Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/4): PHR, SCS và KDH

(VNF) - Động lực tăng trưởng lợi nhuận quý I của PHR nằm ở khoản tiền đền bù đất khu công nghiệp VSIP 3, trị giá 289 tỷ đồng. Yuanta cho rằng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhận phần tiền đền bù còn lại trong các quý tới với gần 610 tỷ đồng...

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/4): PHR, SCS và KDH

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/4): PHR, SCS và KDH

Yuanta: Khuyến nghị mua PHR với giá mục tiêu 95.910 đồng/cổ phiếu

Năm 2021, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) ghi nhận doanh thu 1.942 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước (trong đó, riêng doanh thu công ty mẹ đạt 591 tỷ đồng, tăng 14%), lợi nhuận sau thuế đạt 542 tỷ đồng, giảm 50% cùng kỳ, hoàn thành 117% kế hoạch doanh thu cho công ty mẹ và 142% kế hoạch lợi nhuận hợp nhất.

Mới đây, PHR công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý I/2022, trong đó doanh thu thuần ở mức 303 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, cao gấp 11 lần cùng kỳ. Khoản lợi nhuận tăng đột biến nhờ tiền đền bù đất khu công nghiệp VSIP 3 với 289 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) kỳ vọng PHR sẽ nhận phần tiền đền bù còn lại cho khu công nghiệp VSIP 3 là 609 tỷ đồng trong các quý tới. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cho rằng mảng cao su của PHR tiếp tục tích cực trong 2022 nhờ giá cao su vẫn ở mức cao và trong xu hướng tăng giá.

Ngoài ra, các khu công nghiệp hiện tại của PHR như khu công nghiệp Tân Lập và khu công nghiệp Hội Nghĩa tại Bình Dương, địa phương thu hút mạnh nguồn vốn FDI, được kỳ vọng sẽ đóng góp doanh thu từ năm 2023. Hiện tại các khu công nghiệp ở Bình Dương có tỷ lệ lắp đầy trung bình khoảng 90%.

Yuanta cho biết, ở mức giá đóng cửa hiện tại, PHR đang được giao dịch tại mức P/E trong 12 tháng là 23 lần (tương ứng EPS là 3.511 đồng). Mức stock rating của PHR đang ở 86 điểm cho thấy xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu là tích cực.

Đồ thị giá của PHR đóng cửa tăng 7% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.

Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của PHR cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

ACBS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SCS

Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) kết thúc năm 2021 với doanh thu 839,1 tỷ đồng (tăng 21,1% so với năm trước); tổng sản lượng hàng hóa đạt 227.940 tấn, cước phí bình quân ASP tăng 12,6% trong năm, chủ yếu là nhờ vào quý IV với các hợp đồng được gia hạn.

Theo đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh hàng hóa tăng 22,6% so với cùng kỳ và đóng góp 94,6% vào tổng doanh thu của SCS trong năm 2021. Mảng kinh doanh văn phòng cho thuê vẫn ổn định với mức tăng trưởng doanh thu 1,3% cùng kỳ và mảng cho thuê sân đậu tăng 1,2% cùng kỳ lên 1,2 tỷ đồng (vẫn thấp năm 2019 - thời điểm trước Covid-19 là 7,4 tỷ đồng).

Mặc dù phí hàng hóa cao hơn, tỷ suất lợi nhuận gộp của SCS trong năm 2021 vẫn ổn định ở mức 77,7% (so với 77,6% vào năm 2020) do doanh thu thấp do mảng cho thuê sân đậu tạo ra và chi phí nhân công cao hơn, do phát sinh từ các biện pháp phòng chống dịch như test định kỳ cho nhân viên.

Kết quả là SCS đã báo cáo lợi nhuận ròng là 529 tỷ đồng, tăng trưởng 22,9% so với năm 2020.

Năm 2022, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự phóng cước phí bình quân của SCS sẽ tăng thêm 3,5% so với cùng kỳ, do việc gia hạn hợp đồng có hiệu lực từ quý quý IV/2021.

