Cuộc đấu tại Nhiệt điện LNG Nghi Sơn 2,4 tỷ USD: Ai sẽ giành chiến thắng?
(VNF) - Ba liên danh và hai nhà đầu tư độc lập tham dự gói thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn đều là các tập đoàn tên tuổi lớn trong lĩnh vực năng lượng cả trong và ngoài nước.
Theo hồ sơ mời thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn do Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát hành ngày 30/7 vừa qua, thời điểm mở thầu vào ngày 30/9/2024. Sự kiện hứa hẹn sẽ là một cuộc “so găng” quyết liệt, không chỉ bởi tầm quan trọng của dự án mà còn bởi sự tham gia của các nhà thầu lớn trong lĩnh vực năng lượng cả trong nước lẫn quốc tế.
Cần biết, trong Quy hoạch điện VIII, dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, được xác định sẽ “góp sức” cùng Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 2 biến Nghi Sơn thành trung tâm điện lực lớn nhất Bắc Trung Bộ.
Dự án có công suất 1.500 MW, sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, được thực hiện trên khu đất rộng 68,2 ha, tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn, thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2,4 tỷ USD, tương đương 58.026 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động là 50 năm, tiến độ thực hiện dự án vận hành thương mại trước năm 2030.
Về phía các nhà đầu tư, danh sách 5 nhà đầu tư được nhận thư mời dự thầu bao gồm 3 liên danh và 2 nhà đầu tư độc lập, đều là các tập đoàn tên tuổi tại Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam.
Sự “đáng gờm” của các liên danh nội - ngoại
Liên danh nhà đầu tư thứ nhất ghi nhận sự góp mặt của JERA Co., Inc và Công ty CP Tập đoàn Sovico.
Theo tìm hiểu, JERA Co., Inc là một công ty liên doanh 50/50 được thành lập vào năm 2015 trên cơ sở hợp nhất các hoạt động kinh doanh nhiên liệu và nhiệt điện của Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power. Với sự kết hợp sức mạnh của hai tập đoàn lớn, JERA đã vươn lên thành nhà sản xuất nhiệt điện lớn nhất tại Nhật Bản (tổng công suất khoảng 70GW), đồng thời là nhà nhập khẩu sử dụng LNG lớn nhất trên thế giới. “Đại gia” Nhật Bản hiện đang tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ở khắp châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Thái Lan.
Tại Việt Nam, JERA có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1999 khi lần đầu tiên tham gia vào dự án nhà máy nhiệt điện khí Phú Mỹ 2.2. Doanh nghiệp này cũng coi Việt Nam là địa bàn “ưu tiên” - nơi họ “có tiềm năng mạnh mẽ để tham gia vào cả LNG và các dự án năng lượng tái tạo”. Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng công suất phát điện năng lượng tái tạo lên 5.000 MW vào năm 2025, JERA đã đầu tư 15 tỷ yên (112 triệu đô la) vào công ty Công ty CP Điện Gia Lai (HoSE: GEC) và đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện LNG và các cơ sở xếp dỡ LNG tại Việt Nam.
Đầu năm 2023, JERA bắt đầu hoạt động toàn diện tại Việt Nam với công ty con Jera Energy Vietnam Co., Ltd ở Hà Nội.
Thành viên còn lại trong liên danh là Sovico - tập đoàn đa ngành được thành lập bởi tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, hàng không, tài chính - ngân hàng, năng lượng. Đây là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), đồng thời cũng là cổ đông sáng lập Vietjet Air - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Trong lĩnh vực bất động sản, Sovico là chủ đầu tư các khu đô thị lớn như Rose Valley, Mailand Hanoi City, Dragon Village...
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Sovico có vốn điều lệ là 9.600 tỷ đồng. Xét về tài sản, quy mô Sovico ngang ngửa với nhiều tập đoàn đa ngành niêm yết trên sàn chứng khoán. Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 187.408 tỷ, chỉ xếp sau Vingroup (667.656 tỷ đồng), Novaland (241.486 tỷ đồng) và Hòa Phát (187.783 tỷ đồng).
Trong số các nhà đầu tư, liên danh JERA – Sovico đã theo đuổi dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn từ năm 2020 và cũng là nhóm nộp hồ sơ đề xuất dự án đầu tiên. Được biết, Tập đoàn Sovico chính là nhà đầu tư đã đề xuất địa điểm cụ thể xây dựng nhà máy ở khu vực phía Nam khu kinh tế Nghi Sơn. Về phía JERA, từ tháng 2/2023 đến nay, “ông lớn” Nhật Bản đã có nhiều chuyến khảo sát thực địa và làm việc tích cực với lãnh đạo tỉnh Thanh.
Liên danh nhà đầu tư thứ hai chứng kiến sự bắt tay của Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn Xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - Công ty CP.
Cả ba thành viên ngoại thuộc liên danh này đều là các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng của Hàn Quốc. Trong đó, KOSPO là đơn vị điều hành nhà máy điện khí lớn nhất Hàn Quốc, với sản lượng điện cung ứng nội địa chiếm 9,1% tổng công suất tiêu thụ. Doanh nghiệp này đang cung ứng trên 2.000 MW điện LNG, trên 7.000 MW điện tái tạo tại Mỹ, UAEA, Qatar, Indonesia, Ấn Độ & Việt Nam.
Về KOGAS, đây là doanh nghiệp vận hành cảng LNG và nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới và là đơn vị cung ứng khí gas tự nhiên hàng đầu của Hàn Quốc trong suốt 37 năm qua. “Gã khổng lồ” Hàn Quốc cũng đang giữ kỷ lục về việc xây dựng bồn chứa LNG có dung tích chứa lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Daewoo E&C được thành lập năm 1973, là một trong bốn tập đoàn xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc. Họ đã đầu tư và phát triển hơn 300 dự án tại hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và đang mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng. Tương tự JERA của Nhật Bản, Daewoo E&C có mặt tại Việt Nam từ khá sớm. Đây là công ty xây dựng đầu tiên của Hàn Quốc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam vào tháng 6/1991 (trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992).
