‘Đại bàng’ Hàn Quốc rót 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam

Thanh Tú - 03/10/2023 00:51 (GMT+7)

(VNF) - Chia sẻ với Nikkei Asia, nhà sản xuất bộ nhớ và bao bì chip của Hàn Quốc Hana Micron cho biết, họ đang chuyển thiết bị đến nhà máy thứ hai vừa được khánh thành ở tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị sản xuất. Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam.

VNF
Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan...

Bắc Giang là nơi đặt trụ sở của ba nhà cung cấp cho tập đoàn công nghệ Mỹ Apple và cùng với tỉnh Bắc Ninh lân cận là một trong những nơi sản xuất phần lớn điện thoại Samsung trên toàn cầu.

Dự án nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang vừa được khánh thành ngày 16/9 vừa qua.

Chia sẻ với Nikkei, Giám đốc nhân sự của Hana Micron Hwang Chul Min cho hay dự án tại Bắc Giang của Hana Micron đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và đi theo định hướng phát triển của chính phủ.

"Nó sẽ tạo cơ hội thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao và đặt nền móng cho sự phát triển của hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam”, ông Chul Min nhấn mạnh thêm.

Theo kế hoạch, Hana Micron sẽ tuyển dụng 4.000 lao động và hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để tìm kiếm nhân sự. Doanh nghiệp này cũng có một nhà máy ở Bắc Ninh, hiện đang tuyển dụng lao động về công nghệ thông tin để cung ứng cho các dây chuyền sản xuất.

Theo lãnh đạo Hana Micron, đến năm 2025, doanh nghiệp này có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD.

Tại lễ khánh thành nhà máy Hana Micron Vina 2, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết dự án của Hana Micron Vina trở thành một trong những dự án có suất vốn đầu tư/ha lớn nhất (khoảng 90 triệu USD/1ha) gấp khoảng 8 lần suất vốn đầu tư trung bình của các dự án FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Thu hút nhiều “đại bàng” trong ngành công nghiệp bán dẫn

Nhận định về tiềm năng sản xuất chất bán dẫn ở Đông Nam Á, các chuyên gia nhận định Singapore, Malaysia và Thái Lan hiện đang có nhiều ưu thế về nền tảng công nghệ và hạ tầng sản xuất trong khi Việt Nam có nhiều ưu thế về mặt nhân lực.

Theo ước tính của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, quy mô thị trường bán dẫn tại Việt Nam có thể đạt 1,65 tỷ USD đến năm 2026 với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt hơn 6%.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu".

Đặc biệt, vừa qua Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam và cùng Việt Nam nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung của hai quốc gia đã xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan...

Gần đây, tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) chuyên sản xuất kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn đã quyết định lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh để xây dựng nhà máy với tổng đầu tư 400 triệu USD. Nhà máy dự kiến cho giá trị sản xuất đạt khoảng 1 tỷ USD/năm khi đi vào hoạt động.

Tính đến năm 2021, nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới Intel cũng đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào dự án phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Intel còn đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại nước ta.

Dự án xây dựng nhà máy chuyên đóng gói và kiểm tra (OSAT) trị giá 1,6 tỷ USD của Tập đoàn bán dẫn toàn cầu Amkor dự kiến được khánh thành tại Bắc Ninh vào tháng 10 và sẽ đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay sau đó.

Xem thêm >> Công suất điện mặt trời ‘chấp’ cả thế giới, nhu cầu đồng của Trung Quốc tăng mạnh

Theo Nikkei
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.