Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Với địa hình có bờ biển dài, bãi biển đẹp, cảnh quan đa dạng và hệ sinh thái phong phú, các tỉnh/thành miền Trung nói chung và khu vực Nam Trung bộ nói riêng được đánh giá rất phù hợp để phát triển du lịch golf. Để khai phá hết tiềm năng, các địa phương ở đây đã cho xây dựng và quy hoạch nhiều sân golf, sẵn sàng thu hút đầu tư xây dựng hệ thống sân golf đạt chuẩn quốc tế gắn các khu đô thị dịch vụ, thương mại, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái. Dù sinh sau đẻ muộn so với 2 đầu đất nước nhưng các sân golf ở miền Trung nói chung và Nam Trung bộ nói riêng là có chất lượng tốt, đẳng cấp quốc tế do những golfer nổi tiếng quốc tế thiết kế.
Tại Đà Nẵng, cách Sân bay quốc tế Đà Nẵng 20km, lại nằm ngay nút giao thông liên tỉnh nối Đà Nẵng và Quảng Nam, sân golf BRG Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) không những là điểm đến chỉ riêng cho golfer Đà Nẵng mà còn thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế. Sân BRG Đà Nẵng được thiết kế bởi 2 huyền thoại golf thế giới là Greg Norman và Jack Nicklaus, chia làm 2 giai đoạn với 2 phong cách thiết kế khác nhau.
Trong khi đó, Bà Nà Hills Golf Club (tại huyện Hòa Vang) lại được thiết kế bởi golf thủ huyền thoại Luke Donald và quản lý bởi Tập đoàn IMG, nằm tọa lạc ngay dưới chân núi Bà Nà và chỉ cách trung tâm TP. Đà Nẵng 30 phút di chuyển. Sân golf 18 lỗ này nằm giữa những dãy núi trùng điệp, mang đến cảm giác chinh phục, hân hoan và háo hức cho mọi golf thủ.
Tại tỉnh Quảng Nam, nơi đây nổi tiếng với các sân golf: Vinpearl Golf Nam Hội An (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình), Hoiana Shores Golf Club (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) và Montgomerie Links Vietnam (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn). Hầu hết các sân golf ở Quảng Nam được xây dựng theo dạng links nối biển và tận dụng tối đa địa hình có sẵn, mang cảm giác thích thú, tươi mới, giao hòa với thiên nhiên cho người chơi golf.
Tại Khánh Hòa cũng có 3 sân golf gồm Vinpearl Golf Club Nha Trang, KN Golf Links Cam Ranh, Diamond Bay Golf Nha Trang. Trong đó, Vinpearl Golf Club Nha Trang là sân golf trên đảo đầu tiên của Việt Nam, nằm trong quần thể du lịch đẳng cấp Vinpearl Nha Trang trên đảo Hòn Tre.
Không chỉ 3 địa phương trên mà các địa phương khác ở khu vực Nam Trung bộ cũng đã nhảy vào cuộc đua sân golf mấy năm nay. Cuộc đua càng sôi động hơn khi nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành, mở cửa thông thoáng hơn cho việc đầu tư kinh doanh dự án sân golf. Theo đó, quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố.
Mới đây, UBND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã lập danh sách đề xuất mời gọi đầu tư 10 dự án trọng điểm vào địa bàn huyện trong năm 2023. Trong đó, huyện này mời gọi đầu tư dự án sân golf tại xã Tây Phú có diện tích 89ha.
Tại Khánh Hòa, cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo định hướng, Khu kinh tế Vân Phong gồm các khu phát triển dịch vụ, du lịch với các loại hình sinh thái - vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp các hoạt động tham quan, trải nghiệm... với tổng diện tích đất khoảng 2.613ha
Theo Dự thảo quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ duy trì các sân golf hiện có và quy hoạch các dự án sân golf mới gồm: Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch tại Hòa Châu - Hòa Xuân, Hồ Hòa Trung, Hòa Liên - Hòa Bắc; Khu phức hợp khách sạn - sân golf Hòa Phong - Hòa Phú; Sân golf cuối tuyến Bà Nà - Suối Mơ.
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, khách du lịch golf thường có mức chi tiêu cao gấp 6 lần khách du lịch thuần túy. Đây là cơ hội để các địa phương khu vực Nam Trung bộ hướng đến khách du lịch có mức chi tiêu cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng.
