Cổ phiếu KSV 'bốc đầu', lên đỉnh lịch sử giữa lúc chứng khoán giảm sâu

Hoàng Anh - 06/08/2024 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Bất chấp diễn biến tiêu cực của thị trường chung, cổ phiếu KSV đã tím trần 5 phiên liên tục, qua đó chinh phục mức đỉnh lịch sử 57.700 đồng/cp.

Cùng với đà lao dốc của thị trường chứnng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam "rớt giá" mạnh trong phiên 5/8. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 48,53 điểm xuống còn 1.188 điểm, để mất ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Với đà giảm mạnh của thị trường, nhiều cổ phiếu "lau sàn" với mức thanh khoản tương đối cao.

Trái ngược với đà giảm của thị trường chung, cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV (Vimico) nối dài chuỗi tăng trần sang phiên thứ 5 liên tiếp, thiết lập đỉnh lịch sử ở mức 57.700 đồng/cp với hơn 334.300 cổ phiếu được khớp lệnh. Theo đó, vốn hóa của Vimico đã vượt ngưỡng 11.500 tỷ đồng.

Cổ phiếu KSV tăng kịch trẩn trong phiên giảm điểm "thảm khốc" của thị trường chung

Nhịp tăng trần 5 phiên liên tiếp của cổ phiếu KSV đã thu hút được sự chú ý của không ít nhà đầu tư lượng bởi lẽ, lượng cổ phiếu trôi nổi của mã này tương đối thấp.

Vimico là công ty con, do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm giữ hơn 98% vốn điều lệ. Theo đó, lượng cổ phiếu tự do (free float) trên thị trường chỉ chiếm dưới 2%. Trước đây, khối lượng giao dịch cổ phiếu chỉ dao động từ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên. Thế nhưng, sau 5 phiên giao dịch gần đây, khối lượng này đã tăng vọt, đạt trung bình hơn 321.950 đơn vị/phiên.

Cần biết, cổ phiếu có lượng free float thấp thường có biên độ dao động mạnh, vì số lượng cổ phiếu giao dịch ít khiến giá dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động nhỏ trong cung cầu. Trong trường hợp cổ phiếu KSV, sự tăng đột biến trong khối lượng giao dịch cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư, làm cho giá cổ phiếu có thể biến động mạnh hơn trong thời gian ngắn.

Theo quan sát, cổ phiếu KSV bắt đầu tăng phi mã sau khi Vimico công bố báo cáo tài chính quý II/2024 và được cổ vũ mạnh mẽ bởi kết quả kinh doanh tươi sáng. Kết thúc quý II, doanh thu thuần của Vimico đạt 3.432 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn giảm 15%, về còn 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ, đạt 832 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, Vimico báo lãi gần 494 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 24,5 tỷ đồng. Đây cũng là quý lãi kỷ lục của doanh nghiệp này từ trước đến nay.

Giải trình về kết quả trên, Vimico cho hay, do giá bán bình quân các sản phẩm chính như đồng tấm, vàng, bạc, tinh quặng manhetit tăng so với cùng kỳ nên lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện.

Năm 2024, Vimico đặt kế hoạch doanh thu đạt 12.048 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vimico mang về 6.583 tỷ đồng doanh thu thuần và 566 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% về doanh thu và 757% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023.

Vimico là doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước

Tại thời điểm ngày 30/06/2024, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 10.483 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm. Trong đó, Vimico sở hữu 375,3 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 42%; các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh 135%, lên 1.556 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng tăng gần 26%, lên 2.896 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Vimico còn 7.183 tỷ đồng, cũng tăng 12%. Riêng nợ vay ngắn hạn và dài hạn doanh nghiệp còn lần lượt 2.364 tỷ đồng và 1.532 tỷ đồng.

Không chỉ có kết quả kinh doanh tươi sáng, câu chuyện kinh doanh của Vimico cũng là một điểm nhấn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Theo tìm hiểu, Vimico là doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Được biết, trữ lượng đất hiếm của Vimico chủ yếu tập trung tại mỏ Đông Pao ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với trữ lượng trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước.

Đất hiếm, được ví như “vitamin của nền công nghiệp hiện đại”, có rất nhiều ứng dụng và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất sản phẩm quốc phòng, hàng không vũ trụ, điện tử, công nghệ thông tin, bán dẫn, công nghiệp hạt nhân, năng lượng mới… Đối với các quốc gia sở hữu nó, đặc biệt là có trữ lượng lớn, đất hiếm được xem là "vũ khí kinh tế" lợi hại bậc nhất.

Trở lại với diễn biến cổ phiếu, trong bối cảnh VN-Index mất mốc 1.200 điểm, KSV là một trong những cổ phiếu tích cực nhất thị trường. Xét về góc độ kỹ thuật, cổ phiếu KSV đã tăng một mạch 65% so với nền giá gần nhất và đang giữ được up-trend mạnh mẽ.

Mặc dù kết quả kinh doanh tích cực và tình hình tài chính lành mạnh đã đưa cổ phiếu trở lại vùng đỉnh lịch sử, tuy nhiên tâm lý “fomo” có thể là “quả bom” nổ chậm đối với một số nhà đầu tư.

Với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu KSV đang có diễn biến khá giống với nhóm cổ phiếu có vốn doanh nghiệp nhà nước từng làm mưa làm gió trên thị trường cách đây một tháng. Tương tự, khi áp lực điều chỉnh xảy ra, KSV cũng có khả năng đối diện những phiên giảm không thanh khoản tương tự như MFS hay HVN.

Vimico (KSV): Lãi quý I giảm 54%, tồn kho tăng mạnh, tiến sát ngưỡng 4.000 tỷ

Vimico (KSV): Lãi quý I giảm 54%, tồn kho tăng mạnh, tiến sát ngưỡng 4.000 tỷ

Tài chính
(VNF) - Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 kém khả quan với doanh thu và lợi nhuận cùng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chuyên mục
Tin khác