(VNF) - Chứng khoán Tiên Phong cho biết, TCB là ngân hàng có nền tảng hoạt động tốt và khả năng sinh lời cao, thuộc top trong ngành. Với lợi thế cạnh tranh ở phân khúc khách hàng thu nhập cao, lĩnh vực bất động sản và thanh toán, TCB là cơ hội đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng chậm lại do tác động việc siết chặt tín dụng cho vay thị trường bất động sản.
Theo báo cáo tài chính quý II của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), tổng thu nhập hoạt động ghi nhận 11.036 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 7.321 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 11.494 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động tín dụng của TCB đã chậm lại, khi thu nhập lãi thuần quý II đạt 7.749 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng của quý II/2021 là 67,4%. Tính chung nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt 15.905 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ và thấp hơn mức tăng 56% của 6 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chậm hơn, cuối quý II đạt 7,6% so với đầu năm, trong khi cuối quý II/2021 là 12,6% do dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm. Trong quý, biên lãi ròng (NIM) duy trì khi lợi suất sinh lời tài sản và chi phí lãi vẫn duy trì so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm cuối quý II, tỷ lệ CASA ghi nhận 42,6% tương đương cùng kỳ, nhưng thấp hơn cuối năm 2021 là 45,6%.
Điểm sáng là thu nhập ngoài lãi tăng khá mạnh. Trong quý II, doanh thu từ hoạt động dịch vụ, mua bán ngoại tệ và phân phối trái phiếu ghi nhận 2.425 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4.428 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ.
Nhìn chung thu nhập ngoài lãi tăng nhờ sự đóng góp chính từ hoạt động bảo hiểm, thẻ, thanh toán, giao dịch ngoại tệ. Ở chiều ngược lại, dịch vụ ngân hàng đầu tư liên quan đến hoạt động tư vấn trái phiếu bị sụt giảm.
Tình hình nợ xấu tại TCB được kiểm soát tốt, chi phí trích lập dự phòng giảm, tỷ lệ nợ xấu duy trì mức thấp 0,6%, dự nợ tái cơ cấu giảm (giảm 73,6% so với thời điểm cuối 2021).
Về triển vọng, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của TCB sẽ thấp hơn so với năm trước, với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 13% trong năm; NIM suy giảm nhẹ; hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh 30%; tỷ lệ CIR duy trì mức 30%; trích lập dự phòng giảm với việc kiểm soát nợ xấu hiệu quả.
TPS dự phóng tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng năm 2022 đạt 42.307 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 22.072 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ.
Vẫn theo TPS, TCB là ngân hàng có nền tảng hoạt động tốt và khả năng sinh lời cao, thuộc top trong ngành. Với lợi thế cạnh tranh ở phân khúc khách hàng thu nhập cao, lĩnh vực bất động sản và thanh toán, ngân hàng là cơ hội đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng chậm lại do tác động việc siết chặt tín dụng cho vay thị trường bất động sản.
Sử dụng phương pháp P/B và P/E, TPS ước tính giá mục tiêu trong 12 tháng tới cho cổ phiếu TCB ở mức 53.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 37% so với giá đóng cửa phiên 24/8.
MASVN: Khuyến nghị tăng tỷ trọng cho cổ phiếu BWE
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (HoSE: BWE) đang giữ vị thế độc quyền trong cung cấp nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. BWE hiện sở hữu 9 nhà máy nước với tổng công suất thiết kế cấp gần 800.000m3/ngày đêm.
Hiện BWE đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng truyền tải nước để khai thác được tối đa công suất tăng thêm của các nhà máy. Tỷ lệ thất thoát nước (NRW) tiếp tục duy trì quanh ngưỡng 5%. NRW liên tục cải thiện và duy trì ở mức thấp trong thời gian qua đã giúp cho biên lợi nhuận gộp của BWE tăng mạnh, từ đó đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Becamex IDC (HoSE: BCM) đang là cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu 19,4% tại BWE. Nhờ vậy doanh nghiệp đã trở thành đơn vị cung cấp và xử lý nước chính cho các dự án khu công nghiệp và khu dân cư của BCM tại Bình Dương.