Tiếp nối thành công năm 2022, năm nay Đà Nẵng tiếp tục tổ chức Lễ hội Du lịch Golf diễn ra trong những cuối tháng 8 đầu tháng 9. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết nói về golf không chỉ là đánh golf mà là du lịch golf, kinh tế golf. Vì vậy, Đà Nẵng mong muốn thông qua bộ môn này có thể quảng bá hình ảnh, gắn golf với du lịch để hướng tới mục tiêu phát triển du lịch. “Với định hướng đưa môn thể thao golf đến gần hơn với người dân và du khách, thông qua Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2023, TP. Đà Nẵng mong muốn đưa du lịch golf Đà Nẵng vươn tầm quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch golf”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch ở Quảng Nam trong những năm tới. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch với các dịch vụ cao cấp hướng vào thị trường khách có nhu cầu chi tiêu cao với việc hình thành những trọng điểm du lịch mới ở dải ven biển phía Nam gồm các khu du lịch, vui chơi giải trí, thể thao đẳng cấp, độc đáo và khác biệt, trong đó có phát triển du lịch golf theo hướng bền vững.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay sau dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Quảng Nam và các tỉnh miền Trung sụt giảm, đặc biệt là khác quốc tế. Tuy nhiên, khách du lịch chơi golf lại tăng đáng kể so với những năm trước. “Theo thống kê của ngành du lịch, địa phương nào có sân golf thì khách đến vượt trội, thậm chí địa phương lân cận cũng được hưởng lợi. Đây là thuận lợi để địa phương thu hút đầu tư phát triển sân golf”, ông Bửu nói và cho biết, hiện nay số sân golf trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ người chơi.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, du lịch golf cũng như các loại hình du lịch chất lượng cao gắn với thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng du lịch mới sau khi dịch Covid-19. Vì vậy, ngành du lịch Khánh Hòa đang thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, hướng đến các thị trường khách có mức chi tiêu cao, trong đó có việc phát triển du lịch golf.
Hiện có nhiều nhà đầu tư đang đặt vấn đề xây dựng thêm các sân golf trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ triển khai xây dựng tour du lịch golf, tăng cường quảng bá du lịch golf ở các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch golf Việt Nam nhìn nhận một số khó khăn để phát triển du lịch golf ở khu vực miền Trung nói chung và Nam Trung bộ nói riêng. Đó là hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm mạnh mẽ đến du lịch golf. Nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo đầy đủ về golf, các sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, đơn giản.
Bên cạnh đó, các thành phần của ngành du lịch miền Trung chưa kết nối với golf; truyền thông về du lịch golf còn thiếu và yếu, chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf… Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực du lịch golf để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch golf quốc tế và trong nước.
Ông Trí cho biết hiện nay các tỉnh Nam Trung bộ còn ít sân golf, như Đà Nẵng có 2 sân golf, Quảng Nam có 3 sân golf, với số lượng đấy chưa phải là nhiều. Nếu mỗi tỉnh có 5-10 sân golf cũng không có vấn đề gì lớn. Vào mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm, các sân golf ở miền Trung thường kín khách bởi lượng của Hàn Quốc qua rất đông. Vì vậy, mỗi địa phương 5 sân golf là an toàn.
“Việt Nam mới 85 sân golf, lên 250 sân golf cũng mới chỉ bằng Thái Lan. Từ nay đến 2025, chúng ta có khoảng 150 sân golf và đến 2030 khoảng 300 sân là bình thường”, ông Trí nói. Ông Trí cho biết thêm, 10 năm qua, người dân Việt Nam đánh golf đã tăng trưởng nhanh chóng, hiện cả nước đã có hơn 100.000 người chơi golf. Mỗi năm tăng 20% người chơi golf cũng chỉ bằng số sân golf mới xây dựng.
Để phát triển golf bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch golf Việt Nam cho rằng các địa phương nên có quy hoạch bài bản, không tập trung quá nhiều sân golf vào một khu vực nào đó. Bởi người chơi golf cũng muốn hưởng sân golf ở vùng đồi núi, ngoài biển, chứ không muốn các sân golf ở khu vực trung tâm. Một huyện nào đó đã có một sân golf thì không nên quy hoạch thêm một sân golf nữa. Khi xây dựng sân golf không được phá rừng, không được lấy ruộng, tận dụng cát đồi núi đỡ ảnh hưởng đến môi trường.
Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cho hay khu vực Nam Trung bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sân golf. Tuy nhiên, các địa phương không nên xây dựng quá nhiều sân golf. Sân golf có mặt tốt là giúp cho du lịch phát triển nhưng nếu nhiều quá sẽ có những tác hại khác về mặt môi trường. Bởi vì sân golf tuy thấy xanh như vậy nhưng ở đây có lượng thuốc trừ sâu khá nhiều để giữ được màu xanh cho cỏ. Thuốc trừ sâu dùng nhiều sẽ thấm vào đất, vào nước sẽ có tác hại nhất định đối với môi trường. Vì vậy sân golf phải có nhưng không nên nhiều quá.
“Nếu xây dựng sân golf, các địa phương cần nên theo hướng chọn lọc hơn, hướng đến chất lượng môi trường. Sân golf có thể ít nhưng nhiều lỗ hơn và gắn kết với những dự án. Cần tính bán kính phục vụ để xây dựng sân golf cho phù hợp. Nếu xây nhiều quá, dẫn đến chồng chéo, không hiệu quả”, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, thực tế nhiều nhà đầu tư làm sân golf để chiếm giữ đất cho mục đích khác. Trong khi đó, tiền thuê đất làm sân golf rẻ hơn so với tiền thuê đất làm đô thị. Nếu chuyển đất sân golf qua sang mục đích khác (thương mại dịch vụ), địa phương có thêm nguồn thu và người dân ít phải chịu những tác hại từ môi trường. Vì vậy, các địa phương cũng cần xem xét lại việc này.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.