Bất động sản

Ciputra: Khu đô thị kiểu mẫu có vốn ngoại đầu tiên của Hà Nội

(VNF) - Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi) là một trong những khu đô thị mới đầu tiên đánh dấu sự hợp tác liên doanh giữa nhà đầu tư Indonesia và Việt Nam. Đây cũng là dự án có vốn ngoại và quy mô diện tích lớn nhất miền Bắc vào những năm 90, giờ đây đã trở thành một điểm nhấn về quá trình phát triển đô thị của Hà Nội.

Ciputra: Khu đô thị kiểu mẫu có vốn ngoại đầu tiên của Hà Nội

Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi)

Dấu ấn hợp tác với doanh nghiệp ngoại

Sau Hội nghị đô thị toàn quốc lần thứ nhất diễn ra năm 1990, Việt Nam bắt đầu ra định hướng về đẩy mạnh phát triển đô thị, trong đó tập trung phát triển các khu đô thị chứ không làm dự án nhỏ lẻ. Ngày ấy, Hà Nội đã triển khai rất nhiều dự án dưới 2 hecta và dự án nhỏ, có những dự án hoàn toàn do doanh nghiệp Việt Nam đề xuất nhưng chủ yếu nhằm phục vụ cho người dân ở trong nước. Song các dự án đó không có không gian công cộng, không gian xanh; các phân khu chức năng, quy hoạch hạ tầng đồng bộ vẫn chưa có.

Trước thực tế đó, Hà Nội đặt vấn đề hình thành một khu đô thị mới, ngoài việc huy động lực lượng doanh nghiệp trong nước phải có sự hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài nhưng trong hợp tác phải đặc biệt chú trọng yếu tố giữ được bản sắc, giữ được chủ quyền của các địa phương.

Gắn bó với dự án Ciputra từ lúc sơ khai, ông Hoàng Hùng Quang, Phó tổng giám đốc thứ nhất Ciputra Hanoi, kể lại vào đầu những năm 90, Tập đoàn Ciputra của Indonesia có nhiều chuyến làm việc tại Việt Nam nhằm phát triển quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia. Trong các buổi làm việc, tập đoàn đã đặt vấn đề với UBND TP. Hà Nội về việc muốn khảo sát đầu tư một khu đô thị. Thời điểm đó, Việt Nam chưa có khu đô thị tầm cỡ nào trên vài trăm hecta.

Sau khi làm việc với các ban ngành, Hà Nội đã chọn vị trí làm dự án ở khu vực Nam Thong Long nằm phía Tây Bắc của Thủ đô. Sau nhiều cuộc hội đàm, đoàn lãnh đạo Việt Nam đã đi khảo sát, gặp gỡ đối tác nước ngoài. Từ cuộc khảo sát một số thành phố của Indonesia, Hà Nội bắt đầu có cuộc trao đổi với Tập đoàn Ciputra về thành lập công ty liên doanh.

Ông Quang cho hay lúc đó, Indonesia đầu tư tại Việt Nam rất ít, một phần nữa là chính sách liên quan đến thuế, tài chính còn nhiều bất cập. Do đó, Tập đoàn Ciputra đã dùng pháp nhân của họ tại Singapore để đầu tư vào Việt Nam.

Về đối tác trong nước, TP. Hà Nội giao Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC) là doanh nghiệp đại diện đàm phán với Tập đoàn Ciputra.

Để hoàn thành thủ tục pháp lý, ông Quang cho biết các thế hệ của UDIC trước đây đã liên tục làm việc trực tiếp, đàm phán và chính thức ký biên bản ghi nhớ thành lập liên doanh vào tháng 10 năm 1995. Từ đó, Công ty TNHH MTV Nam Thăng Long ra đời (nay là Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long), một liên doanh giữa UDIC và Tập đoàn Ciputra.

