Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Tại Talkshow Phố Tài chính, bà Trần Thị Khánh Hiền và ông Nguyễn Hoàng Linh đã nêu các vấn đề chính mà nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt trong năm 2023.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, có 4 thách thức chính của năm 2023. Thứ nhất là xuất khẩu – một trong những động lực kinh tế quan trọng, sẽ tăng trưởng chậm lại khi tổng cầu của thế giới đang có xu hướng suy giảm rõ rệt.
“Theo những dự báo gần đây, nhu cầu tiêu dùng của thế giới sẽ giảm xuống dưới 1% trong năm 2023, cho dù Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế trở lại. Vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó đạt mức tăng trưởng hai con số như trong 2 năm gần đây”, Giám đốc Phân tích VNDirect cho biết.
Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại từ tháng 10/2022 và tới tháng 1/2023 thì xuất khẩu đã giảm 21%.
Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng là một chỉ số để dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới. Trong tháng 1, chỉ số về nhập khẩu ghi nhận mức giảm thấp nhất trong 2 năm gần đây.
Thách thức thứ hai theo bà Trần Thị Khánh Hiền là lạm phát. Theo đó, áp lực lạm phát của năm 2023 có thể sẽ lớn hơn so với năm 2022. Nếu như năm 2022, áp lực lạm phát chủ yếu đến từ những yếu tố bên ngoài như giá cả nguyên vật liệu cơ bản tăng mạnh thì năm 2023, đa phần nguyên nhân sẽ đến từ những yếu tố trong nước, như tăng giá điện hay tăng giá dịch vụ công thiết yếu khác, hoặc do tăng lương cơ bản từ tháng 7.
Bà Hiền cho rằng, mặc dù giá nguyên vật liệu có xu hướng hạ nhiệt, tuy nhiên do tỷ giá USD vẫn ở mức cao, nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới lạm phát trong nước cho đến ít nhất là giữa năm 2023.
Thách thức thứ ba đến từ việc áp lực tỷ giá vẫn ở mức cao ít nhất cho đến hết quý II.
Thách thức cuối cùng đến từ việc thị trường bất động sản đóng băng cũng như việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa có những biện pháp rõ ràng để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Tương tự bà Trần Thị Khánh Hiền, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cho rằng thách thức đầu tiên của nền kinh tế trong năm 2023 là xuất khẩu đang suy yếu rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng gần đây. Ngành xuất khẩu là nguồn cung ngoại tệ quan trọng của Việt Nam, nếu xuất khẩu suy yếu sẽ làm tăng rủi ro về tỷ giá.
Thách thức thứ hai theo ông Linh là lãi suất. Theo đó, mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao và các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về chi phí vốn cũng như rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
“Nếu như lãi suất không giảm và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp không được cải thiện trong thời gian tới, tôi cho rằng có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản và xây dựng”, đại diện VCBF cho biết.
Hai thách thức trên sẽ dẫn đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng, từ đó đặt ra thách thức thứ ba là sự suy yếu của thị trường lao động. Trong quý IV vừa qua, 400.000 công nhân đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như thị trường bất động sản đóng băng.
Cả bà Trần Thị Khánh Hiền và ông Nguyễn Hoàng Linh đều không có cái nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, bà Hiền cho rằng thị trường chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế cách đó sáu tháng cho đến một năm.
Điều này có thể một phần lý giải cho việc thị trường chứng khoán trong nước có mức diễn biến không như kỳ vọng vào nửa cuối năm 2022, khi bên cạnh những yếu tố như thanh khoản hay lãi suất thì nhà đầu tư cũng khá quan ngại trước việc kinh tế năm 2023 phải đối diện với nhiều thách thức hơn từ bên ngoài.
Nhìn ở thời điểm này, đại diện VNDirect cho rằng thị trường đã phản ánh phần nhiều câu chuyện của năm 2023 và có thể nhà đầu tư đã bắt đầu nhìn về những điều gì xảy ra đối với nền kinh tế từ giữa năm 2023 cho đến nửa đầu năm 2024.
“Tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2023, thị trường có thể vẫn chưa ghi nhận sự tăng điểm một cách chắc chắn, những tài sản rẻ ở thời điểm này vẫn chưa có sự ổn định tăng trưởng khi lãi suất vẫn cao, thị trường bất động sản hay những vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được biện pháp xử lý một cách rõ ràng”, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết.
Đại diện VNDirect kỳ vọng bức tranh thị trường sẽ tươi sáng hơn khi bước vào nửa sau của năm 2023, khi xuất hiện những thông tin tốt hơn từ thị trường thế giới cũng như trong nước, giải ngân đầu tư công có được những con số tốt hơn.
Về phía đại diện VCBF, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thị trường chứng khoán đã phục hồi khá trong 2 tháng trở lại đây với kỳ vọng đầu tư công được thực hiện một cách hiệu quả sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn, từ đó tạo nên một nền tảng phát triển vững chắc cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Tuy nhiên, đó là tầm nhìn về trung và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, cụ thể là năm nay, thị trường chứng khoán vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn ở trong trạng thái thắt chặt, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn có khả năng tiếp tục sụt giảm trong ít nhất là nửa đầu năm nay”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay.
Nhìn vào mặt tích cực, các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay và có thể bắt đầu giảm lãi suất trong cuối năm, đặc biệt là FED.
Điều này theo ông Linh sẽ tạo nên tâm lý tích cực và giúp cho Ngân hàng Nhà nước linh động hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế. Cùng với đó, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được giải quyết một cách ổn thỏa thì có thể kỳ vọng vào sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.