Công ty Bao bì Dầu thực vật trả 76 tỷ đồng cho cổ đông trước khi giải thể

Hải Đường - 29/09/2020 16:59 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Bao bì Dầu thực vật (VPK) vừa thông báo về việc tiến hành chốt danh sách cổ đông để chia số tiền còn lại trước khi giải thể, theo đó tổng số tiền chi trả là 76 tỷ đồng.

VNF
Công ty Bao bì Dầu thực vật trả 76 tỷ đồng cho cổ đông trước khi giải thể

VPK dự kiến chốt danh sách cổ đông đăng ký cuối cùng vào ngày 20/10/2020 và sẽ tiến hành thanh toán cho các cổ đông vào ngày 30/10/2020.

Vốn chủ sở hữu của VPK tính đến ngày 24/9/2020 sau khi được kiểm toán là hơn 76 tỷ đồng. Với gần 15 triệu cổ phần đang lưu hành, số tiền mà mỗi cổ phần sẽ nhận về là 5.070 đồng tương đương tỷ lệ 50,7%.

Cổ đông lớn nhất của VPK tính đến ngày 15/9/2020 là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) với hơn 7,6 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ 51,05%. Như vậy, Vocarimex sẽ thu về hơn 38 tỷ đồng trong số 76 tỷ đồng mà VPK trả cho các cổ đông.

Quỹ Pyn Elite Fund trước khi thoái toàn bộ vốn tại VPK cũng từng là cổ đông lớn của VPK với tỷ lệ nắm giữ ở thời điểm đầu năm 2020 là 9,37%.

Được biết, phương án giải thể công ty đã được ban lãnh đạo VPK thông qua ở ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng 11/2018, chỉ cách ĐHCĐ thường niên trước đó đúng 5 tháng.

Ở ĐHCĐ thường niên hồi tháng 6/2018, công ty này vẫn đặt ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2018 với doanh thu thuần 150 tỷ đồng và dự kiến lỗ sau thuế 24 tỷ sau khi ghi nhận lỗ ròng gần 40 tỷ vào năm 2017. Được biết, đây là khoản lỗ đầu tiên của VPK kể từ khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào năm 2006.

Lý do giải thể được ban lãnh đạo VPK đưa ra vào năm 2018 là do hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty này trong giai đoạn đó lỗ kéo dài và không thể vực dậy được, không còn các điều kiện cần thiết như vốn kinh doanh, thị trường, khách hàng và nguồn nhân lực mạnh để tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, vốn vay ngân hàng chiếm phần lớn trong vốn đầu tư của VPK làm phát sinh chi phí tài chính cao và khấu hao dự án cao dẫn đến giá thành bị đẩy cao, không thể cạnh tranh với các công ty cùng ngành.

Thị trường ngành bao bì thùng carton ở thời điểm VPK quyết định giải thể được công ty này cho rằng không thuận lợi và nhận định sẽ ngày càng khó khăn. Với nguy cơ mất hết vốn cổ đông nếu tiếp tục gia tăng cạnh tranh, ban lãnh đạo VPK đã quyết định giải thể công ty để giảm thiệt hại vốn cổ đông.

Cuối năm 2018 đầu năm 2019, VPK đã tiến hành đấu giá và sang nhượng nhiều tài sản để trả nợ ngân hàng trong đó có nhà máy 60.000 m2 tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng cùng các máy móc thiết bị tại nhà máy Bao bì Bình Dương.

Cùng chuyên mục
Tin khác