'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Kết thúc quý I, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) ghi nhận doanh thu 2.022 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 194 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ đẩy mạnh mở rộng quy mô đội tàu và nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu... đã phục hồi rõ rệt trở lại.
Cả năm 2022, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng kết quả kinh doanh của PVT sẽ cải thiện mạnh mẽ với doanh thu đạt 9.308 tỷ đồng (tăng 25% cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 856 tỷ đồng (tăng gần 30%). BVSC giả định sản lượng và giá cước trong năm sẽ bật tăng nhờ nhu cầu tiếp tục phục hồi đối với mặt hàng dầu thô, dầu sản phẩm, hóa chất, LPG... trong bối cảnh PVT tiếp tục mở rộng số lượng tàu thành viên.
Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng PVT dự tính đầu tư tài sản cố định hơn 140 triệu USD (hơn 3.270 tỷ đồng), trong đó dùng 30 triệu USD để mua 1 tàu Aframax 105.000 DWT; 57 triệu USD để mua 3 tàu hóa chất Handysize và mua thêm 2 tàu hàng rời là Suezmax (39 triệu USD) và Handysize (14 triệu USD). Như vậy nếu hoàn thành kế hoạch, đến cuối năm 2022, đội tàu của PVT sẽ tăng từ 35 tàu lên mức 41 tàu
BVSC cũng giả định giá cước neo theo đà tăng của giá dầu và cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến cung tàu ở một số phân khúc trở nên khan hiếm và quãng đường vận chuyển xa hơn. PVT được kỳ vọng nâng cao biên lợi nhuận nhờ một số tàu thuê trần với giá rẻ và chi phí thuyền viên (liên quan đến dịch bệnh) giảm đáng kể khi trở lại trạng thái bình thường mới. Đồng thời khoản lợi nhuận 100 tỷ đồng từ việc thanh lý tàu Athena cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022.
Năm nay, PVT có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.236 tỷ đồng lên 3.560 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Giai đoạn từ 2023-2026, BVSC kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục trả cổ tức bằng tiền mặt 1.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10%.
Hiện BVSC khuyến nghị khả quan dành cho PVT với mức giá mục tiêu 12 tháng là 29.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức lợi suất 51,6%. Hiện tại, PVT đang được giao dịch với P/E dự phóng 2022 là 7,15 lần, là mức định giá hấp dẫn đối với vị thế một doanh nghiệp vận tải dầu khí đầu ngành.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất và nhu cầu sử dụng dược phẩm đã dần khôi phục sau đại dịch giúp cho tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) đạt những kết quả tương đối tốt. Theo đó, IMP chứng kiến doanh thu tăng 4% so với cùng kỳ lên 421 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 11% lên 84,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nhu cầu khám chữa bệnh chưa thể phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, doanh thu kênh ETC của IMP giảm 39% cùng kỳ, xuống còn 71 tỷ đồng, đóng góp gần 17% vào tổng doanh thu; còn lại vẫn phụ thuộc vào doanh thu kênh OTC với 350 tỷ đồng, đóng góp 83%.
Lũy kế 4 tháng, biên lợi nhuận gộp của IMP đạt 44,4%, cao hơn đáng kể mức 38,5% cùng kỳ, nhờ hoạt động sản xuất được giữ liên tục, không phải thực hiện “3 tại chỗ” như trong năm 2021. Cùng với đó, chính sách dự trữ nguyên vật liệu nhờ nguồn vốn vay 8 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chiến lược cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao của IMP.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, IMP là một trong số 3 doanh nghiệp có giá trị trúng thầu cao nhất trong mảng kháng sinh ở nhóm 2 nhờ các nhà máy và dây chuyền kháng sinh mới đạt chuẩn EU-GMP đi vào hoạt động.
Nhà máy IMP4 là nhà máy được đầu tư lớn nhất với vốn đầu tư 470 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành xét duyệt trong năm 2022, sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho doanh thu thuốc ETC, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc nhóm 1, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh của IMP trước sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của thuốc ngoại vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, IMP cũng nâng cao lợi thế cạnh tranh so với đối thủ nhờ các sản phẩm có giá thầu rẻ.
