Cổ phần hóa PV Power: Cơ hội lớn để tư nhân thâm nhập sâu vào ngành điện

Kình Dương - 22/12/2017 08:07 (GMT+7)

(VNF) - Việc loại bỏ dần độc quyền của EVN trong khâu phát điện và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia là cơ hội lớn, và sở hữu cổ phần PV Power là cách nhanh nhất để các nhà đầu tư tư nhân xâm nhập sâu vào ngành điện.

VNF
"Bom tấn" IPO PV Power sẽ chính thức "nổ" vào đầu năm 2018

Đầu năm 2018, "bom tấn" IPO Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ chính thức "nổ". Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ giữ 51% cổ phần PV Power, 20% cổ phần bán đấu giá công khai, 28,882% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, còn lại 0,118% cổ phần bán ưu đãi cho người lao động.

Giá khởi điểm phiên IPO là 14.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá với PV Power là trên 33.700 tỷ đồng.

PV Power kinh doanh ra sao?

Là doanh nghiệp "sừng sỏ" ngành điện nên doanh thu của PV Power chủ yếu vẫn là đến từ hoạt động bán điện (năm 2016, doanh thu bán điện chiếm trên 96% doanh thu thuần). Lượng điện sản xuất của PV Power chủ yếu đến từ nhiệt điện và chỉ một phần nhỏ đến từ thủy điện. Sản lượng điện sản xuất hàng năm phần lớn vẫn được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hợp đồng mua bán điện.

Giá bán điện phụ thuộc tương đối nhiều vào chi phí nhiên liệu đầu vào (nhiên liệu khí đối với các nhà máy nhiệt điện khí và nhiên liệu than đối với các nhà máy nhiệt điện than).

Như vậy, doanh thu từ bán điện của PV Power chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hai yếu tố là sản lượng điện bán và giá nhiên liệu.

Hiện PV Power đang vận hành 7 nhà máy điện, chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam – nơi có nhu cầu điện rất cao và thường xuyên bị quá tải, bao gồm các nhà máy: Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nậm Cắt, Hủa Na, ĐakĐrinh và Vũng Áng 1. Trong đó, xét riêng năm 2016, sản lượng điện của nhà máy Cà Mau 1&2 là lớn nhất, xếp sau là Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 1 và Vũng Áng 1 – nhà máy mới PV Power với tiếp nhận và vận hành năm 2016.

Giá trị và cơ cấu doanh thu hợp nhất của PV Power 4 năm trở lại đây

Năm 2016, PV Power bắt đầu ghi nhận doanh thu bán điện từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 nên doanh thu tăng mạnh hơn 4.980 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do tăng trưởng từ doanh thu bán điện.

Giá trị và cơ cấu lợi nhuận gộp của PV Power 4 năm trở lại đây

Năm 2016, lợi nhuận gộp của PV Power giảm xuống còn 3.783 tỷ đồng (tương đương với mức giảm 27,65% so với năm 2015). Lợi nhuận gộp năm 2016 giảm do Nhà máy điện Vũng Áng 1 trong giai đoạn đầu vận hành còn chưa ổn định dẫn đến lỗ trong năm 2016 hơn 800 tỷ, đồng thời năm 2016 PV Power không có khoản doanh thu hồi tố 1.044 tỷ đồng như 2015.

6 tháng 2017, lợi nhuận gộp PV Power đạt 2.237 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016 chủ yếu do sự đóng góp từ hoạt động bán điện.

Khó khăn và thuận lợi

PV Power hiện có công suất lắp đặt 4.208,2MW, bằng khoảng 11% công suất lắp đặt cả nước; lũy kế sản lượng điện ổn định khoảng 20 tỷ kWh/năm, bằng gần 12% sản lượng toàn ngành. Với thị phần trên, PV Power được coi là đối trọng duy nhất với các tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) của EVN. Đây là vị thế, cũng là lợi thế lớn của PV Power.

Biểu đồ thị phần phát điện tại Việt Nam

Nhiên liệu chính dùng trong sản xuất điện của PV Power là khí khô và than. Thuận lợi lớn của PV Power đó là nguồn khí cho sản xuất do các đơn vị trong PVN cung cấp khá gần với nhà máy. Ngoài ra, PV Power cũng có PV Power Coal thực hiện cung cấp than cho các nhà máy điện than của PV Power.

Về nguyên liệu khí, nhiên liệu chính cho các nhà máy điện khí của PV Power, bao gồm Điện Cà Mau, Điện Nhơn Trạch 1, Điện Nhơn Trạch 2 là khí thiên nhiên, được cung cấp bởi PVGas thông qua hệ thống đường ống kéo dài từ mỏ khí ngoài biển đến nhà máy chế biến, sơ chế khi trước khi đến trực tiếp nhà máy và được sử dụng tại đây.

