Công ty Cổ phần Hanel: Quỹ đất 'khủng' nên khó thoái vốn nhà nước?

Việt Anh - 01/12/2020 15:03 (GMT+7)

(VNF) - Hanel hiện đang nắm giữ trong tay quỹ đất và dự án lên đến hàng chục nghìn m2, rải rác khắp TP. Hà Nội, như số 2 Chùa Bộc, quận Đống Đa (2.660 m2), khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên (242.274 m2), dự án số 60 Nguyễn Đức Cảnh (6.136 m2)...

VNF
Công ty Cổ phần Hanel: Quỹ đất 'khủng' nên khó thoái vốn nhà nước?

Doanh nghiệp "đọng" gần 1.890 tỷ đồng vốn nhà nước

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020.

Trong danh sách nêu trên, nổi bật là Công ty Cổ phần Hanel (UPCoM: HNE), doanh nghiệp mà UBND TP. Hà Nội đang nắm giữ đến 97,93% vốn, xấp xỉ 1.890 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Hanel tiền thân là Công ty Điện tử Hà Nội, được thành lập vào năm 1984, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP. Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu.

Năm 2010, công ty thực hiện chuyển đổi hoạt động và đổi tên thành Công ty TNHH MTV Hanel theo quyết định của UBND TP. Hà Nội.

Đến năm 2015, UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hanel, đồng thời, ban hành quyết định xác định lại giá trị vốn nhà nước tại công ty này là trên 1.925 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 1.926 tỷ đồng.

Tháng 4/2016, Công ty TNHH MTV Hanel thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo phương án cổ phần hóa trước đó, trong tổng số 1.926 tỷ đồng vốn điều lệ, nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 29% vốn, chiếm phần nhiều là cổ đông chiến lược được mua 61% vốn, còn lại là người lao động và chào bán công khai ra công chúng.

Thế nhưng, tại phiên chào bán IPO, chỉ một phần rất nhỏ số lượng cổ phiếu chào bán công khai được mua với giá ngang mệnh giá là 10.000/cổ phần.

Mặt khác, 2 nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt trước đó là Công ty Cổ phần Công nghiệp Tiến Việt (dự kiến mua 36%) và Công ty Sebrina Holdings của Singapore (dự kiến mua 25%) cũng không thu xếp được nguồn vốn để thực hiện cam kết mua cổ phần.

Chính vì vậy, vốn nhà nước đọng tại Hanel vẫn lên đến 98%.

Tháng 6/2017, công ty thực hiện tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Đến trung tuần tháng 12/2018, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Hanel sau khi hoàn thành xong quá trình bàn giao.

Một điểm đáng lưu tâm, đó là sau khi phiên đấu giá IPO diễn ra trên HNX hồi tháng 4/2016, mãi đến ngày 31/12/2019 công ty mới chính thức niêm yết cổ phiếu HNE trên sàn UPCoM, đồng nghĩa với trách nhiệm phải minh bạch thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hanel có gì hấp dẫn?

Theo thống kê của VietnamFinance, Hanel hiện đang nắm giữ trong tay quỹ đất và dự án lên đến hàng chục nghìn m2, rải rác khắp TP. Hà Nội.

Về quỹ đất, công ty đang sở hữu một số lô đất có giá trị lớn như số 2 Chùa Bộc có diện tích 2.660 m2 và A12 Khương Thượng có diện tích 221,9 m2 (cùng ở quận Đống Đa); số 128C Đại La, quận Hai Bà Trưng có diện tích 413,6m2; số 36 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm có diện tích 92,9 m2; đặc biệt là khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên có diện tích 242.274 m2.

Công ty cũng có 2 địa điểm thuê đất nhà nước đã chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án, bao gồm số 60 Nguyễn Đức Cảnh có diện tích 6.136 m2 và số 409 Lĩnh Nam (cùng ở quận Hoàng Mai) có diện tích 4.285 m2.

Ngoài ra, Hanel nắm giữ một số đất dự án như khu công nghệ phần mềm Hà Nội, quận Long Biên có diện tích 434.594 m2; dự án xây dựng điểm thông quan nội địa TP. Hà Nội, huyện Gia Lâm có diện tích 192.118 m2; lô 2, E9 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy có diện tích 4.188 m2; khu đô thị Hanel - Alphanam có diện tích 525.300 m2 và một phần dự án số 165 Thái Hà, quận Đống Đa có diện tích trên 1.500 m2.

