Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/5): MBB, DGW và VCB

Tân Mai - 06/05/2022 06:36 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2022, VNDirect dự phóng lợi nhuận trước thuế của MBB ở mức 20.900 tỷ đồng, tăng gần 29% so với thực hiện năm ngoái, cao hơn kế hoạch của ngân hàng.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/5): MBB, DGW và VCB

VND: Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MBB

Quý I, Ngân hàng TMCP Quân Đội (HoSE: MBB) ghi nhận thu nhập lãi thuần (NII) tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ dư nợ cho vay tăng 28% và biên lãi ròng (NIM) tăng 55 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Cho vay tăng 14,5% cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,03% của toàn ngành. Tăng trưởng cho vay mạnh mẽ của MBB phần lớn từ cho vay bán lẻ tăng trưởng 18,6% so với cùng kỳ, chiếm 48% tổng dư nợ cho vay.

Trong quý này, NIM đã tăng 55 điểm cơ bản so với quý I/2021, đạt 5,6% nhờ lợi suất tài sản tăng 15 điểm cơ bản và chi phí vốn giảm 46 điểm cơ bản. Ngược lại, lãi suất tiền gửi giảm từ 10-50 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi (Non-II) gần như không đổi, dẫn tới tổng thu nhập hoạt động kinh doanh chỉ tăng 27% so với quý I/2021. Chi phí dự phòng tăng 17,5% cùng kỳ lên 2.126 tỷ đồng, khiến cho tỷ lệ dự phòng/lợi nhuận trước dự phòng giảm từ 28,3% xống 26,5% trong quý vừa qua.

Kết quả, lợi nhuận ròng quý I tăng 20,3% so với cùng kỳ lên 4.546 tỷ đồng, tương đương 28% dự báo cả năm của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND). Tính đến hết quý I, tỷ lệ nợ xấu (NPL) là 0,98%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý liền kề; tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về 250% từ mức 268% trong quý IV/2021.

VND cho biết, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, MBB sẽ nhận lại 1 tổ chức tín dụng đang chịu sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với mức phí 0 đồng. Ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, tổ chức tín dụng này phải đáp ứng một số tiêu chí tài chính để tái cơ cấu, bao gồm tổng giá trị tài sản hoặc giá trị sổ sách không được vượt quá 10% tổng tài sản của MBB; vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế không được vượt quá 20.000 tỷ đồng.

MBB có khả năng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn và được hưởng khoản vay với lãi suất 0% do Ngân hàng Nhà nước cung cấp để giải quyết một phần lỗ lũy kế. Báo cáo tài chính của tổ chức này sẽ không được hợp nhất vào MBB trong giai đoạn tái cơ cấu.

MBB đặt mục tiêu xử lý khoản lỗ lũy kế này trong vòng 7-8 năm. Sau khi tái cơ cấu, MBB được phép sát nhập tổ chức này hoặc bán cho các nhà đầu tư tiềm năng hoặc phát hành lần đầu ra công chúng (IPO).

Năm 2022, VND kỳ vọng thu nhập lãi thuần của MBB sẽ tăng gần 20% cùng kỳ nhờ tín dụng tăng trưởng ở mức 20%. Cùng với CIR ở mức 35% và chi phí tín dụng ở mức 1,9%, lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 28,5% so với cùng kỳ, đạt 20.900 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch của ngân hàng.

Hiện VND đang khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MBB, giá mục tiêu 40.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng giá 40,7% so với thị giá ngày 5/5.

BVSC: Khuyến nghị khả quan DGW, giá mục tiêu 167.189 đồng/cổ phiếu

Ba tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Thế giới Số (HoSE: DGW) lập kỷ lục về doanh thu theo quý với trên 7.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tất cả các ngành hàng đều tăng trưởng, đặc biệt là hai mảng cốt lõi là laptop - máy tính bảng và điện thoại di động đã đóng góp 85% vào tổng doanh thu, lần lượt đạt mức tăng 62% và 36% so với quý I/2021.

Lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng, cao hơn 97% kết quả của cùng kỳ năm trước. Tiếp nối thành công, ban lãnh đạo DGW kỳ vọng quý II cũng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 40% về doanh thu.

