Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (2/2): PLX, ACB và VHM

Hải Đường - 02/02/2023 07:47 (GMT+7)

(VNF) - Với mạng lưới phân phối và kho chứa lớn nhất cả nước, VCSC cho rằng PLX sẽ được hưởng lợi từ mức tăng trưởng nhu cầu xăng dầu kỳ vọng trong dài hạn của Việt Nam là 4,1%/năm trong giai đoạn 2022-2027 (theo Chính phủ), gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (2/2): PLX, ACB và VHM

PLX: VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường với giá mục tiêu 38.400 đồng/cổ phiếu

Gần đây, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP. Bộ Tài chính đã thống nhất với phương án 3 cho phép các nhà phân phối xăng dầu tự định giá bán lẻ xăng dầu và bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Đồng thời, chu kỳ điều chỉnh giá sẽ giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày để phản ánh chính xác hơn diễn biến giá dầu thế giới.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc phê duyệt cơ chế giá mới sẽ cần thêm thời gian, nhưng sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX).

Nguồn cung nhiên liệu vẫn chưa chắc chắn vào năm 2023. Theo PLX, việc nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSR) ngừng hoạt động kỹ thuật trong 15 ngày vào tháng 1/2023 đã không có tác động đáng kể đến công ty. Tuy nhiên, loại trừ mọi khả năng xảy ra khó khăn tài chính tương tự như năm 2022 vào năm 2023, NSR dự kiến sẽ trải qua 55 ngày bảo dưỡng lớn (bắt đầu từ ngày 25/08/2023) so với kỳ vọng trước đây của VCSC là chỉ 10 ngày.

Do cả NSR và BSR sẽ tiến hành bảo dưỡng lớn trong quý II-III/2023, VCSC cho rằng hoạt động tìm nguồn cung ứng của PLX sẽ gặp khó khăn đồng thời có khả năng ảnh hưởng nguồn cung nhiên liệu của Việt Nam.

VCSC duy trì giả định lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu trong giai đoạn 2023-2027 vì các đợt điều chỉnh thành phần giá cơ sở (premium & chi phí vận chuyển định mức) trong quý IV/2022 gần như bù đắp được premium và chi phí thực tế của PLX, theo công ty. VCSC cho rằng điều này là nhờ thị phần vượt trội và quy mô lớn của PLX mang lại cho PLX lợi thế cạnh tranh về chi phí so với các công ty cùng ngành.

VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 sẽ tăng gấp đôi, đạt 3,3 nghìn tỷ đồng nhờ lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu tăng 8% và sản lượng bán hàng trong nước tích cực đạt 10,4 triệu m3 (đi ngang so với mức tăng trưởng bất thường 24% trong năm 2022). VCSC cũng dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2024 sẽ quay về mức trước dịch Covid-19.

Với mạng lưới phân phối và kho chứa lớn nhất cả nước, VCSC cho rằng PLX sẽ được hưởng lợi từ mức tăng trưởng nhu cầu xăng dầu kỳ vọng trong dài hạn của Việt Nam là 4,1%/năm trong giai đoạn 2022-2027 (theo Chính phủ), gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

VCSC cho rằng PLX có định giá hợp lý với P/E dự phóng năm 2023 là 16,6 lần, nâng giá mục tiêu thêm 35% lên 38.400 đồng/cổ phiếu nhưng điều chỉnh hạ khuyến nghị từ khả quan xuống phù hợp thị trường cho PLX do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 40% trong 2 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu do VCSC điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2024 thêm khoảng 30% khi nâng dự báo sản lượng bán hàng trong nước của PLX thêm khoảng 8%. VCSC cho rằng PLX hưởng lợi từ việc giành được thị phần từ các công ty yếu hơn thông qua sản lượng bán hàng cao hơn.

VHM: Yuanta khuyến nghi mua với giá mục tiêu 50.900 đồng/cổ phiếu

Doanh thu trong quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Vinhomé (HoSE: VHM) đạt 31,2 nghìn tỷ đồng (tăng 75% so với quý trước, tăng 100% so với cùng kỳ), nhờ đẩy nhanh tiến độ bàn giao tại dự án The Empire.

