'Đại gia đi tu' Lê Phước Vũ: "Tôi không muốn con là thiếu gia"
Khổng Chiêm -
19/03/2024 11:11 (GMT+7)
Con gái của "đại gia đi tu" Lê Phước Vũ học giỏi, đang là người kế nghiệp sáng giá tại Tập đoàn Hoa Sen. Nhưng nhiều con cái của các đại gia khác cũng có học vấn cao, thành tích công tác đáng nể.
"Tôi không muốn con tôi là thiếu gia"
"Đại gia đi tu" Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen - ban đầu có ý định sẽ xuất gia vào năm 2026-2027. Tuy nhiên vì "đốt đuốc ban ngày" cũng tìm không ra được người vừa có đức vừa có tâm, có năng lực và trách nhiệm xã hội để chuyển giao cổ phần tại Hoa Sen, ông Vũ tuyên bố sẽ rời kế hoạch xuất gia thêm khoảng 10 năm nữa.
Thông tin được nêu tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024 của tập đoàn vào sáng 18/3. Cùng với đó, ông dự tính người kế nghiệp là con gái út, sinh năm 2001, đang học song song 2 bằng đại học tại Australia. Khối tài sản cổ phiếu của ông Vũ tại Hoa Sen ước tính trên 2.200 tỷ đồng.
Nói về con gái út, ông Vũ kể: "Từ nhỏ tới lớn học rất giỏi, qua Mỹ học đều A+, qua Úc hệ số điểm cao 6-7, cùng lúc học 2 trường đại học. Từ năm lớp 3 đến lớp 10, con bé học giỏi, tính chuẩn mực".
Người đứng đầu tập đoàn Hoa Sen tâm sự thật lòng không muốn chuyển giao cho con gái vì làm chủ tịch tập đoàn là sự dấn thân. "Nó là con gái, tôi không muốn nó mang gánh nặng đó. Tiền bạc nhiều nhưng không kiểm soát được lòng tham thì chỉ mang họa thôi", ông Vũ nói.
Chủ tịch Hoa Sen cũng nói thêm: "Quý vị thấy những đại gia cả trên thế giới và trong nước, con cái họ được mấy người tốt, mấy người tử tế. Giàu thì muốn giàu hơn, cho ta là thiếu gia con đại gia, ăn mặc đồ hiệu, đi xe sang, thể hiện mình là tay chơi thượng hạng, cuối cùng chỉ thỏa mãn lòng tham, sự ích kỷ và ma mãnh mà thôi. Tôi không muốn con tôi là thiếu gia".
"Con nhà người ta" với bảng thành tích đáng nể
Tuy nhiên thực tế, không phải tất cả con cái của các đại gia đều "ăn mặc đồ hiệu, đi xe sang, thể hiện mình là tay chơi thượng hạng". Nhiều thiếu gia, ái nữ có học vấn "khủng" cùng vị thế xã hội không hề thua kém ai.
Đầu tiên phải kể đến ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978), con trai ông Trần Mộng Hùng - người từng là Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, Chủ tịch HĐQT ACB suốt 15 năm (1994-2008)và có 2 năm làm Tổng giám đốc (1993-1994).
Từ vị trí thiếu gia, ông Trần Hùng Huy trở thành "đại gia của chính mình" khi trở thành Chủ tịch ACB lúc 34 tuổi, là vị chủ tịch trẻ nhất trong giới ngân hàng thời điểm đó. Suốt 12 năm qua, ông Huy giữ vị trí cao nhất tại ngân hàng này.
Bảng thành tích học tập, công tác của ông Huy cũng rất xuất sắc. Theo giới thiệu của ACB, Chủ tịch HĐQT tốt nghiệp cử nhân với 3 chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000; tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ. Năm 2011, ông nhận học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ.
Ông Huy gia nhập ACB vào năm 2002, trải qua nhiều vị trí như Giám đốc Marketing, Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực, Phó Tổng giám đốc. Ông còn từng là Trợ lý giám đốc Nhóm tư vấn sáp nhập tổ chức tài chính của Tập đoàn Tài chính Rothschild, Anh Quốc.
Theo báo cáo quản trị năm 2023, ông Hùng Huy sở hữu hơn 133 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ 3,43%. Số cổ phần này tương ứng khoảng 3.600 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng có sự xuất hiện và điều hành của con trai Chủ tịch HĐQT. Ông Đỗ Quang Vinh - Phó chủ tịch HĐQT SHB đồng thời là con trai của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển. Ông Vinh sinh năm 1989, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tài chính và Quản trị, ĐH University of East Anglia London.
SHB giới thiệu ông Vinh có 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, làm việc tại SHB được 13 năm, từng làm Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối ngân hàng số SHB. Ông còn được vinh danh là Doanh nhân châu Á xuất sắc ngành dịch vụ tài chính.
Tính đến cuối năm 2023, ông Vinh sở hữu 939.722 cổ phiếu SHB. Giá trị cổ phần vào khoảng 10 tỷ đồng.
Một người con trai khác của Chủ tịch SHB là Đỗ Vinh Quang (chồng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh) sở hữu khối cổ phần lớn hơn tại ngân hàng này. Ông Quang nắm hơn 107,2 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng.
Không có chức vụ tạ SHB nhưng ông Quang làm Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc T&T Group - doanh nghiệp của gia đình và nhiều chức vụ khác trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Ông Quang được giới thiệu tốt nghiệp cử nhân Tài chính - Ngân hàng tại Đại học City London và thạc sĩ Quản trị Tài chính tại Đại học Middlesex (Vương quốc Anh). Ngoài ra, ông Quang còn là Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hanoi FC) - chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Con trai bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) - hiện là Phó tổng giám đốc công ty này. Ông Bình tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Hawaii (Mỹ), từng làm Giám đốc Quan hệ Khách hàng tại Ngân hàng HSBC Việt Nam. Ông gia nhập REE từ năm 2009 với vị trí Giám đốc Tài chính và làm Phó Tổng giám đốc công ty từ năm 2020 đến nay.
Một số thiếu gia khác cũng khá kín tiếng trên thương trường. Ông Phạm Nhật Quân Anh, con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng, mới đây cũng vừa lộ diện trên truyền thông với vai trò Phó tổng giám đốc khối sản xuất VinFast.
Ông Quân Anh mới đây cũng đã hoàn tất mua vào 150.000 cổ phiếu VIC theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), trước đó không nắm giữ cổ phần. Giá trị cổ phiếu này khoảng 7 tỷ đồng.
Hay trường hợp ông Hồ Anh Minh, con trai ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) không giữ vị trí trong bộ máy quản trị, điều hành của ngân hàng. Song, ông Minh lại giữ vai trò chủ chốt ở một số doanh nghiệp khác.
Cụ thể, ông Minh là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Vân Sơn, sở hữu 18,3% vốnhay sở hữu 11,8% vốn tại Công ty cổ phần One Mount Group. Ngoài ra, ông Hồ Anh Minh còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần One Seal; Thành viên HĐQT Công ty TNHH Việt Thành - Sài Đồng...
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.