Nói về lý do được giao làm đối tác đàm phán với doanh nghiệp nước ngoài tại dự án Ciputra, Phó tổng giám đốc thứ nhất Ciputra Hanoi chia sẻ UDIC đã có kinh nghiệm về làm khu đô thị và hạ tầng, đồng thời là một trong những công ty đầu ngành của Hà Nội thời điểm đấy.

Sau khi thành lập liên danh, ông Quang cho biết dự án Ciputra được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư số 1792/GP ngày 30/12/1996 với tổng vốn đầu tư là 31.377 tỷ đồng, tương đương hơn 1,96 tỷ USD. Đến ngày 19/12/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1106/TTg giao hơn 320ha đất cho Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội thuê để góp vốn liên doanh trong Công ty TNHH MTV Nam Thăng Long, chiếm tỷ lệ 30% phần vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất trong thời hạn 50 năm kể từ ngày 30/12/1996 và phía nhà đầu tư nước ngoài góp 70% vốn đầu tư.

Với vị trí khu đô thị ngay tại cửa ngõ phía Bắc, dự án được kỳ vọng trở thành điểm dừng đầu tiên từ sân bay quốc tế Nội Bài, là diện mạo tiêu biểu của thành phố chào mừng bạn bè quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, thành phố Hà Nội có chủ trương muốn phát triển khu vực Tây Hồ Tây, trở thành một trung tâm mới của thành phố, để giải tỏa áp lực đô thị nội đô, cũng như tạo thêm nhiều điểm nhấn mới cho thành phố, mở ra các trung thương mại, khu vui chơi giải trí mới.

Sau gần 5 năm kể từ khi quyết định giao đất của Chính phủ ban hành, đến tháng 9/2002, UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra và đến tháng 11/2002, dự án mới chính thức động thổ giai đoạn I.

Hiệu ứng tích cực cho thị trường

Ông Quang chia sẻ trong quá trình bắt đầu xây dựng dự án, công tác giải phóng mặt bằng và xin cấp phép công trình chiếm nhiều công sức và thời gian nhất. Năm 2003, Tập đoàn Ciputra tiếp tục có cuộc gặp gỡ và thảo luận về việc đầu tư dự án với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam khi đó là ông Võ Hồng Phúc. Sau đó, hai bên mới đi đến những thống nhất cơ bản về quá trình hợp tác xây dựng khu đô thị.

Ông chia sẻ thêm vào thời điểm đó, việc một nhà đầu tư ngoại quyết định đầu tư vào khu Nam Thăng Long đặc biệt gây chú ý, dư luận đều băn khoăn khi đất trống ở trung tâm rất nhiều sao lại chọn vùng ven. Nhưng có lẽ, chính điều này lại minh chính cho tầm nhìn xa về tiềm năng phát triển của họ cũng như nhìn thấy hướng phát triển của thành phố Hà Nội.

Sau một phần tư thế kỷ phát triển dự án, ông Hoàng Hùng Quang đánh giá Ciputra là một dự án đặc biệt. Trước hết, đây là dự án thực sự mang lại nhiều tích cực cho thị trường bất động sản Hà Nội. Dự án không chỉ tạo dấu ấn về quan hệ hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của thành phố.

“Khi chúng tôi thành lập dự án cũng là lúc thành phố thành lập quận Tây Hồ năm 1996, cho nên Ciputra giống như tạo nên diện mạo mới cho Tây Hồ ngày ấy”, ông nói và cho biết khi dự án hình thành, toàn bộ hạ tầng các khu đất xung quanh cũng được hưởng kết nối hạ tầng, phát triển đi lên. Nếu không có hạ tầng thì mấy chục năm trước không mấy ai về khu Phú Thượng, Xuân La để mua đất, đó là những yếu tô vô hình đẩy giá trị vùng đất lên.