Ra mắt vào cuối tháng 4, dự án này chiếm 71% tổng doanh thu quý IV/2022 của VHM. Do không có doanh số bán hàng loạt được ghi nhận vào doanh thu tài chính trong quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022 là 9 nghìn tỷ đồng (giảm 39% so với quý trước, tăng 224% so với cùng kỳ).

Doanh thu trong năm 2022 là 62,4 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 29 nghìn tỷ đồng (giảm  26% so với cùng kỳ). Nhìn chung, VHM đã hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu cả năm (75 nghìn tỷ đồng) và 97% kế hoạch lợi nhuận sau thuế (30 nghìn tỷ đồng).

VHM đã bán được 1.098 căn hộ trong quý IV/2022 (giảm 93% so với quý trước/giảm 94 so với cùng kỳ), với giá trị hợp đồng là 18 nghìn tỷ đồng (tăng 2% so với quý trước, giảm 53% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ doanh số bán hàng tại The Crown.

Giá trị hợp đồng đặt trước vào cuối năm 2022 là 107,6 nghìn tỷ đồng (giảm 14% so với quý trước / tăng 105 so với cùng kỳ). Trong năm 2022, VHM bán được 30,9 nghìn căn hộ (giảm 21% so với cùng kỳ), trong đó 68% là giao dịch bán sỉ và 32% là bán lẻ.

Giá trị hợp đồng đạt 128,1 nghìn tỷ đồng (tăng 62% so với cùng kỳ), trong đó 84 nghìn tỷ đồng là giao dịch bán lẻ và 48 nghìn tỷ đồng là giao dịch bán sỉ. Do đó, VHM đã vượt mục tiêu giá trị hợp đồng cả năm là 120 nghìn tỷ đồng.

VHM cho biết 70% giá trị hợp đồng bán trước trong tổng số 107,6 nghìn tỷ đồng có thể được ghi nhận vào doanh thu trong năm 2023, vì các hợp đồng này chủ yếu là các căn hộ thấp tầng. VHM cũng có kế hoạch khởi động ba đại dự án khác (Vũ Yên, Cổ Loa và Golden Avenue) trong năm 2023, tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Các dự án này đang trong quá trình hoàn thiện để được phê duyệt hoàn toàn lần lượt vào quý I/2023, quý II/2023 và quý III/2023. Do đó, ban lãnh đạo dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ giảm nhẹ nhưng cũng cho rằng lợi nhuận có thể tăng nếu doanh thu bán trước được cải thiện.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết hoạt động bán trước năm 2023 của VHM sẽ tập trung vào các căn hộ thấp tầng. Tổng giá trị phát triển còn lại tại 5 siêu dự án đang triển khai (Ocean Park, The Empire, The Crown, Smart City và Grand Park) là khoảng 60 nghìn tỷ đồng, trong đó các căn hộ thấp tầng tại The Empire và The Crown chiếm phần lớn trong tổng giá trị.

VHM kỳ vọng những nút thắt liên quan đến vấn đề thanh khoản vốn sẽ được giải quyết. VHM kỳ vọng doanh số thị trường sẽ phục hồi sau khi các vấn đề này được khắc phục và ban lãnh đạo tin rằng thanh khoản thị trường sẽ dần phục hồi trong thời gian tới khi các nhà hoạch định chính sách giải quyết các vấn đề liên quan và khi Ngân hàng Nhà nước công bố định hướng tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các ngân hàng trong năm 2023.

Theo Yuanta, thanh khoản không phải là một vấn đề đáng lo ngại đối với VHM. Ban lãnh đạo VHM cho biết các ngân hàng vẫn sẵn lòng cung cấp các khoản vay vốn cho VHM và doanh nghiệp cũng đang làm việc với các ngân hàng nước ngoài để duy trì nguồn vốn đa dạng.

Ngoài ra, VHM cho biết trong năm nay doanh nghiệp không phải đối mặt với áp lực chi trả tiền mua quyền sử dụng đất cho các dự án mới để ổn định hoạt động hoặc đảm bảo doanh thu cho năm 2023 như nhiều công ty cùng ngành.