ACBS tin rằng lượng hàng hóa hàng không sẽ tăng trong năm 2022 nhằm lắp đầy hàng tồn kho bị thiếu hụt sau đại dịch. Khi các chuyến bay thương mại quốc tế hoạt động lại vào đầu năm 2022, lượng hàng hóa chở theo trong khoang hành lý cũng sẽ tăng.

Tính đến hết quý I/2022, lượng hàng hóa quốc tế của SCS tăng mạnh 40,8% cùng kỳ năm ngoái, đây sẽ là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của SCS trong thời gian tới. Tuy nhiên, lượng hàng hóa nội địa giảm 34,6% cùng kỳ, do đó ACBS dự phóng tổng sản lượng hàng hóa qua cảng SCS sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2022, đạt 243.884 tấn, thấp hơn 3,1% so với dự phóng trước đây.

Với triển vọng không đổi đối với các mảng hoạt động khác, ACBS kỳ vọng SCS sẽ tạo ra 931,8 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022 (tăng 11% cùng kỳ) và 591,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng (tăng trưởng 11,8%), tăng lần lượt 8,1% và 6,2% so với các dự phóng trước đây nhờ vào kỳ vọng ASP cao hơn.

ACBS duy trì phương pháp định giá DCF với mức giá mục tiêu 201.400 đồng/cổ phiếu cho năm 2022, cao hơn 13,7% thị giá hiện nay, cùng với khuyến nghị mua. Công ty chứng khoán này đánh giá cao triển vọng cổ phiếu SCS do doanh nghiệp không có nợ vay và có vị thế vững chắc trong lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không tại TP.HCM.

ACBS cũng đánh giá cao SCS với lượng tiền và tương đương tiền cao, sẵn sàng cho mở rộng công suất nhằm đáp ứng lượng hàng hóa hàng không ngày càng tăng cao và có thể tham gia vào dự án sân bay Long Thành khi cần thiết.

MASVN: Khuyến nghị mua cổ phiếu KDH, triển vọng tăng giá 22,1%

Năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) báo cáo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 3.700 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ) và 1.200 tỷ đồng (tăng 4%), lần lượt hoàn thành 78% và 100% kế hoạch của công ty.

Chốt ba tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 3.738 tỷ đồng và 1.202 tỷ đồng, lần lượt giảm 17,5% và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với phần lớn doanh thu và lợi nhuận đến từ việc bàn giao 1.300 căn hộ dự án Lovera Vista.

Trong kỳ, KDH hoàn tất mua lại Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Nguyên Thư với giá trị 419 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua rẻ 198 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhìn nhận, ngoài các dự án hiện hữu, dự kiến trong năm KDH tập trung vào phát triển 3 dự án, bao gồm Classia TP. Thủ Đức, quy mô 4,3ha, 180 căn nhà phố và biệt thự, dự kiến mở bán trong quý III; dự án Privia quận Bình Tân, quy mô 1,8ha với gần 1.000 căn hộ, dự kiến mở bán trong quý III và dự án Clarita TP. Thủ Đức, quy mô 5,8ha, có 160 căn nhà phố và biệt thự.

MASVN ước tính 3 dự án trên sẽ giúp KDH ghi nhận doanh thu khoảng 4.400 tỷ đồng, phần lớn rơi vào năm 2023. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn từ Lovera Vista, Safira và Verosa ước tính ghi nhận khoảng 500 tỷ đồng doanh thu trong 2022.

Tính đến cuối năm 2021, KDH cũng sở hữu quỹ đất rộng lớn khác tại khu vực phía Nam, với giá trị hàng tồn kho là 3.564 tỷ đồng ở khu trung tâm dân cư Tân Tạo, quận Bình Tân, quy mô 350ha; 495 tỷ đồng ở khu dân cư Bình Hưng 11A, huyện Bình Chánh với quy mô 16,4ha...

Tuy hạn chế về thông tin phát triển dự án, MASVN vẫn đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của các quỹ đất hiện tại khi KDH là một trong số ít những nhà phát triển bất động sản sở hữu quỹ đất với quy mô lớn tại khu vực phía Nam.

Vì thế, công ty chứng khoán này khuyến nghị mức giá mục tiêu 60.200 đồng/cổ phiếu cho cổ phiếu KDH, tương ứng mức sinh lời 22,1% dựa trên phương pháp so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tin mới lên