Cũng theo ông Quang, điều đặc biệt nữa là quy hoạch dự án ngay từ đầu thế nào, nhà đầu tư vẫn giữ nguyên như thế, dù giờ đây đang có sự điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch phân khu của Thủ tướng, song về cơ bản tỷ lệ cây xanh, hồ nước, giao thông, hạ tầng, số lượng dân số vẫn không thay đổi. Đây là điều rất hiếm có đối với một dự án khu đô thị hiện nay. Dự án hiện còn khoảng 100ha đất trống, chủ yếu để quy hoạch nhà ở, phần còn lại là cây xanh, hồ điều hòa, khu thể dục thể thao…

Dưới góc nhìn là đối tác ngoại, ông David Arnsdorff, Giám đốc Ciputra Hanoi chia sẻ: “Chúng tôi là một trong những nhà phát triển đầu tiên tại thị trường bất động sản Việt Nam, kể từ năm 1994 đã dự đoán trước được nhu cầu phát triển khu đô thị mới tích hợp quy mô lớn ở vùng ven đô đang phát triển của Hà Nội. Chúng tôi đã quy hoạch khu đô thị mới tích hợp đầu tiên và lớn nhất, hiện đang được xây dựng tại Hà Nội, với dân số quy hoạch trên 45.000 người và tổng diện tích quy hoạch hiện nay xấp xỉ 301ha”.

Ông David Arnsdorff cho hay dự án Ciputra dự kiến gồm có các khu dân cư với hơn 40 tòa tháp chung cư và hơn 1.000 căn nhà liền kề, khu thương mại có 5 khu phức hợp văn phòng và một khách sạn, khu thương mại bán lẻ có trung tâm mua sắm và tiện ích công cộng có hơn 6 trường học và câu lạc bộ thể thao. Ngoài mục tiêu trở thành chủ đầu tư đầu tiên giới thiệu khái niệm xanh và phong cách sống xanh trong dự án đô thị tại Việt Nam, doanh nghiệp mong muốn phát triển Ciputra Hanoi thành khu đô thị giáo dục mang lại sự thuận tiện cho người dân và khu vực lân cận với các trường học quốc tế ngay trong khu đô thị…

“Trước khi xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Ciputra đã triển khai và thực hiện đầu tư thành công nhiều dự án đô thị, bất động sản. Vì vậy khi bắt tay thực hiện liên doanh với UDIC, chúng tôi đồng hành, gắn kết thống nhất trong gần 3 thập kỷ qua để làm nên một khu đô thị quốc tế Nam Thăng Long thành công hôm nay.

Xuyên suốt quá trình thực hiện một đại dự án không tránh khỏi có lúc thăng trầm bởi các mối tương quan kinh tế và xã hội, song chúng tôi may mắn được kết hợp cùng đối tác tin cậy đã giúp cho dự án Ciputra Hanoi luôn ổn định phát triển bền vững tới nay”, ông nói.

Cũng theo ông David Arnsdorff, hơn 20 năm qua, tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn quý báu từ Chính phủ Việt Nam. “Tôi luôn muốn nhấn mạnh rằng nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ liên quan, UBND, các sở ngành Hà Nội và đối tác liên doanh địa phương thì dự án Ciputra Hanoi sẽ không thể đạt được thành công như hôm nay”, ông nhấn mạnh và cho biết Ciputra Hanoi sẽ tiếp tục hoàn thành các công trình nhà ở theo đúng quy hoạch phê duyệt và cấp phép. Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty đang tiếp kiến Chính phủ Việt Nam đề xuất các cơ hội đầu tư phát triển dự án mới tại Việt Nam.

Đánh giá cao tiềm năng đầu tư phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại và tương lai, ông David Arnsdorff cho rằng Việt Nam vẫn đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cùng với khả năng tiếp thu thành tựu xây dựng phát triển nhanh nhạy, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, nên bộ mặt đô thị Hà Nội và Việt Nam nói chung đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong những năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đà tăng trưởng kinh tế ổn định, thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn kinh tế lớn của các nước phát triển do đó nhu cầu nhà ở chất lượng cao sẽ rất lớn.

Tin mới lên