Đáng chú ý, công ty cũng góp vốn bằng đất đến 29.500 m2 tại dự án xây dựng và kinh doanh khách sạn tại số 360 Kim Mã, quận Ba Đình, trong khi tổng dự án là 30.406 m2.

Bên cạnh việc sở hữu quỹ đất dồi dào, phủ khắp TP. Hà Nội với nhiều vị trí đắc địa, tiềm lực tài chính của công ty cũng khá hấp dẫn. Cụ thể, trong 4 năm gần đây, nguồn vốn - tổng tài sản của công ty luôn đứng trên mức 3.100 tỷ đồng (năm 2016 là 3.123 tỷ đồng, năm 2019 là 3.250 tỷ đồng), trong đó nợ phải trả duy trì ổn định chỉ bằng một nửa so với vốn chủ sở hữu.

Điều này phản ánh mức độ "lành mạnh" của doanh nghiệp, khả năng chi trả các khoản chiếm dụng bên ngoài của Hanel khá tốt và còn nhiều dư địa để huy động vốn trong tương lai.

Tuy nhiên, trái ngược với sự ổn định nêu trên, kể từ khi cổ phần hóa tình hình kinh doanh của Hanel khá trồi sụt. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 (cho kỳ hoạt động từ 28/6/2017 đến 31/12/2017) cho thấy, doanh thu của công ty đạt 723 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn sản phẩm chiếm khá cao, nên công ty chỉ lãi gộp 69 tỷ đồng.

Nguồn lợi nhuận trước thuế lên đến 120 tỷ đồng trong năm của Hanel phụ thuộc nhiều vào lãi tiền gửi, lãi phải thu của đối tác bên phía Cuba (52 tỷ đồng) và lãi từ đầu tư vào công ty liên kết là 100 tỷ đồng.

Năm 2018, trong khi doanh thu lên đến 1.071 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Hanel chỉ đứng ở mức dưới 10%, đạt 91 tỷ đồng.

Khác với năm trước, ngoài doanh thu tài chính (85,5 tỷ đồng) và lãi từ đầu tư vào công ty liên kết là 109 tỷ đồng, công ty có thêm khoản thu từ đối tác Grupo De La Electrónica - Cộng hòa Cuba lên đến 153 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận trước thuế tăng đột biến lên 273 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với 2018. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu tâm là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã đảo chiều thành âm 106 tỷ đồng.

Năm 2019, Hanel ghi nhận doanh thu đạt 845 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 152 tỷ đồng, giảm lần lượt 21% và 45% so với năm trước đó.

Sự sụt giảm này là do công ty thiếu hụt khoản doanh thu tài chính và thu nhập khác, bên cạnh đó, ban lãnh đạo Hanel cho biết công ty chịu ảnh hưởng từ tình hình khó khăn chung của cả thị trường trong nước, cũng như quốc tế, khiến doanh thu giảm sút.

Mặt khác, ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Hanel, chia sẻ công tác thoái vốn nhà nước tại công ty tiếp tục gặp một số vướng mắc, chưa giải quyết xong cũng gây tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án.

Lý giải về nhận định này, ông Vinh cho biết việc triển khai các chủ trương lớn của Hanel vẫn phải thông qua phê duyệt của UBND TP. Hà Nội (trước khi người đại diện vốn nhà nước biểu quyết tại cuộc họp HĐQT, đại hội đồng cổ đông) khiến tiến độ triển khai các dự án cũng như hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp bị hạn chế. Trong khi đó, theo lộ trình UBND TP. Hà Nội đáng lẽ đã thoái vốn từ 2018.

Đến nay, vẫn còn nhiều bất cập trong quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần nhà nước, quy định về phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất và việc xác định giá khởi điểm cổ phần khiến việc thoái vốn tại Hanel bị kéo dài...

Năm 2020, HĐQT Hanel đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (không bao gồm lợi nhuận khoản thu từ Cuba) là 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 65% so với thực hiện năm 2019.

Dự kiến, năm nay công ty nộp bổ sung tiền thuê đất và chậm nộp tại khu công nghiệp Sài Đồng B cho các năm khoảng 30 tỷ đồng, đồng thời do dịch bệnh Covid-10 bùng phát, nên lợi nhuận sẽ giảm không ít so với 2019.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch sáng 1/12, cổ phiếu HNE tăng 14% lên mức 7.800 đồng/cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác