Cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán một thời giảm 750.000 đồng sau 3 tháng

Mai Anh - 09/11/2023 11:07 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ sau 3 tháng, cổ phiếu XDC của Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Tân Cảng - "cựu" quán quân thị giá trên sàn chứng khoán Việt - đã "bốc hơi" gần 739.800 đồng/cp sau vài phiên giảm sàn biên độ 40%.

VNF

Thị trường chứng khoán phiên 8/11 bất ngờ tăng tới hơn 33 điểm, thị trường ngập tràn sắc xanh tím, khiến nhiều nhà đầu tư nức lòng.

Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng có sự khởi sắc trong phiên này. Sau 34 phiên không có giao dịch, cổ phiếu XDC của Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Tân Cảng giảm sàn, biên độ được nới lên mức 40% khiến XDC mất hơn 170.000 đồng/cp chỉ trong một phiên giao dịch. Giá cổ phiếu XDC kết phiên 8/11 rơi về mốc 260.100 đồng/cp, thanh khoản chỉ 200 cổ phiếu được khớp lệnh.

Theo quy định hiện hành, đối với cổ phiếu không có giao dịch trên 25 phiên giao dịch liên tiếp, trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại, biên độ dao động giá được áp dụng là ± 40% so với giá tham chiếu.

XDC từng là mã cổ phiếu nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư. Bởi chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 4-6), cổ phiếu XDC đã có tới 28 phiên tăng trần. Điều này đã khiến cho giá cổ phiếu này tăng phi mã từ 15.700 đồng/cổ phiếu trong ngày 24/4/2023 lên tới 999.900 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 29/6/2023. Điều này tương ứng với việc mã XDC tăng phi mã tới 63,7 lần chỉ trong thời gian vỏn vẹn 2 tháng, vượt qua cả kỷ lục của VNZ từng đạt được.

Nhiều người từng so sánh XDC với mã VNZ của CTCP VNG bởi cả hai đều từng tăng giá phi mã khi bắt đầu lên sàn UPCoM. Cổ phiếu VNZ từng tăng giá từ 240.000 đồng/cổ phiếu lên chạm đỉnh 1.358.700 đồng/cổ phiếu chỉ trong 2 tuần đầu giao dịch trên sàn UPCoM.

Nhưng giá cổ phiếu XDC tăng vọt không tương xứng với khối lượng giao dịch. Trong giai đoạn này, mỗi phiên, khối lượng giao dịch cổ phiếu XDC chỉ vài trăm đến dưới 2.000 cổ phiếu, thậm chí có những phiên không phát sinh giao dịch.

Đến giữa tháng 7, XDC đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo do chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Sau 29 phiên không có giao dịch tính từ ngày 30/6 đến 9/8, trong phiên giao dịch sáng 10/8, cổ phiếu XDC đã bất ngờ giảm sàn tới 39,99% so với phiên trước, từ mức gần 1 triệu đồng/cổ phiếu rơi xuống còn 600.000 đồng. Thanh khoản cũng khá èo uột chỉ với 100 đơn vị khớp lệnh trong phiên này.

Như vậy, trong vòng 3 tháng trở lại đây, thị giá XDC đã "bốc hơi" 739.800 đồng. Đây là mức giảm lớn nhất (xét trên giá trị tuyệt đối) trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng, XDC là một dạng cổ phiếu không có thanh khoản, “hàng” ngoài đại chúng gần như không có. Việc giá tăng giảm khó kiểm soát, chỉ cần cổ đông “đảo tay” vài trăm cổ phần là cổ phiếu tăng trần. Một số cổ phiếu được đẩy giá lên để giúp vốn hóa doanh nghiệp tăng, qua đó thuận lợi trong việc thế chấp vay vốn.

Cổ phiếu XDC được Công ty CP Xây dựng Công trình Tân Cảng giao dịch trên sàn UPCOM bắt đầu từ ngày 1/12/2022 với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 8.200 cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty này là 90 tỷ đồng, tương ứng với 9 triệu cổ phần.

Tổng quan về tình hình kinh doanh của Xây dựng Công trình Tân Cảng, trong 4 năm gần nhất, giai đoạn 2019-2022, doanh nghiệp này đều đang đi lùi cả về quy mô doanh thu lẫn lợi nhuận. Doanh thu thuần sụt giảm từ 523 tỷ trong năm 2019 xuống chỉ còn 279,8 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm dần theo từng năm, chỉ còn 7,6 tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua.

So sánh với kế hoạch đặt ra cho năm 2022 thì Xây dựng Công trình Tân Cảng mới chỉ hoàn thành được 65,7% mục tiêu doanh thu cùng 76,7% kế hoạch lợi nhuận năm, bất chấp mục tiêu này đã được cắt giảm hơn so với năm 2021.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.