Cổ phiếu đắt nhất sàn HoSE tăng trần sau tin chia cổ tức, ai hưởng lợi nhất?
(VNF) - Cổ phiếu VCF trong phiên 26/8 đã ghi nhận mức tăng kịch trần lên 233.200 đồng/cổ phiếu sau khi thông báo về việc chia cổ tức.
VCF tăng kịch trần
Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 26/8, cổ phiếu VCF của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa (HoSE: VCF) đã bứt phá mạnh mẽ, tăng kịch trần và đóng cửa ở mức 233.200 đồng/cổ phiếu. Đây là một trong những cổ phiếu có giá trị cao nhất trên sàn HoSE, khi liên tục duy trì ở mức giá quanh 200.000 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, thị giá của VCF đã tăng khoảng 26%.
Đặc biệt, vào cuối tháng 3/2024, VCF đã có một đợt tăng mạnh mẽ với chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 3 phiên tăng trần từ ngày 25/3 đến 29/3. Thị giá của VCF chỉ trong một tuần đã tăng thêm 26%, từ 190.000 đồng lên 240.000 đồng/cổ phiếu. Sau cú bứt phá này, VCF có vài phiên điều chỉnh, nhưng vẫn duy trì ở vùng giá từ 210.000 đến 225.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù giá cổ phiếu tăng mạnh, thanh khoản của VCF lại không cao do cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Hiện tại, 98,79% vốn của hãng cà phê này được sở hữu bởi Công ty TNHH MTV Masan Beverage, một công ty con của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN).
Với hơn 26,2 triệu cổ phiếu VCF, Masan nắm phần lớn cổ phần, trong khi 320.000 cổ phiếu còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ. Dù VCF tăng kịch trần trong phiên 26/8, khối lượng giao dịch chỉ đạt 2.400 đơn vị.
Các nhà phân tích nhận định, đà tăng giá của VCF trong phiên này đến từ thông báo chia cổ tức bằng tiền mặt vào cuối tuần trước. Theo đó, VCF sẽ chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 250%, tương đương 25.000 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 6/9 và ngày thanh toán sẽ vào 20/9/2024.
Thông báo này đánh dấu sự trở lại của VCF trong việc chia cổ tức, sau khi không tiến hành phân phối lợi nhuận trong năm 2022. VCF vốn là doanh nghiệp có truyền thống chia cổ tức đều đặn và ở mức cao trên sàn. Trong giai đoạn 2017-2021, VCF liên tục chia cổ tức với tỷ lệ từ 240-250%, đặc biệt là 660% trong năm 2018.
Thương vụ thâu tóm VCF
Với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối, Masan sẽ nhận về gần 447 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức lần này. Đây không phải là lần đầu tiên Masan hưởng lợi từ cổ tức của VCF.
Masan đã bắt đầu chiến lược thâu tóm VCF từ năm 2010, trước khi công ty này niêm yết trên sàn. Bằng việc mua lại cổ phần từ các cổ đông lớn như VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, và Vietnam Holding, Masan đã đạt tỷ lệ sở hữu 20% tại VCF.
Sau đó, thông qua Masan Consumer, Masan đã chào mua công khai 13,32 triệu cổ phiếu VCF từ 12/9/2011 đến 11/10/2011, tương đương 50,11% vốn điều lệ, với ước tính chi phí hơn 1.000 tỷ đồng. Đến tháng 2/2018, Masan tiếp tục mua thêm gần 8 triệu cổ phiếu VCF, với ước tính chi phí khoảng 1.600 tỷ đồng theo thị giá lúc đó.
Sau khi về tay Masan, doanh thu của VCF đã duy trì xu hướng tăng trưởng, từ 2.115 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2012 lên đến mức đỉnh 3.435 tỷ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận của VCF có phần biến động, dao động từ 260 đến 637 tỷ đồng, đạt đỉnh vào năm 2018.
Sau năm 2018, doanh thu VCF có xu hướng giảm, nhưng lợi nhuận lại khả quan hơn khi đạt đỉnh mới 721 tỷ đồng vào năm 2020.
Trong năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của VCF đều hồi phục so với năm 2022, lần lượt tăng 6,6% và 41%, đạt hơn 2.352 tỷ đồng doanh thu và gần 450 tỷ đồng lợi nhuận. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VCF tiếp tục tăng trưởng doanh thu với mức 1.062 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 4%, đạt gần 187 tỷ đồng do chi phí tăng cao.
Cổ phiếu PTX tăng 'sốc' 3.000%: Ai hưởng lợi?
- Cổ phiếu bất động sản 'đồng khởi': Chuẩn bị đón sóng mới đổ về 24/08/2024 02:15
- PNJ: Lợi nhuận suy giảm liên tục, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử 24/08/2024 07:15
- Chủ tịch An Phát Holdings muốn thoái sạch vốn, cổ phiếu APH bị bán tháo 23/08/2024 08:01
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.