Tại Việt Nam, các “đại gia” Hàn Quốc này từng bắt tay với T&T Group của bầu Hiển thực hiện dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng. Đầu năm 2022, giai đoạn 1 của dự án với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,32 tỉ USD (tương đương với dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn) đã được khởi công.
“Hợp sức” cùng 3 “ông lớn” đến từ Hàn Quốc là Tổng Công ty Anh Phát - doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn nhất tại Thanh Hóa. Theo tìm hiểu, Anh Phát được thành lập vào tháng 6/2005 bởi gia đình đại gia Trịnh Xuân Nghiệm, nổi tiếng lĩnh vực kinh doanh nước sạch, hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư các khu nghỉ dưỡng, du lịch, nhà hàng cao cấp tại địa phương. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ là 3.300 tỷ đồng.
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Tổng Công ty Anh Phát đang là chủ đầu tư một số dự án quan trọng, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, bao gồm: dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ, dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 1 Khu kinh tế Nghi Sơn (433 tỷ đồng), dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô Bỉm Sơn (951,4 tỷ đồng), dự án khu vực bến số 3, số 4 và số 5 cảng Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng…
Tiềm lực “không phải dạng vừa” của bộ đôi PV Power và T&T
Liên danh nhà đầu tư thứ ba là sự kết hợp của hai doanh nghiệp nội: Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – Công ty CP (PV Power, HoSE: POW) và Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group). Tuy nhiên, xét cả về kinh nghiệm và tiềm lực, bộ đôi này cũng không hề kém cạnh các liên danh khác.
PV Power – đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là nhà sản xuất điện năng lớn thứ hai cả nước (chỉ sau EVN), hiện có vốn điều lệ gần 23.420 tỷ đồng. Đây cũng là một trong số ít các doanh nghiệp điện đầu tư, vận hành các nhà máy điện trong tất cả các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, điện khí và năng lượng tái tạo. PV Power hiện đang vận hành 4 nhà máy điện khí với tổng công suất 2.700 MW và đang đầu tư các dự án điện khí lớn như Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4, Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh...
Trong đó, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cũng là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có quy mô công suất 1.500 MW, tương đương dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn.
Về T&T Group, “đế chế” do doanh nhân Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) gây dựng từ năm 1993 hiện là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam. Sau 31 năm phát triển, T&T Group đã nâng vốn điều lệ lên mức 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 45.000 tỷ đồng, với hơn 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh, liên kết.
Trong lĩnh vực năng lượng, T&T Group được xem là một “thế lực” lớn khi sở hữu hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Các “đại gia” ngoại “một mình một ngựa”
Cạnh tranh với ba liên danh nói trên còn có Gulf Energy Development Public Co., Ltd và SK E&S Co., Ltd tham gia với tư cách nhà đầu tư độc lập.
Về Gulf Energy, đây là doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan với hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư trong các lĩnh vực điện khí, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... Hiện tại, Gulf Energy sở hữu hơn 35 dự án điện đang vận hành và đang phát triển, thi công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, tập đoàn còn kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và cung cấp khí,… Tính đến tháng 6/2023, tổng tài sản của tập đoàn đạt 12,82 tỷ USD, lợi nhuận ròng năm 2022 đạt 326 triệu USD.
Tại Việt Nam, quá trình mở rộng hoạt động của Gulf Energy đã diễn ra từ năm 2018, khi tập đoàn này mua 49% cổ phần của hai dự án năng lượng mặt trời GTN1 và GTN2 tại Tây Ninh với tổng công suất gần 120 MW, trước khi năng lên mức 90% vào 1 năm sau đó. Cùng năm, doanh nghiệp cũng mua lại 2 trang trại điện gió với giá khoảng 200 triệu USD tại Gia Lai với công suất 50 MW mỗi dự án.
Năm 2020, tập đoàn tiếp tục đầu tư một dự án nữa tại Bến Tre thông qua Công ty CP Điện gió Mê Kông với công suất ước tính khoảng 128 MW bao gồm 31 trụ điện gió. Bên cạnh việc theo đuổi dự án LNG tại Nghi Sơn, mới đây, Tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan này cũng đang để mắt đến Trung tâm điện khí LNG quy mô 5 tỷ USD tại Nam Định
Về SK E&S, đây là công ty con trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thuộc SK Group của tỷ phú Chey Tae-won, một trong “tứ đại chaebol” của Hàn Quốc.
Theo tìm hiểu, SK E&S là công ty tư nhân đầu tiên tại xứ sở kim chi xây dựng chuỗi giá trị LNG toàn phần và tham gia kinh doanh nguồn năng lượng thế hệ tiếp theo trong ngành công nghiệp hydro và thiết lập một danh mục đầu tư xanh (bao gồm năng lượng tái tạo, giải pháp năng lượng và LNG thân thiện với môi trường). Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Hàn Quốc nhập khẩu trực tiếp LNG vào năm 2006.
Đáng chú ý, ngày 17/7 vừa qua, SK Group đã công bố việc sáp nhập SK E&S với SK Innovation - một công ty chuyên về thăm dò dầu mỏ lọc dầu thô và sản xuất hóa dầu thuộc tập đoàn. Thương vụ dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 8 này, đánh dấu sự ra đời một công ty “siêu năng lượng” với tài sản hơn 106.000 tỷ won (76,5 tỷ USD).
Năm nhà đầu tư lớn muốn làm Nhà máy nhiệt điện LNG 2,4 tỷ USD ở Thanh Hoá
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.