(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 23/8, bao gồm FPT, FMC và DPM.
BSC: Khuyến nghị khả quan dành cho FPT
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) tiếp tục duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu giữa năm 2022 là 107.000 đồng/đơn vị, tương ứng tiềm năng tăng giá là 15,3% so với giá đóng cửa ngày 17/8, dựa trên hai phương pháp định giá là FCFE và PE với tỷ trọng là 60%/40%.
BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của FPT lần lượt ước đạt 36.140 tỷ đồng và 5.323 tỷ đồng, tăng 21,2% và 20,4% so với kết quả năm ngoái. Tương ứng, EPS dự phóng năm 2021 là 5.049 đồng, P/E dự phóng 2021 là 18,5 lần.
Sang năm 2022, BSC tiếp tục dự báo kết quả kinh doanh lạc quan dành cho FPT, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước đạt 42.086 tỷ đồng (tăng 17%) và 6.324 tỷ đồng (tăng 20%). EPS dự phóng năm 2022 là 6.103 đồng, P/E dự phóng là 15,4 lần.
BSC nhận định, nhóm doanh nghiệp công nghệ đầu ngành đang đứng trước cơ hội chuyển đổi số, qua đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kỳ vọng duy trì mức trên 20% trong 3 năm tới.
Dù vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của các doanh nghiệp này, bao gồm FPT. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trong ngành công nghệ cũng trở nên gay gắt hơn.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 7 tháng, FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này trong 7 tháng qua đạt 19.002 tỷ đồng và 3.428 tỷ đồng, tăng 19,1% và 19,8% so với cùng kỳ, tương đương 103% và 104% kế hoạch.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) đạt gần 110 triệu USD (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2021 tăng 22% lên 113 tỷ đồng.
PHS cho biết, hiện nay, tiêu thụ tôm tại thị trường EU chiếm 29% trong tỷ trọng xuất khẩu của FMC.
Hiệp định EVFTA đưa mức thuế xuất khẩu tôm về 0% hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi thế cho FMC mở rộng xuất khẩu sang EU. Nhằm nắm bắt cơ hội từ EVFTA, FMC đã mở rộng vùng nuôi và có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mới.
Năm 2020, FMC đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm tại khu đất kế bên khu nuôi tôm TaNa Farm tại Sóc Trăng, có diện tích hơn 81 hecta.
Bước sang năm 2021, FMC xây dựng 2 nhà máy chế biến tại Sóc Trăng với tổng công suất 20.000 tấn/năm, tương đương 100% công suất chế biến năm 2019, với mức đầu tư 400 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, và hoạt động 100% công suất vào năm 2025.
Gia tăng tỷ lệ tự chủ nguồn tôm nguyên liệu sẽ góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của FMC.
FMC đặt kế hoạch tiếp tục mở rộng, từng bước nâng cao mức độ tự chủ về nguyên liệu. Đến năm 2021, FMC phấn đấu đạt tỷ lệ 30%. Trong khi, các đối thủ chính có tỷ lệ tự chủ thấp hơn FMC.
Hơn nữa, do quỹ đất phát triển vùng nuôi tôm không còn nhiều, nên việc mở rộng vùng nuôi gia tăng tỷ lệ tự chủ sẽ là thách thức của các doanh nghiệp chế biến tôm lớn trong tương lai.
Do tác động của dịch Covid-19 đến sản xuất, PHS điều chỉnh giảm ước tính kết quả kinh doanh của FMC với doanh thu đạt 4.486 tỷ đồng (tăng 1,9% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng (giảm 2,5%).
Do lãi suất phi rủi ro giảm, công ty chứng khoán này điều chỉnh giảm WACC từ 9,7% trong báo cáo trước còn 8,9%.
Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS nâng mức giá hợp lý cho cổ phiếu FMC lên 46.400 đồng/cổ phiếu (tăng 8% so với giá hiện tại). Do đó đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu này.
Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho DPM
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) báo cáo doanh thu thuần tăng 26% lên 4.876 tỷ đồng; lãi sau thuế hơn 872 tỷ đồng, gấp đôi cùng giai đoạn năm trước.
Với kết quả này, doanh nghiệp đã vượt gần 140% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đại diện DPM thông tin, hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận trong quý II đến từ giá bán mặt hàng phân bón cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, việc điều chỉnh các bút toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng làm tăng lợi nhuận ghi nhận trong kỳ báo cáo.
Yuanta nhận định, không chỉ DPM, trên thị trường, mức Sector Rating của nhóm hóa chất ở mức 80 điểm, trong đó điểm cơ bản tiếp tục cải thiện nhờ vào kết quả kinh doanh quý II/2021 tích cực.
Đồng thời, mức sức mạnh giá đạt mức 92 điểm cho thấy đà tăng giá bền vững trong ngắn và trung hạn.
Thời gian tới, việc đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án hạ tầng sẽ là động lực tăng trưởng mới cho nhóm hóa chất. Mặt khác, nguồn cung hóa chất dự báo tiếp tục giảm dần trong dài hạn khi Trung Quốc giảm công suất sản xuất hóa chất.
Công ty chứng khoán này cũng dự báo, giá phân bón sẽ tăng cao từ nguyên liệu đầu vào, nhưng tồn kho dự báo có thể tăng cao vào quý IV/2021 do yếu tố mùa vụ sẽ khiến nhóm phân bón hạ nhiệt đà tăng trưởng.
Đồ thị giá của nhóm hóa chất đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình 20 phiên. Xu hướng ngắn và trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng, đặc biệt rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Chính vì vậy, Yuantan cho rằng các nhà đầu tư có thể duy trì mua và nắm giữ đối với cổ phiếu của nhóm hóa chất.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.