Dù vậy, PV Power vẫn gặp những khó khăn với nguồn khí. Phía PV Power cho biết, thời gian vừa qua, tổng công ty này đã gặp phải một số khó khăn do nguồn khí thường xuyên bị gián đoạn, hụt áp làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của 2 nhà máy điện Cà Mau. Năm 2014, đã xảy ra 34 sự cố, 234 lần giảm áp do áp suất khí giảm. Năm 2015 xảy ra 43 sự cố khí, 368 lần giảm áp do áp suất khí giảm.

PV Power cho biết thêm, trong thời gian tới, nguồn khí của Nhà máy Cà Mau 1&2 có thể gặp khó khăn hơn nữa do phải tìm kiếm thêm nguồn cung cấp mới.

Về nguyên liệu than, than cho Nhà máy điện Vũng Áng 1 tiêu thụ khoảng 3,2 triệu tấn/năm, được lấy từ các mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả (80%), Vàng Danh (20%) tại tỉnh Quảng Ninh, được vận chuyển bằng đường biển đến cảng nhập than của nhà máy. Ngoài ra, than còn được nhập thêm bằng đường bộ.

Đánh giá về nguồn cung than, PV Power cho rằng trong tương lai, các nhà máy nhiệt điện than của PV Power sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt than và giá than sẽ dao động theo giá thị trường nhiên liệu sơ cấp.

Những khó khăn về nguyên vật liệu của PV Power kể trên cho thấy một khó khăn chung: PV Power phụ thuộc nguồn cung nguyên, nhiên liệu từ 2 nhà cung cấp chính gồm PV Gas và Vinacomin. Nhưng không chỉ phụ thuộc vào nguồn cung, PV Power còn phụ thuộc vào cường độ huy động điện của EVN, bởi EVN hiện nắm toàn bộ đầu ra ngành điện.

Một khó khăn đặc thù khác, nhưng mang tính tạm thời là việc Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 mới vào giai đoạn vận hành nên chưa ổn định, gặp nhiều sự cố, đặc biệt là hệ thống bốc dỡ nhiên liệu than. Thêm vào đó, điều kiện thời tiết khu vực Vũng Áng rất khắc nghiệt, ảnh hưởng đến việc bốc, hút than tại cảng nhà máy.

Tái cơ cấu ngành điện: Cơ hội cho PV Power

Ngành Điện Việt Nam là một trong những ngành then chốt, hấp dẫn đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày một tăng cao và kỳ vọng tiếp tục phát triển (bình quân 10,6%/năm giai đoạn 2016 - 2030).

Mặc dù triển vọng tăng trưởng toàn ngành là khá hấp dẫn, tuy nhiên, sức hấp dẫn lớn nhất lại nằm ở tiến trình tái cơ cấu ngành điện. Như đã trình bày ở trên, PV Power được xem là đơn vị duy nhất có thể cạnh tranh được với các tổng công ty phát điện của EVN. Việc loại bỏ dần độc quyền của EVN trong khâu phát điện và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia là cơ hội lớn, và sở hữu cổ phần PV Power là cách nhanh nhất để các nhà đầu tư tư nhân thâm nhập sâu vào ngành điện.

Theo lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) đang được triển khai thí điểm (2016 – 2018) và sẽ hoàn chỉnh từ 2019 – 2021. Ở giai đoạn này, thị trường điện bắt đầu hình thành các đơn vị bán buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán điện. Khách hàng lớn và các công ty phân phối được quyền mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường hoặc từ các đơn vị bán buôn.

Các đơn vị bán buôn điện cạnh tranh mua điện từ các đơn vị phát điện (như PV Power) và cạnh tranh bán điện cho các đơn vị phân phối và khách hàng lớn. Thường thì các đơn vị bán buôn điện cạnh tranh ưa các đơn vị phát điện lớn nên PV Power càng có nhiều lợi thế và vì thế, càng hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Ở cấp độ 3 - thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (thí điểm từ 2021-2023; hoàn chỉnh từ sau 2023), sự cạnh tranh diễn ra ở cả 3 khâu: phát điện, bán buôn và bán lẻ điện. Khách hàng trên cả nước được lựa chọn đơn vị bán điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc mua điện trực tiếp từ thị trường. Các đơn vị bán lẻ điện cũng cạnh tranh mua điện từ các đơn vị bán buôn, các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện. Nếu PV Power tận dụng được tốt cấp độ 2 thì ở cấp độ 3, cơ hội gia tăng thị phần càng lớn.

Phía PV Power cho biết, trong thời gian tới, PV Power có kế hoạch đầu tư 9 dự án điện khí với tổng công suất lắp đặt 6.750 MW, dự kiến đi vào vận hành từ 2021 đến 2025. Việc đầu tư nếu hiệu quả sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng tốt cho PV Power sau giai đoạn 2025 – giai đoạn ngành điện đang triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.