối. Nếu gia nhập được vào chuỗi cung ứng này thì tính ổ định, chủ động trong việc sản xuất là rất cao.

Tôi lấy ví dụ, cách đây vài năm từng có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa thể làm nổi một con ốc để lắp trên các smartphone thì làm sao có thể chế tạo ra được một chiếc smartphone mang thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, khi thời điểm Samsung bước chân vào Việt Nam thì nhu cầu của công ty này để nhập các linh phụ kiện ngay tại trong nước (hưởng các chính sách ưu đãi) đã thúc đẩy các công ty trong nước mở rộng đầu tư sản xuất với các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo của đối tác. Đến thời điểm hiên tại, có hàng trăm công ty vệ tinh của Việt Nam đang ngày đêm sản xuất linh phụ kiện cung cấp ngược lại cho Samsung.

Rõ ràng có thể nhìn thấy một hệ quả đó là VinSmart đã được hưởng khá nhiều thành quả từ các nhà cung cấp này.

- Trang Reuters đã đưa ra nhận định rằng việc sản xuất, lắp ráp ô tô mới trong năm 2021 sẽ bị chậm lại do thiếu nguồn cung về chip. Ông có ý kiến gì không?

Điều này tôi cho rằng là hoàn toàn có sơ sở. Bởi một chiếc ô tô hoàn thiện là sự ghép nối đến từ hàng nghìn chi tiết, trong đó bộ phận chip là một chi tiết vô cùng quan trọng trên mỗi chiếc xe.

Nguồn chip hiện đang được sản xuất nhiều ở một số quốc gia đến từ Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc và khi đại dịch Covid-19 chưa được khống chế thì các công ty sản xuất chip cung cấp cho các hãng xe ô tô trên thế giới sẽ bị hạn chế. 

Trên mỗi chiếc xe hơi hiện đại ngày nay có sự hiện diện của rất nhiều các hệ thống điện tử phức tạp để giúp cho chiếc xe trở nên thông minh hơn, ăn toàn hơn. Ngay cả việc chỉ thiếu một chi tiết nhở nhất là con ốc trên ô tô cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoàn thiện của một chiếc xe, huống hồ là chip điện tử trên xe.

- Một tín hiệu đáng mừng cho năm 2021 đó là một số quốc gia đã chế tạo thành công vacxin chống lại dịch bệnh Covid-19. Khi đại dịch được kiểm soát thì các hoạt động sản xuất lâu nay sẽ được bình thường hoá trở lại. Ông có nhìn nhận thế nào về nền công nghiệp ô tô Việt Nam trong năm 2021?

Thông tin vacxin được thử nghiệm thành công trên người cũng là một thông tin đáng được chú ý, tuy nhiên số người cần được tiêm vacxin là một con số khổng lồ, do đó để có thể tạo được miễn dịch trên diện rộng thì thời gian sẽ mất hàng năm. Chính vì vậy, năm 2021 chưa thể khẳng định được việc có vacxin chống dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và loại bỏ 1 cách hoàn toàn.

Điều này đồng nghĩa rằng việc sản xuất lại bình thường của nền công nghiệp ô tô trên thế giới chỉ được cải thiện một phần nhỏ và tuỳ vào từng khu vực. Chắc chắn ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và nếu có phục hồi thì sẽ mất khoảng vài năm nữa.

Cảm ơn ông và chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!

Xem thêm:  Chủ tịch Toyota Motor: 'Ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản sẽ sụp đổ nếu cấm xe ICE'

Tin mới lên