Hòa Phát: Con trai Chủ tịch Trần Đình Long chi nghìn tỷ mua 42 triệu cổ phiếu từ bố mẹ

Anh Phan - 08/11/2023 20:36 (GMT+7)

(VNF) - Ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) Trần Đình Long, vừa có thông báo hoàn tất giao dịch mua hơn 42 triệu cổ phiếu HPG từ bố mẹ mình.

VNF
Hòa Phát (HPG): Con trai Chủ tịch Trần Đình Long chi nghìn tỷ mua 42 triệu cổ phiếu từ bố mẹ.

HPG vừa công bố loạt kết quả giao dịch giữa các thành viên nội bộ của tập đoàn với khối lượng giao dịch lên đến 42,890 triệu đơn vị.

Cụ thể, ông Trần Vũ Minh – con trai Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long và là giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong, đã mua hơn 42 triệu cổ phiếu từ bố mẹ mình.

Các giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trong đó, ông Minh đã mua 16,32 triệu cổ phiếu từ ông Trần Đình Long vào ngày 1/11 và 26,57 triệu cổ phiếu mua từ bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) vào ngày 6/11.

Vào ngày 1/11, giá cổ phiếu HPG giao dịch trong vùng giá 23.950 đồng/cổ phiếu, tương ứng giao dịch giữa tỷ phú Trần Đình Long và con trai sẽ rơi vào khoảng gần 391 tỷ đồng và ngày 6/11, HPG giao dịch ở vùng giá 25.750 đồng/cổ phiếu, tương ứng giao dịch giữa bà Hiền và con trai có giá trị khoảng 684 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính theo đúng thị giá vào các phiên diễn ra giao dịch, ước tính, con trai ông Trần Đình Long đã phải chi ra khoảng 1.075 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua vào lượng lớn cổ phiếu trên.

Trước giao dịch, ông Minh đang sở hữu 90,74 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ 1,56% vốn điều lệ doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất giao dịch, ông Minh đã tăng sở hữu lên mức 133,63 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,3% vốn điều lệ công ty.

Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của ông Trần Đình Long và vợ tại HPG bị giảm xuống lần lượt còn 25,8% vốn (tương đương 1,5 tỷ cổ phiếu) và 6,9% (tương đương 400 triệu cổ phiếu).

Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận ròng của HPG trong quý III/2023 đạt 2 nghìn tỷ đồng (tăng 38% so với quý trước) cho thấy sự phục hồi đáng kể từ khoản lỗ 1,8 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022. Sự phục hồi của lợi nhuận ròng được thúc đẩy nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận ròng của HPG đạt 3,83 nghìn tỷ đồng (giảm 63,3% so với cùng kỳ) - hoàn thành 48% kế hoạch năm 2023.

Trong quý III/2023, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC và phôi thép của HPG tăng 11,3% so với quý trước, đạt 1,71 triệu tấn (đi ngang so với cùng kỳ), tương đương với 80% công suất hoạt động.

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 17,4% so với quý trước đạt 921 nghìn tấn (giảm 14,6% so với cùng kỳ), trong đó, tháng 9 là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Công ty cũng đã bán được 766 nghìn tấn HRC trong quý III/2023, tăng 25,5% so với cùng kỳ và 4,5% so với quý trước, nhờ kênh xuất khẩu cải thiện đáng kể với tỷ trọng 56,5% tổng sản lượng tiêu thụ HRC trong quý là xuất khẩu so với mức 47% trong quý II/2023 (và 0% trong quý III/2022).

Biên lợi nhuận được cải thiện nhờ công suất hoạt động cao hơn và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Biên lợi nhuận gộp của HPG trong quý III/2023 cải thiện lên 12,6% từ 2,9% trong quý III/2022 và 10,8% trong quý II/2023 nhờ: sản lượng tiêu thụ cải thiện 11,3% so với quý trước và giá than cốc giảm hơn 20% so với quý trước.

Trong năm 2023, Công ty chứng khoán SSI hạ ước tính lợi nhuận ròng cho HPG từ 7,03 nghìn tỷ đồng xuống 5,95 nghìn tỷ đồng (giảm 29,9% so với cùng kỳ) do giá than luyện kim tăng vọt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên,  SSI kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 có thể phục hồi mạnh mẽ 81% so với mức nền thấp trong năm 2023 - đạt 10,78 nghìn tỷ đồng, nhờ: nhu cầu phục hồi đặc biệt trong nửa cuối năm sau và giá thép ổn định nhờ tương quan cung-cầu khu vực thuận lợi hơn trong bối cảnh sản lượng thép Trung Quốc có xu hướng sụt giảm gần đây và biên lợi nhuận của các nhà máy thép ở cả Trung Quốc và Việt Nam đều về mức khá thấp.

Cùng chuyên mục
Tin khác