'Đại gia' Đức muốn làm dự án điện gió ngoài khơi 1,5 tỷ USD ở Bình Định

Lệ Chi - 03/09/2020 12:06 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn PNE của Đức đề xuất làm dự án phát triển công viên điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Đây là một trong những nhà đầu tư có hơn 20 năm kinh nghiệm về phát triển dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi tại Đức.

VNF
Đại gia Đức muốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi 1,5 tỷ USD ở Bình Định (ảnh minh họa)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long vừa có buổi làm việc với đoàn công tác Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (cơ quan đại diện của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức).

Tại buổi làm việc, ông Trần Minh, Giám đốc Dự án cấp cao điện gió ngoài khơi Tập đoàn PNE đã đề xuất làm dự án phát triển công viên điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD.

Đồng thời, Tập đoàn PNE cũng muốn tìm hiểu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng gió tại Bình Định và quy trình phát triển, phê duyệt dự án điện gió tại Việt Nam.

Trước đề xuất của Tập đoàn PNE, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cam kết tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch tỉnh cũng mong muốn Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tiếp tục hỗ trợ, kết nối các nhà đầu tư Đức tìm hiểu thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác và đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Được  biết, PNE là tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở chính đặt tại Đức. PNE là một trong những nhà đầu tư có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi.

Hiện nay, PNE cũng đang tập trung mở rộng hoạt động ở các khu vực như Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông và châu Á, trong đó có các dự án công viên điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Theo báo cáo Wind Outlook 2019 của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), tài nguyên điện gió ngoài khơi toàn cầu có tiềm năng đạt 420.000 TWh (1 TWh = 1 tỷ kWh) hằng năm, nhiều gấp 18 lần nhu cầu hiện tại của toàn thế giới.

Thị trường điện gió ngoài khơi đã chứng kiến sự gia tăng liên tục hàng năm 30% từ năm 2010 đến năm 2018. Đã có khoảng 150 trang trại gió biển lớn đã hoạt động, đặc biệt tăng mạnh năm 2018 tại Anh, Đức, Đan Mạch, Mỹ, Trung Quốc.

Hiện nay châu Âu đã lắp đặt được 20 GW (1 GW=1.000 MW) điện gió ngoài khơi và đã có chính sách hỗ trợ gia tăng gấp 4 lần đến năm 2030 lên 80 GW.

IEA dự báo đến năm 2040, điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt hàng năm là 13%.

Tại Việt Nam, việc Tập đoàn Enterprize Energy (EE) đề xuất dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wild tại Bình Thuận có quy mô lên tới 3.400 MW, vốn đầu tư khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia từ cách đây 2 năm, cũng được xem là động thái tốt, mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển nguồn năng lượng này.

Đáng chú ý, Tập đoàn Enterprize Energy đã mời hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Công ty Liên doanh Vietsovpetro (Vietsovpetro) và Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS) - đơn vị trực thuộc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam tham gia dự án với tư cách là nhà thầu chịu trách nhiệm chính về xây lắp cho toàn bộ dự án cả trên bờ và dưới biển.

Gần đây nhất, vào tháng 7/2020, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, với tổng công suất lên đến 3,5 GW, chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỷ USD.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), với hơn 3.000km bờ biển và một số khu vực có lượng gió lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á và là thị trường triển vọng nhất cho điện gió ngoài khơi.

Những số liệu sơ bộ đã chỉ ra, tiềm năng kỹ thuật gió ngoài khơi của Việt Nam là 160GW. Đây là con số khổng lồ nếu so sánh với 29,1 GW điện gió ngoài khơi đã được lắp đặt trên toàn cầu. Ngay cả sau khi đã loại trừ các địa điểm không khả thi do xung đột với các mục đích sử dụng biển khác hoặc vì lý do tài chính, tiềm năng xây dựng điện gió ngoài khơi vẫn còn khá lớn.

Cùng chuyên mục
Tin khác