Cổ phần hóa ì ạch, nhiều 'ông lớn' vẫn xin lùi

Chí Hiếu - 09/07/2019 10:44 (GMT+7)

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm đang rất chậm, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn vẫn viện dẫn khó khăn xin tiếp tục giãn, lùi tiến độ.

VNF
Gần như chắc chắn VNPT không thể cổ phần hóa trong năm nay Ảnh: Chí Hiếu

Ngày 8/7, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đã họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ để đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước và phát triển DN 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Hàng loạt DN lớn vỡ tiến độ cổ phần hóa

Báo cáo của Ban chỉ đạo thừa nhận tiến độ CPH chậm so với kế hoạch đề ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành CPH 127 DN, nhưng đến nay mới CPH 35 DN, đạt 27,5%.

Tương tự, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN cũng chậm so với kế hoạch. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 DN, song đến nay mới thoái vốn tại 88 DN, đạt 21,8% kế hoạch đề ra.

Điều đáng nói là trong bối cảnh tiến độ rất chậm, những khó khăn cũ chưa được giải quyết thì những vướng mắc đã phát sinh do thực hiện theo các quy định mới nên gần như chắc chắn mục tiêu trên sẽ không đạt được trong năm nay, khi nhiều DN lớn cho biết không thể hoàn thành kế hoạch này!

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT), cho biết DN phải CPH trong năm 2019 và thời điểm xác định giá trị DN là 31/12/2018. Tuy nhiên, hiện nay việc sắp xếp nhà đất (4.270 mảnh trên 63 tỉnh, thành) chưa xong (mới thực hiện được 95,8%) nên chưa thể có quyết định phê duyệt CPH. Mà chưa có quyết định này thì chưa thể xác định chi phí CPH để thuê tư vấn.

“Thủ tục thuê tư vấn nhanh cũng phải 9 tháng, tức đáng ra phải làm từ... 2017 hoặc tốt nhất cũng phải 6 tháng trước khi xác định giá trị DN”, ông Hùng nói và cho hay khả quan nhất thì phải đến 31/12/2020 mới xác định giá trị DN, tức là phải sang 2021 mới CPH.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc, cho hay trong năm 2019 tổng công ty này phải CPH 19/22 đơn vị. Các vấn đề công nợ, đất đai đã gần như ổn thỏa khi kết thúc quý 1/2019.

“Thế nhưng, từ tháng 4/2019, Công văn 4544 của Bộ Tài chính quy định phương án sử dụng đất khi CPH DN mở rộng thêm các công ty cấp 1, cấp 2 mà công ty mẹ có cổ phần chi phối khiến chúng tôi phải bổ sung thêm 22 đơn vị với 248 mảnh đất thuộc 25 địa phương. Cho nên, đến 31/12/2019 chúng tôi chưa chắc là có hoàn thành được việc sắp xếp đất đai hay không”, bà Tâm than thở.

Tương tự, quy định mới về đất đai như trên cũng khiến việc thoái vốn tại 19 đơn vị trong năm 2019 của ngành lương thực gặp khó. “Nếu đến cuối năm mà không kịp cả CPH lẫn thoái vốn thì chúng tôi sẽ chính thức báo cáo lên trên để xin gia hạn”, bà Tâm nói thêm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Tuyết Dương, thành viên HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho rằng trường hợp khả quan nhất, nếu trong tháng 7 này Agribank ban hành được quyết định CPH thì việc CPH cũng không thể xong trong năm 2019.

Có mặt tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm: “Nếu sắp xếp đất đai xong trong tháng 7 thì cuối năm 2019 mới xác định được giá trị DN và tới tháng 3/2021 Agribank mới CPH”.

Tương tự, Tổng công ty xi măng VN, Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà đô thị (HUD)... tiếp tục là những cái tên được Ban Chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ CPH.

“Không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm”

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, CPH, thoái vốn đạt kết quả tích cực nếu so với cả giai đoạn 2011 - 2015 khi cả nước CPH được 162 DN, với quy mô vốn lên đến 205.000 tỷ đồng, bằng 108% 5 năm trước đó. Tổng thu từ CPH, thoái vốn cũng gấp 2,8 lần khi mang về hơn 218.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng sốt ruột với tiến độ nửa đầu năm 2019.

Chia sẻ với các khó khăn khách quan như bắt đầu đụng đến DN lớn, có tài chính và đất đai phức tạp, trải dài cũng như một số chính sách mới quy định theo hướng chặt chẽ hơn, nhưng Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Vẫn còn có tình trạng không dám làm, hỏi đi hỏi lại, đùn đẩy trách nhiệm"!

Minh họa cho thực tế này, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), nói: “Có nhiều đề án tái cơ cấu DN chúng tôi đã trình bộ chủ quản, đã cơ bản thẩm định rồi thì đúng lúc chuyển về Ủy ban Quản lý vốn, lại phải trình lại, thẩm định lại từ đầu. Rồi ủy ban phải có văn bản đi hỏi khắp nơi, mà hỏi đi rồi hỏi lại”, ông Thanh nói và không quên cảnh báo rằng nếu không hoàn tất thoái vốn một số đơn vị sớm thì nguy cơ nhà nước sẽ mất vốn do bị cổ đông chiến lược chiếm quyền kiểm soát.

Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban quản lý vốn tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, đẩy nhanh CPH các DN quy mô lớn thuộc các tập đoàn, tổng công ty.

Các tập đoàn, tổng công rà soát các vấn đề liên quan tái cơ cấu, sản xuất kinh doanh, chuẩn bị tài liệu để trong quý III Chính phủ sẽ làm việc với 19 DN lớn, mời đại diện các bộ, ngành cùng tham gia nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

Ngoài ra, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu chuẩn bị 2 cuộc họp toàn quốc để giải quyết các khó khăn liên quan đến sắp xếp đất đai, định giá tài sản khi CPH.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác