Đằng sau sự phục hồi của nền kinh tế
(VNF) - Dù số liệu thống kê ghi nhận khá nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên bức tranh kinh tế Việt Nam không hoàn toàn màu hồng.
Áp lực đến từ nhiều phía
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy từ đầu năm 2024 tới nay, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều thông tin tích cực. Cụ thể, GDP quý I tăng 5,66%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 tới nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% và vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Về du lịch, tổng du khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, chặng đường năm 2024 vẫn còn nửa năm nữa mới kết thúc. Trong khoảng thời gian này, kinh tế Việt Nam vẫn phải tiếp tục “gồng mình” ứng phó với vô vàn áp lực bủa vây từ nhiều phía, cả các yếu tố đến từ thế giới và cả các yếu tố đến từ chính nội tại.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế Việt Nam đang phải “mặt đối mặt” với các rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế toàn cầu khiến tình hình phục hồi kinh tế chậm.
Cụ thể, xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn tới tiến trình phục hồi của thế giới bị đình trệ. Bên cạnh đó là tác động của thuế tối thiểu toàn cầu; cạnh tranh thu hút FDI các quốc gia lân cận. Trong khi đó, ngành công nghiệp phục hồi nhưng chưa ổn định. Dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ đã giảm nhưng nợ trong nước tăng cao. Đặc biệt, áp lực tỷ giá và giá vàng liên tục đạt đỉnh đầu năm 2024 có thể dẫn tới việc gia tăng lạm phát.
Ngoài các yếu tố bong bóng giá tài sản và tỷ giá có thể dẫn đến thay đổi mặt bằng lãi suất thì lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm trong giai đoạn nửa cuối 2024.
“Kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc trong 4 tháng đầu năm, động lực tăng trưởng chính là sản xuất và xuất khẩu đã có tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, xu thế chưa thực sự bền vững và còn nhiều rủi ro bất định phía trước. Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức cận dưới mục tiêu là 6%”, báo cáo của VEPR nhận định.
Cần nhìn thẳng vào vấn đề
Nhận xét về kinh tế Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Cần phải nhìn thẳng vào vấn đề là “bức tranh kinh tế Việt Nam không hoàn toàn màu hồng”.
“Kể từ năm 2020 tới nay, tức là thời điểm xuất hiện đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam tăng trưởng không ổn định, cứ dích dắc trồi sụt”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Phân tích sâu hơn, ông Cung chỉ ra, trong quý I/2024, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được báo cáo là “đã phục hồi” so với năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp chủ yếu dựa trên nền thấp của năm ngoái. Minh chứng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, năm 2023, IIP tăng trưởng âm, với mức suy giảm là 2,3%. Trong khi đó, những năm trước COVID-19, mức tăng trưởng của IIP là 10% - 15%. Tương tự, xuất khẩu trong thời gian gần đây có xu hướng tăng bất thường, trong quý I/2024 tăng 17%. Tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm, giảm 11%.
Đối với cán cân thương mại, báo cáo cho thấy Việt Nam đang xuất siêu, nhưng thành tích này chủ yếu được tạo ra từ khu vực FDI. Điều này đồng nghĩa với việc FDI đang lấn lướt khu vực kinh tế trong nước, trong khi hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng.
Đặc biệt, ông Cung tỏ ra quan ngại khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20.300 doanh nghiệp thành lập mới. Song ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Hiện nay, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang cao hơn số lượng thành lập mới, đây là một chỉ số bất thường và rất hiếm khi xảy ra. Nếu tình hình tốt lên thì sao đầu tư lại rất thấp, doanh nghiệp ra đời ít, doanh nghiệp mất đi vẫn tăng lên. Như vậy, điều này chứng tỏ rằng, doanh nghiệp của chúng ta đang khó khăn”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, khá nhiều doanh nghiệp cho hay trong bối cảnh hiện nay, họ không có ý định đầu tư, mở rộng phát triển mà chỉ tìm cách duy trì để vượt qua giai đoạn này.
Đó là chưa kể, thị trường bất động sản vẫn gần như bất động, mà giá lại vẫn “neo” ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng mới. Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng từ 2,03% (cuối năm 2022) lên 4,55% (năm 2023) và tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1/2024 là 4,79%.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần nhìn thẳng vào đúng thực trạng của nền kinh tế, “bắt đúng mạch” để có những giải pháp đủ sức nặng để tạo ra động lực tăng trưởng mới.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng nội địa nên kéo dài đến năm 2025, đồng thời quy mô cũng cần rộng mở hơn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR, cũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, cần các giải pháp cụ thể và thiết thực. Trong đó, Chính phủ có thể xem xét các chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Việt cũng đề xuất kích cầu tiêu dùng trong nước bằng việc tiếp tục cắt giảm thuế VAT 2% cho tới cuối năm 2024 và có thể mở rộng các đối tượng được cắt giảm thuế này. Đặc biệt, ông nhấn mạnh quan điểm muốn phục hồi tiêu dùng trong nước thì phải nói không với việc tăng thêm thuế phí trong năm. Ngoài ra, ông cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những lĩnh vực tiêu dùng tạo giá trị gia tăng cao, tiêu dùng xanh.
“Mặc dù dư địa về mặt tài khóa đang khá hạn hẹp những năm gần đây nhưng chúng ta có thể dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế linh hoạt để vừa duy trì được mặt bằng lãi suất phù hợp với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đang rất khó khăn, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho sự phát triển”, ông Việt nói.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy đầu tư công chính là bệ đỡ cho sự tăng trưởng, song đầu tư công cần phải có trọng tâm, trọng điểm.
“Trọng tâm của đầu tư công đó là phải hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ kết nối địa phương vùng, tạo nền tảng cho sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Tăng trưởng tín dụng: 23 tỉnh vẫn ở mức âm, có ngân hàng âm 4%
'Viên kim cương' có giá trị lên đến 20 tỷ USD của kinh tế Việt Nam
Dầu khí: Ngành 'mũi nhọn' của nền kinh tế Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo mô hình chữ U 22/08/2023 09:05
- VNDirect điểm 3 yếu tố khiến kinh tế Việt Nam phục hồi trong nửa cuối năm 19/07/2023 05:16
- Hai yếu tố để kinh tế Việt Nam bớt khó khăn 27/05/2023 02:03
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone