Tài chính

Cổ phiếu giảm giá: Đằng sau cơ hội là... cái bẫy?

Mua vào khi giá của một cổ phiếu đã giảm xuống mức thấp nhất đã tạo thành trước đây, hoặc thấp hơn các đối thủ cạnh tranh là một trong những chiến lược phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư này chỉ có thể đúng với tùy từng cổ phiếu.

Thực tế, tính hấp dẫn của trường phái đầu tư này là ở khả năng tạo ra những biến động lớn tới giá cổ phiếu trong một thời gian rất ngắn, thu hút dòng tiền nhanh và mạnh. Tuy nhiên, giá cả chỉ phản ánh một cách tương đối giá trị thật của cổ phiếu, nếu chỉ đánh giá dựa vào yếu tố này mà không đi sâu phân tích giá trị thực của chúng, các nhà đầu tư rất dễ bị rơi vào bẫy.

Cơ hội một lần

Gọi đây là chiến lược phổ biến là bởi cũng đã có không ít nhà đầu tư gặt hái được “trái ngọt” sau những lần mạnh dạn xuống tiền.

Hồi tháng 11/2019, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một xu hướng tiêu cực với áp lực bán đến từ cả khối ngoại và tự doanh của các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhiều cổ phiếu vẫn đạt được mức tăng ấn tượng, đặc biệt cổ phiếu VRC của Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC đã gây sự chú ý của giới đầu tư với nhịp tăng gần 55%, trở thành một trong những mã tăng mạnh nhất thị trường.

“Con sóng VRC" đã mang lại lợi suất đáng mơ ước cho nhiều nhà đầu tư khi đã mua đúng nhịp tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung không có quá nhiều cơ hội.

Trong đầu tư cổ phiếu, một số khoản đầu tư có thể giống như việc mua một chiếc xe hơi cũ. (Ảnh minh họa: Internet)

Trước khi đạt được mức tăng này, trong 8 tháng đầu năm 2019, VRC nằm trong xu hướng giảm giá từ mức hơn 18.000 đồng/cổ phiếu về đáy thấp nhất 14.000 đồng/cổ phiếu, cùng với đó là thanh khoản cũng cạn dần với khối lượng giao dịch chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

Trong giai đoạn này, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã: SHS) đã đẩy mạnh gom vào và hoàn tất giao dịch vào đầu tháng 9/2019 với gần 1,8 triệu cổ phiếu được mua thành công, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 10,66% và trở thành cổ đông lớn nhất.

Như vậy, lượng cổ phiếu VRC mới của SHS đã được mua tại đúng vùng đáy trước khi mã này "dậy sóng". Tính đến phiên giao dịch giữa tháng 12/2019, tức là sau khoảng 2 tháng, VRC ghi nhận mức giá 23.700 đồng/cổ phiếu. Giả sử mức giá trung bình mà SHS mua vào là 14.850 đồng/cổ phiếu thì với gần 1,8 triệu đơn vị, công ty chứng khoán này đã thu về khoản lãi hơn gần 16 tỷ đồng.

Rõ ràng, SHS đã trở thành nhà đầu tư rất thành công tại thời điểm đó. Không chỉ đối với các nhà đầu tư tổ chức như SHS, phương thức mua vào khi giá cổ phiếu giảm sâu cũng được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn.

Có thể kể đến như, tháng 3/2020 là thời điểm thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn nhất do tác động của dịch Covid-19, các chỉ số thị trường liên tiếp chứng kiến những phiên giảm sâu kỷ lục, nhưng số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân lại tăng vọt 75% so với tháng 2 và 225% so với tháng 1.

Hậu quả dài lâu

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, việc các nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu có khả năng mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn nhưng cơ hội chỉ đến một lần. Bởi lẽ, giá cả chỉ phản ánh một cách tương đối giá trị thật của cổ phiếu.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, nếu chỉ đánh giá dựa vào yếu tố giá mà không đi sâu phân tích giá trị thực của chúng thì các nhà đầu tư rất dễ bị rới vào “bẫy”.

Quay trở lại với diễn biến cổ phiếu VRC, có thể thấy ngay sau khi mang về khoản lãi đậm cho SHS, mã này đã ngay lập tức ghi nhận 21 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 19 phiên giảm sàn và tiếp tục giao dịch trồi sụt tăng trần, giảm sàn những phiên sau đó xuống còn 4.330 đồng/cổ phiếu (phiên 31/3), giảm gần 71% so với giá mua của SHS.

Hiện, VRC hồi phục lên vùng giá hơn 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thanh khoản đã sụt giảm khá nhiều so với thời điểm thăng hoa hồi cuối năm 2019. Đáng chú ý, giai đoạn cổ phiếu VRC lao dốc cũng chính là thời điểm mà công ty công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận sụt giảm tới 91% so với năm trước và dòng tiền âm.

Một ví dụ minh họa khác về việc giá cổ phiếu giảm có thể là một cái bẫy là trường hợp của mã ASM (Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai) hồi năm 2018. Nhiều nhà đầu tư đã được khuyến nghị mua ASM tại thời điểm đầu năm bởi doanh nghiệp liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, P/E lại chỉ ở quanh mức 3 lần.

Tuy nhiên, sau đó khoảng 2 tháng, P/E của ASM chỉ còn 1,8 lần và giá cổ phiếu đã giảm tới 40%, thấp hơn nhiều so với giá được khuyến nghị mua trước đó. Nếu theo chiến lược mua vào khi giá xuống thì đây là mức giá đã hấp dẫn hơn nhiều. Thế nhưng, nhiều khuyến nghị lại cho rằng không nên mua vào, bởi có nhiều câu hỏi xung quanh những khoản lợi nhuận của Tập đoàn Sao Mai.

Nhìn chung, chiến lược mua cổ phiếu khi giá đã giảm sâu cũng giống như câu chuyện mua một chiếc xe hơi. Người mua đến showroom ô tô tìm được xe ưng ý nhưng không đủ tiền, và ở đó có một chiếc xe cũ cùng loại với giá bán chỉ bằng một nửa, có người sẽ cho rằng đây là một món hời và quyết định mua.

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn sử dụng “món hời” này, nhiều vấn đề đã xảy ra: chiếc xe phải mang đi sửa, thợ sửa xe thông báo rằng chiếc xe trước đó đã bị ngập nước quá nặng, ước tính số tiền bỏ ra để sửa chữa toàn bộ cùng số tiền mua đã vượt qua giá trị của một chiếc xe mới.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp trông bề ngoài có thể thấy rất ổn và giá cổ phiếu rẻ, nhưng tiềm ẩn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Tin mới lên