Điểm sáng khác là IMP đã chủ động kiểm soát nguyên vật liệu nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt do dịch Covid-19. IMP chỉ nhập khoảng 25% giá trị nguyên liệu từ Trung Quốc và ngoài ra, doanh nghiệp có chính sách dự trữ nguyên liệu sản xuất và thời gian dữ trữ nguyên liệu hợp lý từ 3-6 tháng, do đó tạo ra sức đề kháng cao trước biến động nguồn nguyên liệu, góp phần giảm thiểu rủi ro và ổn định biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, do nhu cầu thuốc ETC chưa phục hồi như kỳ vọng trong 4 tháng đầu năm, PHS điều chỉnh giảm doanh thu của IMP năm 2022 còn 1.515 tỷ đồng (tăng 20% cùng kỳ), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng (tăng 22%). Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS cũng điều chỉnh giảm mức giá hợp lý cho cổ phiếu IMP còn 70.200 đồng/cổ phiếu (vẫn cao hơn 13,4% so với giá hiện tại). Từ đó, đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì khuyến nghị mua và tăng giá mục tiêu thêm 2,3% lên 49.100 đồng/cổ phiếu dành cho VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Động thái này phản ánh tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023 bù đắp cho dự phóng lợi nhuận sau thuế thấp hơn 2,1% trong giai đoạn 2022 -2026 so với dự báo trước đây, đồng thời điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 2 lần xuống 1,95 lần.
VCSC cũng tăng dự phóng thu nhập ròng năm 2022 thêm 34,9% so với dự báo trước đó lên 21.800 tỷ đồng phí hỗ trợ bancasurrance cao hơn dự kiến được ghi nhận trong quý I/2022, chi phí hoạt động kinh doanh (OPEX) giảm 13,9% và giảm 1,1% trong giả định chi phí dự phòng.
Theo VCSC, VPB sẽ có một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trong số các ngân hàng trong danh mục theo dõi của đơn vị này, tương tự như MBB. Thông qua việc mua lại tiền thân của Chứng khoán VPBank và OPES, các nhà phân tích tin rằng VPB sẽ mở rộng hệ sinh thái của ngân hàng và tạo ra nhiều cơ hội bán chéo để gia tăng NFI.
Tuy nhiên, VCSC cũng lưu ý rằng các công ty con này khó có khả năng tạo ra lợi nhuận đáng kể trong tương lai gần khi vẫn đang trong giai đoạn đầu được triển khai.
Năm 2022, VPB công bố kết quả kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ toàn diện. Ngoài kế hoạch lợi nhuận trước thuế 29.660 tỷ đồng (tăng 107% so với thực hiện 2021), ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 35%, động lực chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ bao gồm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của ngân hàng mẹ.
CAR quý I đạt 15,3% và đạt tăng trưởng tín dụng hơn 8,6% trong quý. Được biết, hiện nay tổng số khách hàng VPB (cả ngân hàng mẹ và các công ty con) đã cán mốc gần 20 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ qua kênh số hóa trong quý I đạt 90%, tăng 13% so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong quý I, mảng cho vay tiêu dùng bước đầu hồi phục và đóng góp vào kết quả kinh doanh chung, ước tính FE Credit đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng dương so với cuối năm 2021 và đóng góp 6% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB.
FE Credit có cơ sở vững vàng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt từ 5.000-6.000 tỷ đồng trong năm 2022 bên cạnh việc ghi nhận các khoản hoàn nhập dự phòng trong năm 2021 khi các khoản nợ của người đi vay dần được cải thiện trong điều kiện nền kinh tế hồi phục.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của công ty tài chính số 1 Việt Nam này cũng sẽ bứt phá trong năm nay khi nhu cầu bị nén lại khá nhiều do đại dịch.
Kết thúc quý I, hiệu quả hoạt động của VPB tiếp tục là yếu tố nổi bật khi đạt mức thấp kỷ lục 16,4%. Điều này đạt được nhờ đóng góp của khoản phí hỗ trợ từ hợp đồng bancassurance giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng mạnh. Nếu loại bỏ khoản phí ghi nhận một lần này, CIR hợp nhất đạt 23,4%, tương đương với mức thấp trong quý IV/2021.
Điều này cho thấy VPB vẫn duy trì hiệu quả hoạt động rất cao so với các ngân hàng khác và sẽ tiếp tục tối ưu CIR thông qua số hóa và tự động hóa.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.