CPI tháng 8 của TP. HCM tăng 0,06% so với tháng trước

Anh Phan - 31/08/2020 13:49 (GMT+7)

(VNF) - Tại TP. HCM, CPI tháng 8/2020 tăng 0,06% so với tháng trước, giảm 0,07% so với tháng 12/2019 và tăng 2,43% so với cùng tháng năm trước.

VNF
CPI tháng 8 của TP. HCM tăng 0,06% so với tháng trước. (Ảnh minh hoạ)

8/11 nhóm ngành hàng tăng so với tháng trước

Theo Cục Thống kê TP. HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 của thành phố tăng 0,06% so với tháng trước. CPI tháng 8/2020 giảm 0,07% so với tháng 12/2019 và tăng 2,43% so với cùng tháng năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, trong đó có 8/11 nhóm ngành hàng tăng so với tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,07%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; nhóm giao thông tăng 0,11%; nhóm giáo dục tăng 0,83%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,33%.

3/11 nhóm giảm nhẹ gồm nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,31%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%.

Diễn biến cụ thể một số nhóm ngành hàng so tháng trước, Cục Thống kê thành phố cho biết nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1% so với tháng trước; trong đó, nhóm lương thực tăng 0,23%, nhóm thực phẩm tăng 0,4%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%, cụ thể ở các nhóm mặt hàng như nước giải khát có ga tăng 0,58%; nước quả ép tăng 0,75%; các loại rượu giảm nhẹ; thuốc lá các loại không thay đổi so với tháng trước.

Tương tự, nhóm giao thông tăng 0,11% so tháng trước, chủ yếu do tác động của 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 28/7 và ngày 12/8.

Theo đó, giá xăng, dầu diezel tăng 1,35% so tháng trước; phương tiện đi lại giảm 0,15%, phụ tùng tăng 0,29%, dịch vụ cho các phương tiện cá nhân tăng 0,14%, vé tàu hỏa giảm 0,6%; còn lại các mặt hàng và dịch vụ khác thuộc nhóm giao thông không biến động.

Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép ít biến động so với tháng trước do nhu cầu mua sắm không cao, tăng 0,07%; trong đó, may mặc tăng 0,12%; quần áo may sẵn tăng 0,13%; dịch vụ may mặc tăng 0,11%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 0,31% so tháng trước, giá điện sinh hoạt giảm 1,79%, giá nước sinh hoạt giảm 1,11%, giá nhà ở thuê giảm 0,03%, gas và các loại chất đốt tăng 0,74%.

Giá gas tăng 0,71% do điều chỉnh tăng lên 2.000 đồng/bình; giá dầu hỏa tăng 1,96%.

Chỉ số giá vàng tháng 8/2020 tăng 13,97% so với tháng trước; tăng 37,34% so với tháng 12/2019; tăng 39,76% so với cùng tháng năm trước và bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 28,57% so với năm trước.

Chỉ số giá USD tháng 8/2020 giảm 0,33% so với tháng trước; giảm 0,03% so với tháng 12/2019; giảm 0,22% so với cùng tháng năm trước; bình quân 8 tháng tăng 0,37% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng 2,5 - 5 lần

Báo cáo của Cục Thống kê TP. HCM cũng cho thấy chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng ước tăng 20,7% so cùng thời điểm năm ngoái.

Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như chế biến gỗ và sản xuất gỗ tre nứa tăng hơn 401% (5 lần); sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng hơn 155% (hơn 2,5 lần); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng gần 138% (gần 2,4 lần); công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng hơn 66%; sản xuất kim loại tăng hơn 60%.

Tuy nhiên, theo Cục Thống kê TP. HCM, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước như sản xuất phương tiện vận tải khác 64,5%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 36,6%; sản xuất da và các sản xuất có liên quan giảm 31,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 22,7%. Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 8 và 8 tháng của năm gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 8 tăng khoảng 4% so tháng trước. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,1%.

Trong 8 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2%.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.