BWE đã hoàn thành nâng cấp xong các dự án trong thời gian qua, bao gồm nâng cấp công suất nhà máy nước Uyên Hưng lên 59.500m3/ngày đêm; tăng mạnh công suất trạm bơm Đất Cuốc lên 70.000m3/ngày đêm; hoàn thành mở rộng hạ tầng cấp nước tại khu vực huyện Bắc Tân Uyên 4; vận hành tuyến ống chính D1000-1600 kết nối với nhà máy Tân Hiệp để khai thác được tối đa được công suất tăng thêm 100.000m3/ngày đêm của nhà máy này.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đang xem xét ban hành quy định giá bán nước trong giai đoạn 2023-2027 để thay thế cho Quyết định 04/2018/QĐ-UBND. MASVN cũng thận trọng kỳ vọng rằng giá bán nước theo quy định mới sắp tới sẽ duy trì được mức tăng 3%/năm.
Từ đó, MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng cho BWE với giá mục tiêu là 55.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 14% thị giá hiện nay, bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE.
MASVN kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của BWE sẽ lần lượt đạt 3.581 tỷ đồng (tăng 14,8% so với cùng kỳ) và 824 tỷ đồng (tăng 10% cùng kỳ) nhờ vào các yếu tố như sự tăng trưởng ổn định từ doanh thu; đẩy mạnh mở rộng hệ thống đường ống sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; chi phí lãi vay và chi phí khấu hao bào mòn biên lợi nhuận; mảng xử lý rác, nước thải sẽ cải thiện tích cực hơn trong nửa cuối 2022 với mức nền thấp.
VND: Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PHR
Trong quý II, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) ghi nhận doanh thu giảm một nửa so với cùng kỳ do mảng cao su và gỗ giảm mạnh. Đây là hệ quả kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách “zero-Covid” và các biện pháp hạn chế xuất khẩu, đã ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng tiêu thụ cao su của PHR.
Bên cạnh đó, không có khoản thu nhập bất thường nào từ đền bù đất được ghi nhận trong quý II do chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, khiến lợi nhuận ròng giảm 32,6% so với cùng kỳ.
Tổng kết nửa đầu năm 2022, doanh thu của PHR giảm 20% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng vẫn tăng mạnh 108,5% nhờ thu nhập khác đột biến trong quý I, lần lượt hoàn thành 28% và 29% dự phóng cả năm của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND).
Trong báo cáo mới đây, VND giảm dự phóng doanh thu năm 2022-2023 của PHR xuống 6,5% và 6,3% so với dự phóng trước đó, do lo ngại về xu hướng giảm sản lượng tiêu thụ cao su lẫn giá bán bình quân khi mà Trung Quốc kéo dài chính sách “zero-Covid”.
VND cũng điều chỉnh lợi nhuận ròng 2022 giảm 15% so với dự phóng trước đó, xuống 1.040 tỷ đồng do giảm khoản thu nhập bất thường từ đền bù đất dự án VSIP III xuống 691 tỷ đồng. Ngược lại, tăng lợi nhuận ròng 2023 lên 16,7% so với dự phóng trước đó nhờ khoản đền bù còn lại của dự án VSIP III được chuyển sang 2023.
Mặc dù giá cao su tự nhiên đã đạt đỉnh vào tháng 3/2022, VND duy trì quan điểm tích cực đối với hoạt động kinh doanh cao su của PHR, được hỗ trợ bởi các yếu tố như xuất khẩu có thể phục hồi mạnh mẽ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách “zero-Covid”; các vườn cao su mới tại Campuchia sẽ đảm bảo sản lượng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2022-24.
Đối với mảng khu công nghiệp, VND nhận thấy tốc độ chuyển đổi đất sang đất công nghiệp sẽ chậm lại trong vài quý tới. VND kỳ vọng PHR sẽ ghi nhận thu nhập bất thường khoảng 691 tỷ đồng trong 2022 và 207 tỷ đồng trong năm 2023. Dự kiến khu công nghiệp Tân Lập 1 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024. VND dự phóng tăng trưởng kép lợi nhuận ròng 2022-2024 đạt mức 14,7%.
VND hạ giá mục tiêu của PHR xuống 78.100đồng/cổ phiếu, do giảm dự phóng EPS 2022 và tăng tỷ lệ chiết khấu RNAV để phản ánh sự chậm trễ trong phê duyệt pháp lý chuyển đổi khu công nghiệp.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.