VMI đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhưng chưa tạo ra động lực lớn cho hoạt động kinh doanh hiện tại của VHM. Vì VMI là một sản phẩm thử nghiệm, VHM chưa kỳ vọng đạt được số lượng lớn giao dịch từ nền tảng này và VMI chỉ bán được 294 căn hộ trong quý IV/2022. Mặc dù ban lãnh đạo cho rằng những tiến triển ban đầu là đáng khích lệ, nhưng VMI không phải là mảng mà VHM kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể kết quả kinh doanh của VHM trong giai đoạn này).

Yuanta khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM với giá mục tiêu 50.900 đồng/cổ phiếu.

ACB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 27.958 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý IV/2022 đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (giảm 20% so với quý trước/tăng 18% so với cùng kỳ). Tăng trích lập dự phòng là nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV giảm so với quý trước. PATMI năm 2022 đạt 13,7 nghìn tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ thu nhập lãi ròng tăng và giảm trích lập dự phòng.

Tăng trưởng tín dụng đạt 14,3% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 9,0% so với cùng kỳ.

Thu nhập lãi ròng quý IV/2022 đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với quý trước/tăng 35% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi ròng năm 2022 là 23,5 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ). Tỷ lệ NIM trên tài sản bình quân năm 2022 là 4,14% (tăng 25 điểm cơ bản so với cùng kỳ) theo tính toán của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Thu nhập phí ròng quý IV/2022 là 927 tỷ đồng (tăng 7% so với quý trước/tăng 24% so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng năm 2022 là 3,5 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ).

Thu nhập khác quý IV/2022 là 141 tỷ đồng (tăng 14% so với quý trước/tăng 103% so với cùng kỳ). Mặc dù không công bố chi tiết, nhưng dựa trên kết quả trong nửa đầu năm 2022, Yuanta cho rằng thu nhập khác này chủ yếu là khoản xử lý nợ xấu. Tính cho cả năm, thu nhập khác đạt 990 tỷ đồng (tăng 610% so với cùng kỳ) trong năm 2022.

Chi phí hoạt động quý IV/2022 tăng tăng 61% so với quý trước và tăng 68% so với cùng kỳ đạt 4,1 nghìn tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động là 11,6 nghìn tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ) trong năm 2022. Chi phí tăng mạnh do tăng chi tiêu cho các khoản lương thưởng nhân viên và đầu tư chuyển đổi số. Do đó, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) điều chỉnh của ACB tăng tăng 7 điểm phần trăm và đạt 42% trong năm 2022.

Trích lập dự phòng quý IV/2022 là 251 tỷ đồng (tăng 177% so với quý trước/giảm 52% so với cùng kỳ). Trong năm 2022, mức trích lập dự phòng của ACB chỉ 71 tỷ đồng (giảm 98% so với cùng kỳ), đây là động lực giúp thúc đẩy tăng lợi nhuận năm 2022 của ACB.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 159% (tăng 21 điểm phần trăm so với quý trước/giảm 50 điểm phần trăm so với cùng kỳ) trong quý IV/2022. Tỷ lệ nợ xấu quý IV/2022 của ACB là 0,74% (giảm 27 điểm cơ bản so với quý trước/giảm 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ).

Tỷ lệ CASA giảm còn 22,3% tại thời điểm cuối quý IV/2022 (giảm 1,8 điểm phần trăm so với quý trước/giảm 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ).

ACB không có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, điều này giúp ngân hàng tránh được rủi ro từ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Chất lượng tài sản vững chắc, tỷ lệ nợ xấu của ACB tương đối thấp ở mức 0,74%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 159% trong quý IV/2022.

Tỷ lệ CASA ở mức tương đối cao nhưng đang trong xu hướng giảm. Yuanta cho rằng các ngân hàng khác cũng sẽ chịu những ảnh hưởng tương tự do thanh khoản bị siết chặt và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng cao.

ACB đang giao dịch tương ứng với P/B 2023 là 1,2 lần. ACB có kết quả kinh doanh vượt trội với ROE năm 2023 là 24% so với trung vị ngành là 18% và chất lượng tài sản tốt hơn so với ngành. Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với ACB.

Cùng chuyên mục
Tin khác