Năm 2022, DGW đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng, tăng 25% và 22% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 26,5% mục tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, DGW đã mở rộng biên lợi nhuận quý I lên gần 3%, cao hơn mức 2,34% của quý I/2021 và 2,75% của quý III/2021, nhưng thấp hơn so với mức kỷ lục 4,5% ghi nhận hồi quý IV/2021.

Quý vừa qua, lãi ròng tài chính tăng mạnh 198% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 58 tỷ đồng, tương đương 0,83% doanh thu thuần. Trong đó, thu nhập tài chính tăng 194% lên 73,3 tỷ đồng, nhờ chiết khấu thanh toán lớn và lãi chênh lệch tỷ giá.

Dựa trên tình hình kinh doanh thuận lợi của quý I, BVSC duy trì kỳ vọng lợi nhuận ròng quý II của DGW sẽ tăng trưởng từ 55-72% so với cùng kỳ năm trước lên 180-200 tỷ đồng.

Trên thị trường, sau những điều chỉnh mạnh gần đây của thị trường, giá cổ phiếu DGW đã điều chỉnh 21,5% từ đỉnh gần nhất và hiện giao dịch hấp dẫn với P/E dự phóng là 12,8 lần (giữa năm 2023) và 12,1 lần (năm 2023), so với 16,1 lần trung bình 3 năm gần nhất và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng giai đoạn 2021-2024 vững chắc 20,2%.

Vì thế, BVSC duy trì khuyến nghị khả quan cổ phiếu DGW với triển vọng vững chắc và định giá rẻ, giá mục tiêu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền không đổi ở mức 167.189 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% giá đóng cửa phiên 5/5.

Yuanta: Khuyến nghị mua cổ phiếu VCB, mức sinh lời dự kiến 11%

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022, thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 15% so với cùng kỳ.

Kết thúc quý I, ngân hàng cho biết tín dụng đã tăng trưởng 7% so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) là 0,8% (tăng 9 điểm cơ bản so với quý liền kề, nhưng giảm 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Ngân hàng kỳ vọng kiểm soát nợ xấu dưới 1% trong năm 2022.

Quý I, VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9.900 tỷ đồng, tăng 23% so với quý liền trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng hoàn thành 32% kế hoạch cả năm.

Trong năm nay, VCB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 55.900 tỷ đồng, tăng 18% so với hiện tại, thông qua phát hành 857 triệu cổ phiếu để chia cổ tức.

Đáng chú ý, tương tự như MBB, VCB sẽ nhận chuyển giao và tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém. Việc nhận chuyển giao sẽ tạo cơ hội cho VCB mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng và mạng lưới hoạt động. VCB sẽ không hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém vào báo cáo tài chính hợp nhất của VCB.

Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạn chế hạn mức room tăng trưởng tín dụng đối với VCB nếu tỷ lệ CAR của VCB có thể đáp ứng theo quy định. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cho phép VCB chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Ban lãnh đạo kỳ vọng giai đoạn này sẽ không quá 8-10 năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng lợi nhuận của VCB sẽ vượt kế hoạch năm 2022 nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, đồng thời tiềm năng từ tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tương lai và khoản thu nhập phí từ bancassurance.

Lưu ý rằng, VCB có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao nhất ngành, đạt 424%, cho thấy chính sách thận trọng của ngân hàng trong quản lý tài sản. Tỷ lệ LLR cao giúp ngân hàng linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng và thúc đẩy lợi nhuận, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến chất lượng tài sản.

Yuanta có góc nhìn tích cực đối với việc nhận chuyển giao. Tương tự như MBB, VCB sẽ được hưởng lợi từ việc nhận chuyển giao, nhưng lại không cần phải hợp nhất báo cáo tài chính hợp nhất. Vì thế theo Yuanta, việc nhận chuyển giao sẽ không làm ảnh hưởng đến các tỷ lệ của VCB như NPL, CAR, và LDR.

Do đó, việc nhận chuyển giao bắt buộc mang tính tích cực nhiều hơn tiêu cực, với giả định giai đoạn tái cơ cấu diễn ra hiệu quả dưới sự quản lý của VCB.

Yuanta tin rằng VCB được xem là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam và xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành. Từ đó, Yuanta khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 89.850 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời dự kiến 11%.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.